Cắt 5 ngón tay lấy máu ký đơn về với mẹ đẻ
Sáng 12/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1968), trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Theo đó, bà Lâm kết hôn với ông Trần Hải H. (SN 1959, người địa phương) vào năm 1986. Tuy nhiên, thời gian chung sống bà Lâm phải chịu những trận đòn cay nghiệt của người chồng vũ phu.
Người con tật nguyền cùng mẹ đẻ đi đòi quyền lợi
Năm 1997, không thể chịu đựng được thêm nữa, bà H. đã quyết định ly hôn ở độ tuổi 30. Lúc đó vợ chồng bà đã có với nhau 3 người con 1 trai, 2 gái. Tuy nhiên, anh Trần Văn Hà (SN 1990) là người con thứ 2 thì bị dị tật bẩm sinh do bệnh xương thủy tinh, do hoàn cảnh khó khăn nên bà đành để con sống với chồng.
Năm 1999, ông H. tái hôn với bà Đ.T.H. Sau đó, bà H. sinh thêm được 2 người con trai, từ đó Hà bị gì ghẻ lạnh.
Thấy con sống khổ cực, bà Lâm xót xa nên một lần nữa liều đưa Hà về nhà chăm sóc vào năm 2006. Thấy bố không có ý kiến nên Hà an tâm sống với mẹ, sau đó anh được mẹ gửi đi học tại cơ sở người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. Thời gian này anh không ở nhà, chỉ về thăm bố mẹ một vài ngày rồi lại ra đi.
Đến tháng 9/2015, bà Lâm chính thức được nuôi Hà. Từ lúc bà Lâm đón anh về là từ năm 2006 tới lúc bà chính thức được pháp luật ủy quyền nuôi anh, bà Lâm phải tất bật mưu sinh để cho những đứa con của mình có cái ăn, cái mặc.
Nhưng bản thân Hà là người tàn tật, được nhà nước trợ cấp hàng tháng, tính thời điểm tháng 9/2015, số tiền là 24 triệu 360 ngàn đồng đều bị ông H. chiếm đoạt. Bản thân bà Lâm phải nuôi 3 đứa con trong cảnh nghèo túng, trong khi ông H. có nhà lầu, xe hơi, nhưng không cho các con ông một đồng nào.
Hà cho biết: “Năm 1997, bố mẹ em ra tòa ly hôn, đồng thời có một số tài sản chủ yếu là đất đai thì cũng kê khai để Tòa án phân chia. Việc phân chia tài sản của Tòa án không công bằng khiến mẹ con em thiệt thòi, lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Mẹ một mình nuôi ba đứa con, lại phải nhọc nhằn hơn khi phải chăm sóc đứa con tật nguyền như em”.
Chính vì thế, Hà đã quyết định dùng lưỡi dao lam tự rạch trên những đầu ngón tay (rạch 5 đầu ngón tay) của mình, lấy máu để đính kèm các lá đơn thư gửi các ban ngành tìm lại công bằng cho mẹ.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, Trần Văn Hà là người đã thành niên nhưng bị tàn tật, nằm một chỗ không đi lại được nên cần người chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Lâm đã yêu cầu ông H. giao con cho bà nuôi, quá trình giải quyết vụ án ông H. đã đồng ý.
Sự thỏa thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện và không trái với pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, công nhận giao Trần Văn Hà cho bà Nguyễn Thị Lâm trực tiếp nuôi dưỡng.
Ngoài ra, tòa còn yêu cầu ông Trần Hải H. trả lại số tiền trợ cấp hàng tháng của Trần Văn Hà từ tháng 1/2007 cho đến tháng 10/2014 số tiền 24 triệu 360 ngàn đồng.
Buộc ông H. cấp dưỡng nuôi con chung cùng bà Lâm 500.000 đồng/tháng cho đến khi Trần Văn Hà chết. Ông H. được quyền thăm nom con chung không ai được cản trở.