Cảnh báo lừa đảo trực tuyến: Mạo danh lãnh đạo Bộ Công an gọi điện dọa Bí thư, Chủ tịch xã
Mạo danh lãnh đạo tại Bộ Công an gọi điện dọa Bí thư, Chủ tịch xã; Lập trang web giả mạo để lừa đảo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc... là những hình thức lừa đảo trực tuyến đang rộ lên.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong tuần qua (8-1 – 14-1-2024) tại Việt Nam xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến.
PLO xin gửi tới bạn đọc những hình thức lừa đảo từ thống kê của Cục An toàn thông tin
Lừa đảo nâng cấp thẻ tín dụng online
Công an TP Hà Nội thông tin, mới đây, một phụ nữ ở quận Long Biên đã bị lừa đảo chiếm đoạt 90 triệu đồng khi nâng cấp thẻ tín dụng online. Theo đó, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên nhận được đơn trình báo của chị H. (SN 1975; trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện tình trạng người dân bị lừa đảo khi nâng hạn mức tiền trong thẻ tín dụng.
Một phụ nữ ở quận Long Biên đã bị chiếm đoạt 90 triệu đồng khi nâng cấp thẻ tín dụng online từ các đối tượng lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.
Chị H. cho biết chị có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng và được tư vấn nâng hạn mức thẻ tín dụng. Sau đó, đối tượng kết bạn Zalo và gửi đường link yêu cầu chị truy cập và cung cấp thông tin Căn cước công dân, thẻ tín dụng và mật khẩu OTP. Sau đó chị H. nhận được thông báo thẻ tín dụng bị trừ gần 90 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Cảnh báo hình thức cho vay nặng lãi mượn danh cơ sở cầm đồ
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an thành phố Thuận An triệt phá và tạm giữ nhóm đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1993, tạm trú tại Khu dân cư Việt Sing, tỉnh Bình Dương) cầm đầu.
Theo điều tra, đối tượng chủ mưu cho vay lãi nặng mượn danh cơ sở kinh doanh cầm đồ, dưới hình thức công nghệ, kết hợp truyền thống bằng cách lập ra trang web vaytienmatbinhduong247.com; tạo tài khoản facebook F88hotro247 và Cầm đồ Kim Phát để đăng tải các nội dung cho vay, hỗ trợ tài chính nhằm mở rộng tìm kiếm khách hàng.
Đối tượng chủ mưu cho vay lãi nặng mượn danh cơ sở kinh doanh cầm đồ, dưới hình thức công nghệ, kết hợp truyền thống để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.
Đối tượng khách hàng mà hội hướng đến là người dân sinh sống trên địa bàn và các địa phương giáp ranh. Ngoài ra, để điều hành hoạt động cho vay, đối tượng chủ mưu thuê từ 6-8 đối tượng (từ 23 đến 30 tuổi) và nuôi ăn ở, trả lương 8 triệu đồng/tháng/người để phát tờ rơi quảng cáo vay tiền, tìm người có nhu cầu vay, tiếp xúc cho vay và thu tiền lãi, tiền góp.
Sau điều tra, các đối tượng đều khai nhận từ tháng 6-2022 đến nay, đối tượng đã cho một bị hại vay tiền 29 lần với lãi suất hình thức vay đứng là 730%/năm và hình thức góp là 365%/năm. Cơ quan điều tra đã xác định được 49 người vay tiền của nhóm đối tượng này với tổng số tiền khoảng 24 tỷ đồng.
Mạo danh lãnh đạo tại Bộ Công an gọi điện dọa Bí thư, Chủ tịch xã
Vào ngày 9-1, Trưởng Công an huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết, gần đây xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Công an huyện Tây Hòa gọi đến số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp xã để thông báo số điện thoại của họ bị người khác chiếm đoạt.
Các đối tượng mạo danh lãnh đạo quận, yêu cầu các cán bộ cấp xã, huyện cung cấp thông tin và hình ảnh cá nhân để lấy lại số điện thoại, nếu không số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa trong một thời gian ngắn nữa.
Đối tượng mạo danh lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Công an huyện Tây Hòa để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Yên khẳng định, lực lượng công an khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và cần làm việc với người bị tố giác đều phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi đến cá nhân, hoàn toàn không yêu cầu chụp hình giấy mời gửi qua mạng xã hội, hoặc làm việc, lấy lời khai qua điện thoại.
Ngoài ra, Công an xã Hàm Cường (tỉnh Bình Thuận) cho biết, gần đây, một số đối tượng sử dụng đầu số di động: 0837xxx, 0838xxx702, 0886xxx514... gọi điện cho cán bộ xã, người dân về việc thông tin cá nhân, tài khoản định danh điện tử bị sai lệch thông tin.Sau đó, các đối tượng tiếp tục dùng số điện thoại khác gọi và yêu cầu công dân điều chỉnh thông tin và gửi kết bạn qua tài khoản Zalo để hướng dẫn hỗ trợ cập nhật thông tin. Thậm chí còn nêu ra thời hạn ngắn ép người dân phải thực hiện tải ứng dụng giả mạo cổng Dịch vụ công quốc gia để thao tác trên ứng dụng.
Cảnh giác với bẫy quà tặng 0 đồng
Chiêu lừa gọi điện thông báo “trúng thưởng”, được nhận quà tặng “tri ân khách hàng” 0 đồng không mới nhưng khiến nhiều người dễ dàng sa vào chiếc “bẫy” lừa đảo, tài khoản mất trắng từ vài triệu tới cả tỷ đồng.
Vừa qua, một nạn nhân của chiêu trò, chị M.T (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã nhận được lời mời nhận quà tặng từ một thương hiệu thời trang. Sau khi đồng ý, chị T. được nhân viên tư vấn là Ngọc Ánh hỗ trợ về cách thức nhận quà là cung cấp địa chỉ, số điện thoại và tham gia một nhóm chat trên Zalo có khoảng hơn 400 thành viên.
Để tạo lòng tin, đối tượng lừa đảo gửi cho chị T. video quảng cáo của nhãn hàng và bảo chị click vào để nhận tri ân là lì xì từ 20.000 – 50.000 đồng.
Các đối tượng gửi lời mời nhận quà tặng từ một thương hiệu thời trang để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.
Sau đó, đối tượng lại tiếp tục hướng dẫn chị T tham gia sự kiện nhằm tăng doanh số bán hàng cạnh tranh với trang bán hàng điện tử Tiki, nhờ chị T tạm bỏ ra 250.000 đồng chuyển vào công ty Tiki để tạo một hóa đơn, giúp tăng mức tiêu thụ sản phẩm cho nhãn hàng. Sau khi tham gia 3 – 5 phút, chị sẽ nhận về số tiền gốc là 250.000 đồng và hoa hồng.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn đưa ra lý do phải làm thao tác trên mới nhận được phiếu quà tặng 0 đồng để khiến nạn nhân sập bẫy. Tuy nhiên, do nghi ngờ rằng không có mức hoa hồng nào dễ dàng như vậy, chị T đã liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của Tokyo Life và được biết thương hiệu này không có chương trình tri ân tặng quà nào cả.
Lập trang web giả mạo để lừa đảo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Với nhu cầu tiêu dùng lớn, Trung Quốc được coi là thị trường lớn đầy tiềm năng cho nhiều loại mặt hàng. Do đó, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua hai website: www.gacc.app và www.aqsiq.net.
Đối tượng yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100 - 1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Cục ATTT.
Trước thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến.
Theo đó, hai website trên có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trong địa chỉ website.
Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100 - 1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết hoàn toàn không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
Ngày 14/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành có tình trạng người dân bị lừa gọi vào hotline từ...
Nguồn: [Link nguồn]