Cảnh giác xe ôm lừa đảo
Nhiều tài xế xe ôm đã lợi dụng những người ở quê lên TP HCM khám bệnh hoặc người già đi một mình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Sau khi chị Nguyễn Hồng Ngọc (SN 1980; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ câu chuyện một người quen bị tài xế xe ôm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên trang Facebook cá nhân, nhiều người đã góp tiền nhờ chị Ngọc chuyển giúp nạn nhân. “Tôi không ngờ tài xế xe ôm lại nhẫn tâm lừa cả người khốn khó như chị ấy nhưng cuộc đời cũng nhiều tấm lòng nhân hậu. Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện, một số bạn bè đã chuyển tiền giúp chị ấy qua cơn khó khăn” - chị Ngọc nói.
Lừa cả người già, bệnh nhân
Do con bị bệnh nặng nên chị Trần Hồng A. (SN 1977, quê Tiền Giang, hàng xóm chị Ngọc) gom góp được 3 triệu đồng lên TP HCM khám bệnh cho con. Sau khi bốc số và có được toa thuốc, chị A. chen chân vào nộp tại nhà thuốc để chờ kêu tên. Đến lượt mình, khi lấy tiền thanh toán thì chị A. mới phát hiện đã bị kẻ gian móc sạch túi.
Lang thang, vật vạ ở TP HCM nửa ngày, cuối cùng chị A. cũng được một người quen đưa 2 triệu đồng để mua thuốc cho con. Ra trước cửa bệnh viện, chị A. đón xe ôm đến Bến xe Miền Tây để về quê. Tài xế xe ôm kêu chị A. đưa giỏ xách để phía trước cho khỏi cồng kềnh. Đi được một đoạn, ông ta nói phía trước có CSGT nên chị A. phải xuống để chở đứa bé “qua trạm” rồi sẽ quay lại đón. Đi được một đoạn dài, con chị A. cũng bị cho xuống và toàn bộ quần áo, thuốc men, giấy tờ thì theo người này mất hút.
Đợi hoài không thấy, điện thoại không có, tiền bạc cũng không, chị A. nước mắt ngắn dài lang thang trên đường tìm con. May mắn, sau một lúc tìm kiếm thì hai mẹ con cũng gặp được nhau. Mất toàn bộ giấy tờ, 2 mẹ con ôm nhau khóc và phải xin đi nhờ xe về quê.
Khu vực chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) - nơi mẹ chị Hồng Nguyên đón nhầm gã tài xế xe ôm lừa đảo
Mới đây, chị Hồng Nguyên (SN 1983, nhân viên một cơ quan hành chính ở quận 3) cũng trải qua một phen hú vía khi phải đi tìm người mẹ bị gã tài xế xe ôm bỏ giữa đường. Chị Nguyên kể: “Sau một thời gian xuống thăm cháu, mẹ nhớ nhà nên tôi mua vé xe cho bà về quê. Do có con nhỏ, tôi chở mẹ ra khu vực chợ Bến Thành đón xe ôm và dặn dò người tài xế kỹ càng về địa điểm đến”. Đi được một đoạn, tài xế xe ôm bảo với mẹ chị Nguyên rằng: “Xe bị hư, bác xuống để con lấy đồ nghề sửa rồi đi tiếp”. Khi bà cụ vừa bước xuống đường thì gã tài xế rồ ga chạy mất, chở theo toàn bộ giấy tờ và đồ đạc. “Do lần đầu lên TP và bị lừa hết tiền bạc, giấy tờ nên mẹ tôi đứng khóc giữa đường. Người dân khu vực dẫn bà vào siêu thị gần đó rồi hỏi bà số điện thoại, gọi tôi đến đón” - chị Nguyên nói.
Xây dựng màu áo nghiệp đoàn xe ôm
Theo bà Hồ Bích Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ quận 1, TP HCM - trên địa bàn có tất cả 10 nghiệp đoàn xe ôm và hàng ngàn hội viên tham gia. Hằng tháng, các tài xế xe ôm đều được ban chấp hành nghiệp đoàn sinh hoạt một lần nhằm thông tin tình hình hoạt động của nghiệp đoàn. Bên cạnh đó, các nghiệp đoàn sẽ tuyên dương những tài xế xe ôm tham gia bắt cướp, hỗ trợ người gặp khó khăn. “Các nghiệp đoàn còn thông tin tình hình an ninh trật tự để các tài xế xe ôm cảnh giác. Chúng tôi vận động họ không được “chặt chém”, tranh giành khách..., tất cả là để giữ thể diện cho màu áo của nghiệp đoàn” - bà Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, các nghiệp đoàn xe ôm ở quận 1 cũng được tập huấn về y tế nhằm sơ cứu cho người gặp nạn trên đường. LĐLĐ quận 1 cũng mời CSGT tập huấn cho các tài xế xe ôm để điều tiết giao thông khi có kẹt xe. “Đến nay, chúng tôi chưa nghe bất kỳ thông tin nào phản ánh tài xế xe ôm trong nghiệp đoàn lừa đảo, “chặt chém” người dân” - bà Ngọc nói.
Điều tra viên Nguyễn Quốc Khởi (Công an quận 10, TP HCM) cho biết khi di chuyển bằng xe ôm, tốt nhất không nên đưa giỏ xách hoặc bất kỳ tài sản nào khác cho tài xế.
“Bên ngoài xã hội tốt xấu lẫn lộn, chúng ta không nên tạo điều kiện cho kẻ gian chiếm đoạt tài sản. Nếu lỡ bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhớ biển số xe và đến công an gần nhất trình báo về đặc điểm nhận dạng, nơi đón xe ôm để công an phối hợp làm rõ” - ông Khởi khuyến cáo.
“Hiệp sĩ xe ôm” Theo LĐLĐ quận 1, trong số 10 nghiệp đoàn xe ôm đang hoạt động trên địa bàn, Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định là nơi có nhiều tài xế tham gia bắt cướp. Tham gia Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định từ khi được thành lập vào năm 2007, ông Võ Việt Cường (SN 1959) đã nhiều lần tham gia bắt cướp, được trao nhiều giấy khen từ các cơ quan chức năng. Đặc biệt năm 2014, ông Cường được phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ đường phố” và tuyên dương trong chương trình “Gương sáng phố phường” do Báo Công an TP HCM tổ chức. |