Chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng bằng thủ đoạn 'Hẹn hò trực tuyến'
Các đối tượng thông qua mạng xã hội, đăng hình ảnh, bài viết giả danh là bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư người nước ngoài, rồi kết bạn làm quen để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian từ 18-3 đến 23-3 ở nước ta đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến.
PLO xin gửi tới bạn đọc những chiêu trò, hình thức lừa đảo mà Cục An toàn thông tin đã cảnh báo để phòng tránh.
Lừa đảo đọc sách mỗi ngày để nhận lương
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của 1980Books nhằm mục đích lừa đảo thông qua quảng cáo tuyển dụng để chiếm đoạt tiền.
Nhóm đối tượng dùng tên, thông tin của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả đọc sách tại nhà qua các nền tảng mạng xã hội.
Các tài khoản giả mạo này đều được chạy quảng cáo, có thể tiếp cận đến số lượng lớn người dùng mạng xã hội. Đây là hình thức lừa đảo online điển hình gần đây, lợi dụng vào niềm tin với các thương hiệu lớn, quen thuộc, biến tướng từ hình thức “thực hiện nhiệm vụ”, “nhận thưởng”.
Với hình thức lừa đảo tinh vi, những người quan tâm sẽ được gửi những hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng có chữ ký và con dấu giả của 1980Books. Đối tượng giả mạo này có tổ chức, khi lập ra hệ thống Website/Landing page, Facebook, sử dụng thông tin của 1980Books (thay đổi số điện thoại, địa chỉ, con dấu và chữ ký giả…).
Nhóm đối tượng dùng tên, thông tin của 1980Books để đăng tải tin tuyển dụng độc giả để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ảnh: Cục ATTT.
Sau đó, nạn nhân sẽ bị đối tượng lừa đảo thêm vào các nhóm trên ứng dụng Telegram để thực hiện nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày để nhận lương. Để được nhận công việc, người dùng phải nạp tiền, sau mỗi lần kết thúc công việc thì được hoàn tiền về tài khoản.
Khi số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu người bị hại đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn tiền về ví điện tử, sau đó tiền không bao giờ được hoàn lại, chúng sẽ xoá toàn bộ tài khoản liên hệ.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cập nhật, mới đây, CEO của 1980Books khẳng định, đây là hành vi lừa đảo giả danh, lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của 1980Books.
Bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng vì đăng ký Tu Sinh Mùa Hè
Chỉ 2 tháng nữa là kết thúc năm học, cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ đi tìm các khóa học hè cho con em mình. Các khóa học ngày càng đa dạng hơn, từ các nhà trường cho đến các trung tâm dạy năng khiếu.
Nhiều gia đình đã chọn cho con mình các khóa học tu sinh. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết một trường hợp, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản Facebook Tu Sinh Mùa Hè để đăng ký cho con.
Sau đó, một người xưng là Trưởng ban Tu sinh gọi cho chị H, giới thiệu và cung cấp số và ảnh căn cước công dân của Trưởng ban để tạo niềm tin.
Nhiều gia đình đã chọn cho con mình các khóa học tu sinh và bị chiếm đoạt tiền. Ảnh: Cục ATTT.
Sau đó, đối tượng đưa chị H vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu chị mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu, đồng thời khẳng định sau 3- 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua.
Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng hai ngày, chị H đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Sập bẫy việc nhẹ, lương cao
Hiện nay, xuất hiện nhiều sàn giao dịch tiền ảo với dự án lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận để thu hút nhiều người tham gia đầu tư. Thời gian đầu, các sàn này sẽ để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, khi số tiền nạn nhân nạp vào ngày càng nhiều, các đối tượng sẽ không cho rút tiền nhằm chiếm đoạt.
Theo đó, một nạn nhân của chiêu trò trên, chị H. (SN 1986 trú tại Ba Vì, Hà Nội) đã trình báo Công an huyện Ba Vì về việc bị lừa đảo chiếm đoạt thông qua mạng xã hội với số tiền 750 triệu đồng.
Cụ thể, vào ngày 12-3-2024, chị H. có lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm và thấy một tài khoản đăng bài viết có nội dung "việc nhẹ, lương cao", chị H. đã liên hệ để trao đổi. Lúc này, chị H. được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận.
Chị H. được hướng dẫn đăng ký tài khoản tham gia đầu tư sàn giao dịch tiền ảo có thể kiếm nhiều lợi nhuận. Ảnh: Cục ATTT.
Sau khi bị đối tượng lôi kéo, chị H. đã đóng 100 triệu đồng để đặt lệnh thì tài khoản báo nhận được 3,2 tỷ đồng nhưng hệ thống báo lỗi không cho rút tiền. Sau đó, các đối tượng hướng dẫn chị phải đóng thuế, phí bảo hiểm… thì mới được rút tiền ra.
Đến ngày 17-3-2024, chị H. đã chuyển hơn 750 triệu đồng cho các đối tượng nhưng không nhận được số tiền trên sàn. Lúc này chị mới biết bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Chiếm đoạt số tiền gần 100 tỷ đồng qua hẹn hò trực tuyến
Ngày 19-3, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Gia Lai đã ra thông báo tìm bị hại của vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại P.Thắng Lợi, TP.Pleiku. Đây là vụ án lừa đảo thông qua mạng xã hội, với số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Qua quá trình điều tra, bước đầu cơ quan Công an đã bắt, khởi tố một số đối tượng (trong đó có một người quốc tịch nước ngoài) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Thông qua mạng xã hội các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân. Ảnh: Cục ATTT.
Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội, đăng hình ảnh, bài viết giả danh là bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư người nước ngoài, rồi kết bạn làm quen. Các đối tượng tự nhận đang làm việc tại các nước có xảy ra chiến tranh hiện có rất nhiều ngoại tệ, trang sức đắt tiền cần người tin tưởng giữ hộ.
Khi nạn nhân tin tưởng, những đối tượng này giả danh nhân viên công ty vận chuyển hàng quốc tế, nhân viên sân bay, cán bộ hải quan, cán bộ thuế để liên lạc liên hệ yêu cầu gửi các loại phí, thuế... thì mới nhận được gói hàng chứa nhiều ngoại tệ.
Bằng thủ đoạn này, nhóm đối tượng đã lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt số tiền gần 100 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.
Đối tượng cầm đầu đã mua và sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để cho đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào. Sau đó, sẽ thực hiện giao dịch rút tiền mặt ra và đưa lại cho các đối tượng lừa đảo.
Lực lượng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội đã điều tra làm rõ 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù hoạt động tội phạm lừa đảo trong nửa đầu năm...
Nguồn: [Link nguồn]