Cán bộ và CA xã bảo kê đường dây "chạy" hồi gia

Bằng cách móc nối, lập hồ sơ giả để hình thành nên đường dây “chạy” hồi gia cho những người ăn xin, lang thang, 7 bị cáo là công an xã, cán bộ trung tâm hỗ trợ xã hội, người bên ngoài xã hội đã chiếm đoạt gần 100 triệu đồng.

Ngày 21-1, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ và quyền hạn để trục lợi.

Các bị cáo hầu tòa gồm: Nguyễn Tấn Thành (SN 1967, ngụ Thủ Đức), Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989, ngụ Bình Thạnh), Nguyễn Thọ Minh Cường (SN 1975, ngụ Bình Thạnh), Phan Ngọc Anh (SN 1962, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục – hồ sơ của Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM), Dương Hữu Thành (SN 1972, ngụ Gò Vấp), Lưu Văn Như (SN 1957, ngụ Đồng Nai) và Lại Văn Hùng (SN 1962, ngụ Đồng Nai).

TAND TP HCM đã tuyên phạt Tấn Thành 20 năm tù, Ngọc Anh và Cường cùng mức án 9 năm tù, Tâm 4 năm tù, Như 3 năm tù, Hữu Thành 30 tháng tù và Hùng 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Hai bị cáo Tấn Thành và Thanh Tâm là nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM. Hai người này đã khởi xướng, chủ mưu và móc nối với bị cáo Cường và Ngọc Anh để hình thành nên đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia cho những người ăn xin, lang thang cơ nhỡ bị đưa vào trung tâm.

Cán bộ và CA xã bảo kê đường dây "chạy" hồi gia - 1

Tập đoàn "chạy" hồi gia trước vành móng ngựa

Từ năm 2011, Tấn Thành đã chủ động tiếp xúc với thân nhân trại viên là những người ăn xin, lang thang cơ nhỡ để hứa hẹn làm cho họ tin tưởng mình có thể làm thủ tục bảo lãnh trong khi biết rõ quy định của trung tâm là những trường hợp này không được bảo lãnh.

Như và Hùng - nguyên phó công an và công an viên ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - đã làm giả hồ sơ theo sự gợi ý của bị cáo Hữu Thành. Tại tòa, Thành khai chi cho Như 1,2 triệu đồng/hồ sơ. Tuy nhiên, Như khai chỉ nhận 550.000 đồng, sau đó chi lại cho Hùng một nửa.

Ngoài ra, Hữu Thành đã móc nối với bị cáo Ngọc Anh để hình thành nên đường dây “chạy” hồi gia. Ngọc Anh được chi 2 đến 5 triệu đồng cho một lần giải quyết hồi gia. Tổng cộng có 8 trường hợp đã được “trở về với gia đình” bằng hồ sơ giả và một trường hợp bằng hồ sơ thật. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của các nạn nhân là gần 100 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN