Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo từ việc góp hụi lãi suất cao
Dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài tăng cường lực lượng đảm bảo ANTT địa bàn, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế còn tích cực tuyên truyền, cảnh báo đến người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, vì hám lợi và nhiều lý do khác, không ít người dân vẫn sập bẫy lừa đảo của các đối tượng thông qua hình thức kêu gọi vốn, góp hụi lãi suất cao.
Gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được nhiều đơn thư của người dân tố giác đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn (SN 1987, trú tại 11 Đặng Chiêm, phường Hương Sơ, TP Huế) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc kêu gọi góp hụi. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an làm rõ, từ đầu năm 2022, Toàn đưa ra thông tin gian dối bản thân đang sở hữu nhiều tài sản có giá trị để dụ dỗ nhiều người dân tham gia góp hụi do Toàn làm chủ hụi.
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn.
Từ một, hai dây hụi ban đầu với vài người góp tiền, càng về sau, Toàn lập ra thêm nhiều dây hụi với số lượng người tham gia khá lớn. Theo một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, bình quân mỗi ngày, những dây hụi này góp cho Toàn số tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. Khi nắm được số tiền của những người góp hụi, Toàn sử dụng tiền hụi để tiêu xài cá nhân và dùng cho các mục đích khác. Khi người chơi hụi đến hạn bốc hụi thì Toàn hứa hẹn từ lần này sang lần khác để trốn tránh và không cho bốc hụi.
Ngoài ra, Toàn còn tham gia góp hụi với các chủ hụi khác, sau đó xin bốc hụi trước với số tiền lớn từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bốc hụi xong thì Toàn không đóng tiền hụi tiếp mà chiếm đoạt số tiền hụi đã bốc trước đó. Qua điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, với thủ đoạn nói trên, tổng số tiền đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn lừa đảo chiếm đoạt góp hụi của nhiều nạn nhân ở địa phương là hơn 5 tỷ đồng. Sau khi củng cố đầy đủ hồ sơ, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Sĩ Toàn để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ góp hụi tuy không mới nhưng hiện vẫn có nhiều người dân chủ quan, nhất là do hám lợi lãi suất cao từ việc góp tiền hụi hàng ngày dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo. Thậm chí sau một thời gian huy động góp hụi, một số đối tượng chủ hụi tìm cách bỏ trốn khỏi địa phương. Như trường hợp đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1991, trú ở phường An Cựu, TP Huế) có hành vi chiếm đoạt nhiều tỷ đồng bằng hình thức góp hụi. Thông qua mạng xã hội Facebook, Nhung tổ chức đường dây góp hụi lãi suất cao với hàng chục người dân ở Huế tham gia, trong đó có cả hàng xóm của Nhung góp hụi với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng...
Từ những lá đơn tố giác của người dân, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc điều tra và bắt giữ nhiều đối tượng chủ hụi có hành vi lừa đảo. Như cách đây không lâu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Thái Nhã Ca (SN 1996, trú tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Ba, TP Huế) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thái Nhã Ca đứng ra tổ chức cầm hụi và cho vay tiền. Quá trình làm ăn, do phải trả nợ cho gia đình, chữa bệnh cho người thân và bị mất tiền do bị chạy hụi nên Ca thâm hụt khoảng 1,5 tỷ đồng của nhiều người góp hụi. Đến kỳ trả tiền lãi cho người chơi hụi và số tiền của người rút hụi kỳ cuối quá lớn nên Ca nói dối để những người này tiếp tục góp tiền chơi hụi mới mà không rút hụi... Sau khi nhận ra hành vi lừa đảo của Thái Nhã Ca, người chơi hụi đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan Công an.
Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù đã có quy định của pháp luật liên quan về tổ chức hụi, văn bản thỏa thuận về hụi, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên, chủ hụi nhưng hiện nay việc chơi hụi đang có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp dẫn đến gây mất ANTT địa bàn. Các chủ hụi và các thành viên chơi hụi không nắm hoặc cố tình không nắm những quy định của pháp luật. Điều đáng nói, chủ hụi tổ chức dây hụi thông qua kêu gọi các thành viên trên mạng xã hội dẫn đến nhiều thành viên tham gia hụi không quen biết nhau, không họp thành viên khi mở hụi. Từ đó dẫn đến việc chủ hụi liên tục “ôm hụi” trong suốt kỳ mở hụi và chỉ trả lãi cho các thành viên theo thỏa thuận.
“Trước các vụ án liên quan đến đối tượng là chủ hụi bị cơ quan Công an bắt giữ để xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan Công an đã và đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người tổ chức hoặc tham gia chơi hụi phải nắm rõ, thực hiện đúng quy định pháp luật về hụi. Nghiêm cấm tổ chức chơi hụi, góp hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các vi phạm pháp luật khác. Những chủ hụi, người chơi hụi, góp hụi nếu vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, Đại tá Phạm Văn Toàn khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm qua, tỉnh Bình Thuận xảy ra 11 vụ liên quan đến vỡ hụi với tổng số tiền gần 250 tỷ đồng, gây mất an ninh trật tự. Do đó, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để đấu tranh ngăn chặn với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan các đường dây chơi hụi.