Câu chuyện ma túy ở “bản trắng” xứ Nghệ
Được mệnh danh là “bản không chồng”, những đứa trẻ ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vốn sinh ra đã không có được tình yêu thương của người cha. Hơn thế, các bà mẹ nơi đây còn chịu thêm nỗi đau, đó là cảnh những đứa con lần lượt rơi vào làn khói của “cái chết trắng”.
Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là những thứ giặc đáng căm thù nhất của nước Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Còn ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc thì tệ nạn ma túy lại len lỏi vào xã hội giống như một thứ giặc nội xâm.
Trong đó, nguy hiểm hơn cả đó là nạn nghiện ma túy ở thanh thiếu niên. Nó không những gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người như: Suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, người gầy gò, xanh xao, thần kinh rối loạn, gây ảo giác, hoang tưởng… mà trong trường hợp sử dụng quá liều có thể dẫn đến chết đột ngột do sốc thuốc. Nhiều gia đình tan nát, nhiều bản làng hiu quạnh cũng chỉ vì “nàng tiên nâu”, “cái chết trắng”.
Câu chuyện về “bản không chồng” hay còn gọi là “bản trắng” ở xã Lượng Minh – huyện Tương Dương- Nghệ An là một ví dụ. Bản làng ấy từ xưa vốn chỉ toàn phụ nữ và trẻ em mà không có đàn ông. Đấy là tình cảnh ở bản Xốp Mạt, xã Lưỡng Minh huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cuộc sống của những người còn ở lại tại đây vốn đã khó khăn nay lại càng nhiều bộn bề vất vả hơn, khi gánh nặng gia đình lại càng đè nặng lên đôi vai họ.
Vậy những người chồng – người cha đã đi đâu? Lý giải cho điều này trưởng bản Lô Văn May buốt lòng kể lại: “Thực ra không phải bản ta không có chồng, mà có chồng từ lâu rồi chứ, nhưng lâm vào cảnh buôn bán ma túy nên đàn ông bị bắt đi… tù hết cả rồi”.
Cái chết trắng len lỏi tới từng mái nhà đơn sơ kia, cướp đi những người chồng - người cha nơi bản làng Tương Dương, Nghệ An trong hàng nhiều năm
Trong ký ức đồng bào dân tộc thiểu số có lẽ ai cũng biết đến loài hoa anh túc (cây thuốc phiện) có mặt trên từng bản làng, nương rẫy của đồng bào người Thái, người Mông.
Loài cây này dễ trồng, đơm hoa kết trái trắng ngần cả cánh rừng. Nhiều là thế, nhưng bây giờ tìm một miếng nhỏ bằng hạt đậu xanh để làm thuốc cũng không còn. Nhưng hỏi mua “hàng trắng”(heroin) tại xã Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh… (huyện Tương Dương, Nghệ An) thì dễ dàng như lật lòng bàn tay.
Bà Lô Thị Thông có 4 người con, 2 trai, 2 gái và gần chục đứa cháu, một mình bà Thông giờ đây cáng đáng nuôi 4 đứa cháu trong nhà. Ba người con của bà đã dính vào ma túy, con dâu và con rể cũng không thoát khỏi. Hết nuôi con giờ đến nuôi cháu, cuộc sống vùng cao vốn đã khó khăn, gánh nặng cơm áo giờ lại càng đè nặng lên vai người đàn bà đã qua tuổi lục tuần…
Và câu chuyện của bà Lô Thị Thông nằm trong số những gia đình cùng hoàn cảnh tương tự tại xã Lương Minh. Như một “lời nguyền” không dứt, những người đàn bà kham khổ tiếp tục sống trong cảnh không chồng – nuôi cháu năm này qua năm khác. Anh Lô Văn May – trưởng bản Xộp Mạt, vừa đi khe lấy từng can nước hiếm hoi vừa chia sẻ: “Sống ở bản ta chẳng khát gì, chỉ có “khát nước” là một, “khát đàn ông” là hai”.
Những đứa trẻ vùng bản làng nơi mệnh danh "bản trắng" tại tỉnh Nghệ An
“Nhiều con nghiện ở bản ta năm sau lại tăng hơn năm trước, mà tình trạng đi cai nghiện về rồi tái nghiện tinh vi hơn. Ở bản ta có trên dưới 20 con nghiện, vậy mà cấp xã lập báo cáo lên thì cứ bảo là con nghiện giảm đi chứ không tăng. Ta nói thật, thực tế các con nghiện đi cai về không cai được, mà còn lại chích hút hít nhiều hơn” - Trưởng bản tâm sự.
Vậy số phận những đứa trẻ sẽ đi đến đâu, bao giờ tỉnh Nghệ An nói chung và những người đàn bà huyện Tương Dương nói riêng mới thoát khỏi kiếp “không chồng”? Có lẽ để giải quyết việc này, lãnh đạo tỉnh cần sát sao hơn tới từng gia đình tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy để những gia đình ấy được đủ đầy tiếng cười của người đàn ông và trẻ nhỏ.
Trailer chương trình. Xem tại đây
Mời các bạn đón xem chương trình “Những đứa trẻ sau cơn bão ma túy” trong dải giờ 8 giờ 15 phút trên kênh An ninh Thế giới (ANTG) – Truyền hình An Viên: Phát sóng chính thức: 20h15 thứ Bảy (29/8/2015) Phát lại: 9h00 chủ nhật (30/8/2015) & 15h00 thứ Hai (31/8/2015) |