Chân dung "ông trùm tập đoàn lừa đảo tin nhắn” tại HN

Với hàng triệu tin nhắn lừa khách hàng qua điện thoại, Tiến thu hàng chục tỷ, mua được nhà, xe Mercedes.

Xuất thân từ vùng nông thôn nghèo khó ở Nghệ An, Lê Ngọc Tiến (42 tuổi) ra Hà Nội học hành và lập nghiệp. Tiến được nhận vào làm việc tại tập đoàn viễn thông lớn bậc nhất ở Hà Nội. Công việc của Tiến là nhân viên kinh doanh, phân phối thiết bị điện thoại.

Tiến hưởng lương hàng chục triệu một tháng nhưng thu nhập chính giúp "ông trùm" mua nhà lầu, xe Mercedes đến từ nhiều công ty chuyên hoạt động dịch vụ giá trị gia tăng qua tin nhắn điện thoại của Tiến.

Mua nhà, xe Mercedes từ tin nhắn 15.000 đồng

Cách đây không lâu, Tiến tự bỏ tiền thuê người, mua sắm trang thiết bị, thành lập 3 công ty có tên Vvas, Vcontent, Bắc Đại Dương. Ba công ty này trực tiếp ký hợp đồng với các nhà mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel để sở hữu khoảng 20 số tổng đài gồm các đầu số 7x68 và 7x77.

Tiến thuê khoảng chục người để vận hành "tập đoàn" của mình. Theo cán bộ điều tra, mặc dù kiếm lợi nhuận rất lớn nhưng Tiến khá ky bo. Tiến trả lương cho các đồng phạm rất thấp.

Các đối tượng Nguyễn Xuân Dũng và Nguyễn Duy Đông được Tiến thuê làm giám đốc các công ty nói trên nhưng có người chỉ được trả lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Các giám đốc này trực tiếp đứng ra ký kết hợp đồng thuê đầu số, thuê chỗ đặt máy chủ, thanh toán tài khoản và thậm chí làm cả việc tay chân là ngồi máy phát tán tin nhắn.

Tiến cũng thuê một đội soạn thảo nội dung tin nhắn (gồm tin nhắn quảng cáo và tin nhắn trả lời). Các tin nhắn thường có nội dung hấp dẫn để đánh lừa chủ thuê bao nhưng kết quả trả lời không đúng sự thật.

Một trong số tin nhắn mà chúng lừa khách hàng là: "Nguồn tin đặc biệt từ hội đồng xổ số dành riêng cho khách hàng VIP. Soạn DK gửi đến 7x68" hoặc "Bạn đã may mắn trúng thưởng iPhone 5S. Muốn nhận thưởng, soạn LOC gửi 7x77",...

Khi khách hàng nhắn tin theo hướng dẫn, kết quả trả về không có nội dung gì và tài khoản điện thoại bị trừ 500 đồng hoặc 15.000 đồng tùy đầu số.

Tiến cũng thuê một số đối tượng chuyên phát tán tin nhắn đến các danh sách hàng nghìn, hàng vạn số thuê bao có sẵn. Đội ngũ này thường là sinh viên được Tiến thuê làm bán thời gian với giá khoảng 100.000 đồng một ca 8 tiếng.

Ngoài ra, tập đoàn của Tiến có cả kế toán, đội ngũ kỹ thuật để vận hành thuận lợi.

Mỗi ngày, tập đoàn của Tiến phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn đến các chủ thuê bao điện thoại di động. Nhiều chủ thuê bao mắc bẫy và kết quả là mỗi ngày có hàng nghin tin nhắn phản hồi.

Là chủ của hàng loạt công ty kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, nhưng Tiến phải che giấu thân phận. Tiến gián tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của nhóm nhân viên thông qua điện thoại, thư điện tử. Mọi vị trí pháp lý đều do những người được Tiến thuê đảm nhận. Mới đây, Tiến còn thành lập tiếp 2 công ty nữa để mở rộng quy mô của "tập đoàn".

Sau khoảng 2 năm hoạt động, Lê Ngọc Tiến và "tập đoàn lừa đảo tin nhắn" của mình đã chiếm đoạt của người sử dụng điện thoại di động hơn 30 tỷ đồng. Tiến ăn chia với nhà mạng với tỷ lệ khoảng 50 phần trăm.

Giữa tháng 6 vừa qua, tại một căn hộ ở khu tập thể Đại học Công Đoàn, cảnh sát đã bất ngờ đột kích "trung tâm" phát tán tin nhắn của Tiến. Lúc này, cả giám đốc lẫn nhân viên đang ngồi máy gửi tin nhắn đi khắp nơi. Lúc này, chân dung về một "ông trùm" lừa đảo tin nhắn mới chính thức lộ diện.

Khi bị bắt, Tiến vẫn đang làm việc bình thường ở tập đoàn viễn thông, nơi đang công tác. Tuy nhiên, nơi làm việc chính chỉ mang lại thu nhập phụ. Nơi làm việc "phụ" mới đem lại thu nhập cao cho Tiến. Ông trùm 40 tuổi tậu nhà cửa khang trang ở Bắc Linh Đàm, đi xe Mercedes.

Chân dung "ông trùm tập đoàn lừa đảo tin nhắn” tại HN - 1

Một trong những tin nhắn lừa đảo qua điện thoại di động

Nhà mạng kiểm duyệt lỏng lẻo

Thiếu tá Nguyễn Huy Lục (Phó trưởng Phòng 3 - C50, đơn vị phá án) đánh giá, việc đánh sập "tập đoàn" của Lê Ngọc Tiến có thể được coi là vụ triệt phá ổ nhóm lừa đảo tin nhắn lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, nạn phát tán tin nhắn rác vẫn phổ biến. Qua công tác trinh sát, cơ quan công an nhận thấy, những cơ sở kinh doanh thường khá nhỏ lẻ, hoạt động một thời gian ngắn lại ngừng. Nhưng "tập đoàn" của Tiến là ổ nhóm hoạt động có hệ thống với quy mô lớn, suốt thời gian dài.

Sau khi bị bắt, Tiến khai rằng, danh sách thuê bao di động mà Tiến gửi tin nhắn lừa đảo là mua lại của một số đối tượng lấy nguồn từ các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động như Vinaphone, Mobiphone, Viettel. Hiện C50 đang tiếp tục điều tra về những đối tượng này để xử lý.

Theo Cục C50, thời gian qua, nạn phát tán tin nhắn rác phát triển mạnh gây bức xúc cho người sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các nhà cung cấp dịch vụ di động vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Theo cán bộ điều tra, hiện nay, chế tài về hoạt động dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định khá chặt chẽ.

Theo quy định, tin nhắn dịch vụ giá trị gia tăng phải được nhà mạng kiểm duyệt. Trong số 3 nhà mạng, Vinaphone và Viettel kiểm duyệt khá chặt chẽ. Nhưng nhìn chung nhà mạng vẫn quản lý khá lỏng lẻo. Khi ký kết hợp đồng với nhà mạng, các công ty này báo cáo nội dung tin nhắn lành mạnh, đúng quy định. Nhưng đến khi gửi cho khách hàng, các công ty kinh doanh dịch vụ lại sửa nội dung nhằm lôi kéo, lừa tiền của họ.

Theo tính toán của Phòng 3 (C50), hiện có khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng. Nhưng cơ quan chức năng vẫn khó xác định họ hoạt động có đúng quy định hay không.

Thiếu tá Lục cũng cho hay, "tập đoàn" của Lê Ngọc Tiến mới chỉ là ổ nhóm lừa đảo tin nhắn lớn nhất từng bị triệt phá. Một số ổ nhóm khác có thể lớn hơn nhiều. Hiện C50 vẫn đang phối hợp với các đơn vị khác nắm tình hình và tiếp tục truy quét.

Mặt khác, C50 cũng sẽ có công văn đề nghị cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét trách nhiệm trong vấn đề này, đồng thời có biện pháp ngăn chặn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN