Chánh toà tối cao: "Không nên so sánh vụ ông Chấn với ông Nén"

Sự kiện: Thời sự

"Chúng ta không nên so sánh giữa vụ ông Chấn với ông Nén, mà nên so sánh xem có đúng pháp luật không, vì toà xét xử chỉ dựa vào pháp luật...".

Chánh toà tối cao: "Không nên so sánh vụ ông Chấn với ông Nén" - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 28/10

Chiều qua (27/10), thảo luận tại tổ về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đề cập đến việc nhiều nước trên thế giới đã lập ra quỹ gồm các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy... và lấy tiền đó để bồi thường oan sai, thay vì lấy từ tiền thuế của dân.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay (28/10), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã trao đổi thêm với báo giới về đề xuất này.

Thưa ông, tiền thuế của dân hay tiền thu được từ tham ô, tham nhũng cũng đều là nguồn tiền thuộc ngân sách nhà nước. Vậy có sự khác nhau gì giữa hai khoản tiền này?

Theo quy định của chúng ta, bất cứ khoản nào xung công quỹ thì đưa vào ngân sách, còn nhiều nước khác lại không như thế.

Về khoản tiền thu được từ tham ô hay tham nhũng, tôi cho rằng đất nước ta không giàu nghèo gì từ khoản tiền ấy. Chúng ta không dùng tiền ấy để nuôi bộ máy hay đầu tư, cũng không trông cậy vào tiền ấy. Chúng ta phấn đấu cho một xã hội không tội phạm chứ không phấn đấu để thu được nhiều tiền từ tham ô, tham nhũng.

Tất cả những loại tiền có được từ tội phạm nên để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này, đó là nguyên lý mà chúng ta đặt ra.

Nguồn tiền như ông nói có thể rất nhiều, trong khi đó số lượng vụ án oan rất ít, hàng chục năm mới có một vụ. Vậy nếu quỹ đó được lập thì liệu số tiền có quá nhiều?

Không phải chỉ để cho bồi thường oan sai, mà để phục vụ cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhu cầu của đấu tranh là rất nhiều, thậm chí ngân sách nhà nước còn phải bỏ ra nữa chứ không phải nhiều đâu, như mua phương tiện và rất nhiều việc khác, nhu cầu trang bị cho Bộ công an, cho cơ quan điều tra là rất lớn. Còn chuyện bồi thường hoặc để khắc phục rủi ro thì không bao nhiêu. Ví dụ cơ quan điều tra, cảnh sát trưng dụng xe của dân đi truy bắt tội phạm gây móp méo, hỏng… phải đền cho người ta thì dùng tiền này.

Có ý kiến cho rằng nếu sinh ra quỹ như vậy thì các cán bộ sẽ ỷ lại vì đã có nguồn tiền bồi thường?

Vấn đề không phải chỉ có tiền, mà những cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp người ta có tự trọng, sĩ diện của người ta. Không phải chỉ có chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất, mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là những kỷ luật chuyên môn. Chúng tôi đang xây dựng quy chế về kỷ luật nội bộ theo tinh thần rất chặt chẽ, ví dụ như vi phạm đến mức nào đó thì sẽ không được phân án để làm tiếp, sẽ không được tái bổ nhiệm, và đến mức nào đó thì sẽ tước chức danh tư pháp, thậm chí bị kỷ luật.

Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có ĐB đề nghị Toà án chỉ đạo xem xét việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). Quan điểm của Chánh án ra sao về vụ việc này?

Chúng ta không nên so sánh giữa vụ nọ với vụ kia, không nên so vụ ông Chấn (Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang) trước đó với vụ ông Nén, cái chúng ta cần làm là so sánh xem có đúng luật không, toà chỉ có tuân thủ pháp luật và dựa vào pháp luật, còn luật bất cập thì sửa đổi, bổ sung.

Vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn hiện đã bồi thường xong, đó cũng là tiền lệ để các vụ việc sau người ta nhìn vào. Vậy vụ ông Huỳnh Văn Nén nên có hướng xử lý thế nào, thưa ông?

Quan trọng nhất là có tuân thủ pháp luật hay không, còn khi không thương lượng được và phải ra toà thì không có cách làm khác là toà phải dựa vào luật. Toà không dựa vào vụ nọ để xử vụ kia, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng.

Liên quan đến một số trường hợp bị oan sai gây bức xúc dư luận nhưng thời gian đòi bồi thường lại bị kéo dài như trường hợp như ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn, tại phiên thảo luận tổ chiều 27/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải xem xét lại quy trình giải quyết: “Ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bồi thường 7,2 tỷ đồng nhưng tại sao ông Nén ngồi tù 17 năm lại chỉ nói bồi thường 2,6 tỷ đồng? Dự thảo luật đề cập đến việc xác minh thiệt hại do thực tế phát sinh, thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần..., nhưng như ông Nén đi tù hơn 17 năm thì bây giờ làm sao có đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại?".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN