Cán bộ để tử tù vượt ngục bị xử lý thế nào?
Nguồn tin của Tiền Phong ngày 15/9 cho biết, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án hình sự số 10/VKSTC-C1(P6) về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn”, xảy ra tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an.
Chân dung 2 tử tù Thọ - Tình. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.
Lần theo dấu vết tử tù
Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, Cơ quan điều tra xác định một số cán bộ quản giáo, chiến sỹ thuộc Trại tạm giam T16, Bộ Công an đã thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, giám sát, canh gác phạm nhân để cho 2 tử tù Lê Văn Thọ (tức Thọ sứt, 37 tuổi, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, trú tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lợi dụng sơ hở, phá cùm chân, đào tường buồng giam số 3, khu D trốn thoát khỏi Trại tạm giam T16 ngày 11/9. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng truy bắt 2 đối tượng trên.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 15/9, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình – ông Hà Công Thẻ cho biết, sau khi có thông tin về 2 người đàn ông có nhiều đặc điểm giống 2 tử tù trốn trại T16 Bộ Công an xuất hiện ở địa phương, công an huyện đã phối hợp với công an tỉnh và cán bộ thuộc Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng khác vào cuộc truy tìm. “Tin báo người có đặc điểm giống 2 tử tù xuất hiện ở quốc lộ 6, đoạn qua địa phận xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Ngay sau đó, khoảng 200 cán bộ chiến sỹ và lực lượng dân quân địa phương đã được huy động truy tìm, tuy nhiên chưa phát hiện được dấu tích hai người này.
Trách nhiệm liên quan
Liên quan tới vụ việc, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý. Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 301 Bộ luật Hình sự về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.
Đối với người cho Tình mượn chiếc Dream biển số 29X6-2917 sáng 11/9 tiếp tục bỏ trốn, luật sư Thơm cho biết, để xác định người này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, cần làm rõ người này biết hay không biết Tình trốn trại; biết hay không biết Tình bị kết án tử hình và đang bị giam chờ thi hành án. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ khởi tố 2 đối tượng bỏ trốn theo Khoản 2 Điều 311 Bộ luật Hình sự (với tình tiết định khung: Có tổ chức; Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải) thì người có hành vi cung cấp xe máy cho Tình mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm”, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi của người cung cấp phương tiện cho Tình và Thọ không cấu thành tội “Che giấu tội phạm”, thì cũng cần thiết phải xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng về hành vi “Cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức”.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu trường hợp có sự thông đồng từ các đối tượng đang bị giam giữ hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các cán bộ quản lý trại giam để cho phạm nhân bỏ trốn thì những cán bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về Tội trốn khỏi nơi giam giữ, theo Điều 311 Bộ luật Hình sự. Nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ để cho các đối tượng bỏ trốn thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 289 và Tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự. |
Nếu Nguyễn Văn Tình được xếp vào danh sách nguy hiểm thì Lê Văn Thọ phải nói là một kẻ cực kì nguy hiểm.