Cha đánh con trai sáu tuổi dập gan

Bé trai vào viện trong tình trạng nôn ói, bị gãy xương đòn bên trái, xuất huyết nội.

BS Lê Minh Thể, Trưởng khoa Ngoại tổng quát của BV Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), vừa xác nhận tình trạng sức khỏe bé Võ Nguyễn Minh Sáng (SN 2010) bị cha bạo hành đã tạm ổn, có thể xuất viện trong tuần này.

Theo BS Thể, ngày 14-3, bé Sáng được gia đình ở ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) đưa đến nhập viện trong thể trạng khá yếu. Người nhà cho biết cháu bé bị cha ruột là Võ Văn Khá (28 tuổi) đánh, sau đó bị nôn ói ra chất dịch có màu lạ… Qua chẩn đoán bằng hình ảnh X-quang, siêu âm, bệnh viện kết luận: Bé Sáng bị gãy xương đòn bên trái, dập gan dẫn đến xuất huyết nội và xây xát nhiều chỗ trên cơ thể…

Bà Mai Thị Bích Phượng, bà nội của bé Sáng, kể: “Khá cất nhà riêng ở sát bên nhà của vợ chồng tui. Nó đánh vợ, đánh con rất nhiều lần. Bị mọi người trong gia đình phản ứng, nó lôi vợ con vào trong nhà, khóa trái cửa lại đánh đập tiếp, để không ai có thể vào can ngăn được...”. Hiện vợ của Khá không chịu nổi những trận đòn trí mạng đã bỏ con, bỏ nhà ra đi, gia đình không thể liên lạc được.

Cha đánh con trai sáu tuổi dập gan - 1

Người thân và bác sĩ đang chăm sóc cho cháu Sáng tại bệnh viện. Ảnh: T.PHÚC

Em trai của Khá là anh Võ Văn Dư đang trực tiếp chăm sóc cháu Sáng tại bệnh viện, cho biết: “Anh Khá không nhậu nhẹt nhưng thường bỏ đi đâu đó vài ngày mới về nhà một lần. Mỗi lần về là kiếm chuyện đánh đập chị dâu, đánh con… Ảnh đánh vợ con dã man lắm, đánh bằng dây xích, bằng búa, thậm chí dọa chích điện vợ. Anh Khá từng dọa sẽ dùng xe chở con trai lao xuống sông, rồi một mình lội lên bỏ mặc cho thằng bé chết đuối”.

Bà Phượng bức xúc: Nhiều lần bà ra công an xã trình báo về việc con dâu, cháu nội bị con ruột bạo hành, công an xã có đến nhưng không xử lý. Nay khi bé Sáng bị cha ruột hành hạ như trên, công an mới giải thích: Do bà không có đơn tố cáo (!). Bà Phượng nói: “Có mấy anh xưng công an, nhìn khá lạ mặt, đến dặn tôi đừng thông tin về vụ này cho báo chí, rằng: Nhà báo có hỏi, bà đừng trả lời gì hết”. Để có thông tin hai chiều, người viết đã gọi vào số máy của Công an xã Thới Thuận đề nghị liên hệ công tác thì được trả lời: “Ở đây không cung cấp thông tin anh ơi”, rồi cúp máy.

Hiện bà Phượng rất sợ, không dám rước cháu từ bệnh viện trở về nhà. Vì theo bà, Khá chưa bị công an tạm giữ, xử lý thì sẽ có khả năng bạo hành con bất cứ lúc nào. Vợ chồng bà Phượng có nguyện vọng mong chính quyền xã liên hệ với Sở LĐ-TB&XH giúp cho bé Sáng được vào sống trong làng SOS Bến Tre.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thới Thuận, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đề nghị các đoàn thể và công an xã phối hợp với gia đình bảo vệ cháu bé khi cháu xuất viện trở về địa phương. Hành vi bạo hành của Khá đang được công an củng cố hồ sơ để có hướng xử lý. Riêng nguyện vọng gửi cháu Sáng vào làng SOS sinh sống, chúng tôi sẽ trao đổi với những đơn vị có trách nhiệm để lo cho cháu”.

Nếu gia đình đã nhiều lần trình báo với công an địa phương nhưng được yêu cầu phải có đơn tố giác thì khó chấp nhận. Tin tố giác hành vi vi phạm có thể được cung cấp từ nhiều nguồn như tố giác trực tiếp bằng lời nói, bằng đơn, thư... Khi nhận được tin báo từ các nguồn này, người tiếp nhận thông tin phải tổ chức xử lý thông tin để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Luật sư TRẦN HỮU KIỂN, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Phúc (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN