“Chỉ mặt” chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng

Sự kiện: Tin ngắn

Nghe nhiều nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy” tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã “chỉ mặt, điểm tên” hàng loạt những chiêu trò tinh vi của loại tội phạm này.

Chiêu trò tinh vi

Tại hội nghị sơ kết công tác đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao 5 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với sự tham gia của 132 tổ trưởng tổ dân phố, 39 chi nhánh ngân hàng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tham dự, Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ thủ đoạn như:

Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân;... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thu lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản;

Đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; Lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội;

Giả danh các trang bán hàng trực tuyến như Shoppe, Lazada, Yody... để lừa bị hại làm nhiệm vụ, sau đó gia tăng số tiền để đảm bảo dẫn đến bị hại liên tục chuyển tiền cho các đối tượng.

Ổ nhóm giả danh cán bộ Ngân hàng Techcombank lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ

Ổ nhóm giả danh cán bộ Ngân hàng Techcombank lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ

Đặc biệt hơn là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp... với thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm, một số thủ đoạn không xảy ra nữa như lừa đảo thông báo trúng thưởng, gửi quà; lừa đảo chạy việc, chạy án… Tuy nhiên, một số thủ đoạn gia tăng lớn, gây thiệt hại lớn như “hack” tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên cơ quan Nhà nước để lừa đảo, giả danh nhân viên sàn TMĐT, công ty việc làm online tuyển CTV giao nhiệm vụ để lừa đảo.

Ngoài ra vẫn còn số ít tin báo liên quan đến vay qua ứng dụng online sau đó yêu cầu chuyển tiền đóng phí, làm thủ tục rồi chiếm đoạt. Một số thủ đoạn mới như lập các tài khoản mạng xã hội “ảo” để đặt hàng online, sau đó chiếm đoạt tài sản như điện thoại, quần áo… hoặc được gửi các đường “link” lạ rồi chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại, mã OTP và thực hiện các giao dịch chuyển khoản…

Đối tượng Nguyễn Đình Mạnh sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội "ảo" để đặt mua điện thoại rồi làm giả giao dịch chuyển khoản thành công nhằm chiếm đoạt tài sản

Đối tượng Nguyễn Đình Mạnh sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội "ảo" để đặt mua điện thoại rồi làm giả giao dịch chuyển khoản thành công nhằm chiếm đoạt tài sản

“Trong số các tin báo liên quan đến các vụ lừa đảo công nghệ cao, chúng tôi đã tiếp nhận 17 tin tội phạm “hack” tài khoản mạng xã hội, giả lập người quen để vay tiền gấp. Đây là phương thức thủ đoạn khá quen thuộc được các đối tượng sử dụng, song, do người dân chủ quan nên vẫn “sập bẫy”.

Tội phạm trong quá trình dẫn dắt bị hại thường đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân không có sự đề phòng. Nếu không tỉnh táo, các đối tượng sẽ lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền” - Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao tuyên truyền rất nhiều trên đủ phương tiện truyền thông nhưng người dân vẫn bị lừa? Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, thủ đoạn của tội phạm thì tinh vi, trong khi đó người dân lại khá chủ quan; một bộ phận người dân chưa coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân;

Một số phòng giao dịch Ngân hàng chưa phối hợp duy trì thường xuyên việc đặt biển cảnh báo xuất phát từ diện tích mặt bằng, yêu cầu kinh doanh của cơ sở nên đặt không đầy đủ, đặt ở vị trí khó quan sát; Một số giao dịch viên cũng chưa nêu cao tinh thần phối hợp trong nhắc nhở, cảnh báo người dân khi đến chuyển tiền có các biểu hiện lo lắng, nghe điện thoại liên tục, chuyển số tiền lớn vào tài khoản lạ;

Tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh

Xác định tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp với thủ đoạn biến tướng khó lường, Công an quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Đội CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội, Công an 18 phường triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trong đó có phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội.

Trong những năm gần đây, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã tổ chức triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch, tập trung lấy phòng ngừa làm trọng tâm, song song với đó là tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị có liên quan để ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo công nghệ cao.

Các đối tượng tinh vi làm giả "app" Bộ Công an để đánh cắp mã OTP rồi thực hiện chuyển tiền trong tài khoản của các bị hại

Các đối tượng tinh vi làm giả "app" Bộ Công an để đánh cắp mã OTP rồi thực hiện chuyển tiền trong tài khoản của các bị hại

Đơn vị cũng đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức đặt xong trên 700 biển cảnh báo (Khổ A4, nền đỏ, chữ vàng) tại 187 phòng giao dịch trên địa bàn quận; Trong 5 tháng đầu năm 2023, Công an quận Hoàn Kiếm liên tục triển khai một số kế hoạch để chủ động phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao như Kế hoạch số 137/KH-CAHK-HN ngày 13-3-2023 triển khai “Xây dựng Thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng”.

Công văn số 1132/CAHK-ĐTHS ngày 21-4-2023 gửi Công an các phường, đội thuộc Công an quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo lợi dụng Công nghệ cao trên không gian mạng…

Nhiều người vẫn "sập bẫy" các cuộc gọi giả danh cán bộ Nhà nước

Nhiều người vẫn "sập bẫy" các cuộc gọi giả danh cán bộ Nhà nước

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm tập trung công tác tuyên truyền đến từng người dân bằng các hình thức sau: Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường và nhóm Zalo, Facebook phòng chống tội phạm trên địa bàn các phường; lồng ghép nội dung trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng trong các tổ dân phố;

Lực lượng CSKV phải trực tiếp phát các bài tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, từng hộ, từng người dân đang sinh sống làm việc trên địa bàn. Đồng thời đăng tải bài tuyên truyền trên bảng tin tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hoá và các cụm dân cư;

Đặc biệt, lực lượng Công an cũng phối hợp với Hội phụ nữ quận tuyên truyền trực tiếp đến từng hội viên nhằm lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, đặc biệt chú ý đến đối tượng là phụ nữ lớn tuổi, sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình.

Trong 5 tháng đầu năm, Công an quận Hoàn Kiếm nhận tới 17 tin liên quan đến việc lừa đảo bằng hình thức "hack" tài khoản mạng xã hội rồi nhờ chuyển tiền

Trong 5 tháng đầu năm, Công an quận Hoàn Kiếm nhận tới 17 tin liên quan đến việc lừa đảo bằng hình thức "hack" tài khoản mạng xã hội rồi nhờ chuyển tiền

“Công an quận Hoàn Kiếm xác định, công tác phòng ngừa là yếu tố then chốt để ngăn chặn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao. Mỗi người dân nếu tự nâng cao ý thức cảnh giác, tội phạm sẽ khó có cơ hội lợi dụng hoạt động” - Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Công an quận Hoàn Kiếm triển khai mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa đến người dân trên địa bàn quận

Công an quận Hoàn Kiếm triển khai mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa đến người dân trên địa bàn quận

Từ đầu năm đến nay, Đội CSHS Công an quận cũng đã điều tra, khám phá 2 vụ với 8 đối tượng liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao. Trong đó, gần đây nhất, ngày 6-3-2023, đơn vị đã bắt giữ 7 đối tượng có hành vi giả danh cán bộ ngân hàng Techcombank để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền khoảng 170 triệu đồng. Từ năm 2020-2021, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đã ngăn chặn được 10 vụ việc lừa đảo công nghệ cao với số tiền 6,31 tỷ đồng.

Có thể nói, tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi. Nếu chỉ có sự vào cuộc của lực lượng Công an thôi thì chưa đủ, mà cần nhất là ở chính người dân, phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, mất bình tĩnh khi bị tội phạm này “tấn công”. Tội phạm ở trong tối, nếu không đưa các đối tượng ra “ánh sáng” thì cần phải ngăn chặn bằng sự đề phòng của chính bản thân mình.

Vì sao hoãn xét xử hot girl siêu lừa đảo Tina Dương?

Ninh Thị Vân Anh (Tina Dương) bị đưa ra xét xử về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy An ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN