Cha đoạt mạng con và nỗi lòng người mẹ

Sự kiện: Tin pháp luật

Con trai thiệt mạng, chồng sẽ phải lãnh án tù, người vợ chỉ còn lại đứa cháu nội nhỏ dại và nỗi buồn cùng sự cô đơn…

Ngày 8-4 tới, TAND tỉnh Lai Châu sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lò Văn Chang (57 tuổi, dân tộc Giáy) về tội giết người, theo khoản 2 Điều 123 BLHS (khung hình phạt 7-15 năm tù). Vụ án để lại hậu quả đau lòng khi nạn nhân chính là con ruột của bị cáo, mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình với tác nhân từ rượu.

Nguyên nhân từ rượu

Cáo trạng của VKSND tỉnh Lai Châu mô tả, khuya 14-7-2019, anh Lò Văn Dục (38 tuổi, con trai của bị cáo Chang) về nhà cha mẹ trong tình trạng say rượu. Tay anh này cầm con dao nhọn (đã cùn, không sử dụng được) và gọi cửa nhưng không ai mở. Anh Dục vào nhà bếp chửi bới một lúc rồi bỏ đi. Lúc này, vợ ông Chang bế cháu sang nhà con gái gần đó, trong nhà chỉ còn ông ngủ say.

Khoảng 2 giờ sáng hôm sau, ông Chang dậy đi vệ sinh thì nhìn thấy con trai đang ngồi gục dưới nền bếp, bên cạnh là con dao. Thấy vậy, ông nhắc Dục đi ngủ thì bị con trai đáp trả: “Ông còn nói tôi đi ngủ à, tôi cho ông già chết bây giờ”.

Câu nói khiến ông bực tức và nghĩ lại trước đây nhiều lần Dục uống rượu say rồi về nhà chửi bới, đe dọa, đập phá tài sản gia đình, ông Chang đã mất bình tĩnh. Lúc này bị cáo cầm một đoạn cây gỗ và nói: “Có bố không có con, giỏi thì vào đây”.

Anh Dục nghe vậy thì cầm con dao tiến về phía cha mình, hậu quả là người con gục xuống và tử vong. Bàng hoàng rồi sực tỉnh sau khi gây tội, bị cáo Chang liền gọi điện thoại kêu vợ về và ngay sau đó bị cáo đã tới UBND xã tự thú.

Quá trình điều tra, bị cáo Chang khai rất bực tức khi thấy con trai thường say rượu rồi về nhà chửi bới cha mẹ, đập phá đồ đạc. Hôm xảy ra vụ án, thấy Dục không nghe lời đi ngủ, lại có lời lẽ thách thức và cầm dao đi về phía mình, ông không giữ được bình tĩnh, tinh thần bị kích động nên mới xuống tay với con.

Cáo trạng nhận định, bị cáo Chang nhận thức được hành vi sử dụng hung khí đánh vào đầu là nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân nhưng vì bực tức nên vẫn cố tình thực hiện, đây là lỗi cố ý trực tiếp…

Bà Vàng Thị Huệ kể lại sự việc. Căn nhà của vợ chồng bà Huệ, nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: TP

Bà Vàng Thị Huệ kể lại sự việc. Căn nhà của vợ chồng bà Huệ, nơi xảy ra vụ án mạng. Ảnh: TP

Lời gan ruột của người vợ

Bà Vàng Thị Huệ (56 tuổi, vợ bị cáo Chang) kể, gia đình bà thuộc diện khó khăn từ nhiều năm trước đến nay. Năm 2007, ông bà tổ chức đám cưới cho Dục rồi chia ruộng nương cho vợ chồng con trai ra ở riêng. Tuy nhiên, cũng từ đó Dục thể hiện là một người con hư khi chìm đắm vào rượu bia, bỏ bê vợ, đe dọa cha mẹ.

Hậu quả là Dục phải bán hết tài sản trong nhà trả nợ. Vợ Dục vì không thể chung sống nên đã bỏ nhà đi biệt tăm. Năm 2012, Dục lấy vợ mới và sinh được một bé gái. Thế rồi hai năm sau, người vợ thứ hai cũng bỏ đi vì không chịu nổi tính cách của Dục, để lại đứa con cho vợ chồng bà Huệ nuôi.

Cũng từ đó, Dục ngày càng cộc cằn, nhiều lần chửi mắng, đánh đập, dọa giết cha mẹ cũng như người thân. Tháng 8-2018, gia đình bà phải nhờ tới sự can thiệp của công an xã khi bị Dục quậy phá.

Bà Huệ than thở: “Chồng tôi gây án mạng là điều không thể chối cãi, đây là một bi kịch mà cả gia đình, trong đó có tôi phải là người gánh chịu. Rất mong cơ quan pháp luật xem xét cho chồng tôi vì ông ấy đã phạm tội khi tinh thần bị kích động mạnh. Bởi vì nỗi tức giận đứa con hư đã kìm nén từ lâu mà bột phát, sinh ra nông nỗi…”.

Nhờ sự trợ giúp của luật sư, bà Huệ cũng đã có đơn cầu cứu gửi TAND và VKSND tỉnh Lai Châu để xem xét giảm nhẹ cho chồng. Trong vụ án này bà là mẹ của nạn nhân và cũng là vợ của bị cáo, nên hơn ai hết bà thấu hiểu nỗi đau của một gia đình ly tán. Con trai chết, con dâu bỏ đi, chồng thì ngồi tù, bà vò võ nuôi đứa cháu nội nhỏ dại hướng về những ngày sắp tới mù mịt tương lai.

Có thể xem xét cho bị cáo

Theo luật sư bào chữa cho ông Chang, bị cáo là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không biết chữ và trình độ nhận thức pháp luật khá hạn chế. Trong khi lời khai của bị cáo trong hồ sơ, lời trình bày của gia đình và xác nhận của địa phương cho thấy nạn nhân là người con bất hiếu, thường xuyên đánh chửi, đe dọa cha mẹ.

Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó âm ỉ, kéo dài, thời điểm xảy ra lại tiếp diễn khiến bị cáo không tự kiềm chế được. Nếu tách sự kích động riêng lẻ tại thời điểm gây án như cáo trạng nhận định thì không coi là bị kích động mạnh. Tuy nhiên, nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc từ trước đó để xâu chuỗi lại thì có cơ sở để xem xét cho hành vi của bị cáo là phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. 

Bố giết con 4 tuổi: Tờ giấy xét nghiệm ADN và phút nức nở của người bố máu lạnh

Nhận thấy chi tiết bất thường trong cái chết của bé trai 4 tuổi, ban chuyên án đã ngày đêm đấu tranh để lật tẩy thủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN