Câu chuyện ly kỳ về hai tử tù vượt "ngục" (P 1): Chiếc cùm bị cắt

XEM THÊM CÁC KỲ
1

Hơn 20 năm trước, tại phòng biệt giam dành cho tử tù ở trại tạm giam Công an Hà Nội (người dân quen gọi là trại Hỏa Lò) xảy ra một vụ việc gây chấn động dư luận. Chỉ trong một đêm, hai phạm nhân bị biệt giam chờ ngày thi hành án tử hình đã đột ngột biến mất. Khi khám nghiệm, cơ quan điều tra đã rất "sốc" bởi không thể tin được với những vật dụng hết sức thô sơ, chúng đã cưa đứt cùm chân, chấn song sắt để tẩu thoát ra ngoài.

Đó là đêm 28/10/2001, trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) chuông báo động réo liên hồi. Phía bên trong các giám thị lộ rõ vẻ sốt ruột, lo lắng khi chứng kiến một phòng biệt giam dành cho tử tù trống trơn.

Vốn dĩ, trại "Hỏa Lò" theo cách gọi của người dân là nơi an ninh rất cao, vậy mà chỉ trong một đêm, có tới hai tử tù, là các đối tượng đặc biệt nguy hiểm bỏ trốn thành công. Tại buồng giam, chiếc cùm chân bằng cách kỳ lạ nào đó đã bị cưa vẹt, song sắt cửa sổ cũng "chung số phận".

Nhân thân hai kẻ trốn trại nhanh chóng được làm rõ là Nguyễn Văn Thân (trú tại xã Chung Châu, Đan Phượng, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) và Nguyễn Văn Nam (thường gọi là Nam "cu chinh", trú tại Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội). Đây vốn dĩ là những kẻ lưu manh có hạng, đều bị tuyên án tử hình về tội giết người.

Nói về Thân, ở quê gã được đặt cho cái biệt danh rất "thuần nông", Thân "rau muống" bởi vóc dáng cao, gầy của mình. Thân từ nhỏ đã có tiếng "máu chiến". Khi lớn, gã ngược lên vùng miền núi phía Bắc để làm ăn.

Năm 1992, Thân cùng đồng bọn gây ra cái chết cho một người tại Mộc Châu (Sơn La). Thân nhanh chân bỏ trốn về quê rồi "lầm lũi" lên Hà Nội để kiếm việc làm. Thời điểm ấy, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định truy nã toàn quốc với đối tượng này.

Về Hà Nội, Thân lang thang làm đủ thứ việc nhưng bản tính côn đồ trong tên tội phạm này thì vẫn "thường trực". Năm 1995, Thân được thuê đào đường để chôn hệ thống dây điện thoại tại Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Trong lúc nghỉ ngơi, nhóm Thân và vài công nhân khác tổ chức đánh bạc. Thua bạc đã dẫn tới mâu thuẫn, Thân đã sát hại một người.

(Ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)

(Ảnh minh họa, không liên quan đến bài viết)

Gây án xong, biết khó thoát, Thân đi một mạch vào miền Nam. Lần này, gã "lĩnh" thêm một quyết định truy nã khác của Công an Hà Nội.

Thân vào Bình Phước, với sự khôn ngoan lọc lõi của một tên lưu manh, Thân nhanh chóng "hòa nhập" với cuộc sống nơi đây. Gã đổi tên thành Nguyễn Thành Đa và đăng ký thường trú tại Bình Long (Bình Phước).

Gã giết người mang trên mình hai lệnh truy nã sống ở vùng đất mới bằng nghề bốc vác gỗ. Trong quá trình làm việc, do mâu thuẫn với một người làm cùng, bản tính "khát máu" của Thân trỗi dậy. Gã đã đánh người này trọng thương rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, lần này Thân đã không thể thoát được.

Khi bị Công an Bình Phước bắt giữ, cả một quá khứ "tày đình" từng bị che giấu của Thân đã "lộ diện". Gã được di lý về Hà Nội để điều tra, xét xử.

Năm 2000, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Thân mức án tử hình, gã được giam giữ tại trại "Hòa Lò" để chờ ngày ra pháp trường.

Thời đó, phòng biệt giam vẫn thường được giam giữ 2 tử tù với an ninh tuyệt đối. Các phạm nhân bị cùm chân, có camera theo dõi 24/24. Thân được giam cùng với Nguyễn Văn Nam, một đối tượng cũng không kém phần "bất hảo".

Nam vốn sinh ra tại Hà Nội, ngay từ năm 15 tuổi gã đã bị tuyên án treo về hành vi trộm cắp. Suốt thời tuổi trẻ, Nam liên tục gây ra các vụ trộm, cố ý gây thương tích… để rồi trả giá bằng nhiều án tù "tái đi, tái lại".

Khi đang thụ án, Nam đã đánh chết một bạn tù chỉ vì cái thói "đại bàng" của mình. Với tội ác ấy, Nam bị tuyên án tử hình khi mới ngoài 20 tuổi. Hai gã tử tù với những tội ác không thể dung thứ bị cùm chân chung một phòng biệt giam.

Chẳng hiểu Thân và Nam nói với nhau những gì, nhưng sau vài tháng ở chung, trong một đêm tối trời, hai gã đột ngột biến mất, để lại hiện trường là chiếc cùm chân bị cưa vẹt, thanh song sắt cửa sổ uốn cong.

Thân và Nam (ảnh tư liệu)

Thân và Nam (ảnh tư liệu)

Sự biến mất của hai gã tử tù tại trại giam nổi tiếng nghiêm ngặt thực sự là mối lo lớn. Nếu không nhanh chóng truy bắt, biết đâu chúng sẽ tiếp tục gây án.

Công an Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Hà Tây (cũ), Công an các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ tiến hành một chiến dịch truy lùng rất lớn vào thời điểm ấy.

Các điều tra viên nhận định, sau khi bỏ trốn, hai tên tử tù này rất có thể sẽ tìm về nhà để chuẩn bị tiền bạc cho hành trình "cao chạy xa bay tiếp theo". Nếu xét về mặt địa lý, di chuyển về Chung Châu (Đan Phượng) là quê của Thân sẽ thuận lợi hơn là về nhà Nam ở Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội).

Tuy vậy, Công an Hà Nội vẫn cử các nhóm trinh sát "đón lõng" ở cả hai địa điểm này. Tại nhà Nam, các trinh sát theo dõi nhiều ngày nhưng không phát hiện bóng dáng của gã tử tù ấy. Đánh giá, điểm đến "khả năng cao" của Thân, Nam là xã Chung Châu nên lượng lớn quân số của công an đã được bố trí về vùng này.

Một cuộc truy lùng ráo riết hai gã tử tù bắt đầu.

(Còn nữa)

XEM THÊM CÁC KỲ
1

Nguồn: [Link nguồn]

Bi hài vụ phạm nhân trốn trại: Vượt ngục 2 ngày và bị bắt ở một nơi ít ai ngờ tới

Sau 2 ngày trốn khỏi nơi giam giữ, phạm nhân Lầu A Tủa bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tại một nơi không ai ngờ tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Sơn ([Tên nguồn])
Câu chuyện ly kỳ về hai tử tù vượt "ngục" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN