Cán bộ bị tố đánh học viên cai nghiện
Phóng viên Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh liên quan đến việc học viên ở cơ sở cai nghiện Bình Triệu bị đánh nên đã vào cuộc xác minh
Cơ sở Cai nghiện Bình Triệu có tên đầy đủ là Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu (trụ sở chính tại quận Bình Thạnh, TP HCM), được hợp nhất từ Cơ sở Cai nghiện ma túy Bình Triệu và Cơ sở Cai nghiện ma túy Thủ Đức (tháng 7-2019). Tuy nhiên, trước và sau khi sáp nhập đã xảy ra một số vụ cán bộ đánh học viên khiến những người làm việc tại đây bức xúc.
Cán bộ đánh học viên (?!)
Tháng 3-2020, một thanh niên được gia đình chuyển đến Cơ sở Cai nghiện Bình Triệu (cơ sở 1 - quận Thủ Đức, nay là TP Thủ Đức) để cai nghiện theo diện tự nguyện. Thanh niên này sau đó được chuyển đến ở chung với các học viên khác. Theo clip phóng viên được cung cấp, một số cán bộ (gồm 3 người đàn ông và 1 phụ nữ) dẫn nam thanh niên đến căn phòng dành cho nhân viên làm việc tại cơ sở cai nghiện.
"Căn phòng bị ngắt điện, 1 người đàn ông mặc áo xanh, quần đùi dùng chân đá liên tiếp vào người học viên. Một người đàn ông không mặc áo dùng gậy màu đen đánh học viên trước sự chứng kiến của người phụ nữ và một người đàn ông khác. Sau khi đánh học viên, cả 4 người bước ra rồi bật sáng đèn căn phòng. Người đàn ông mặc áo xanh tiếp tục dùng chân đá vào người học viên rồi quay sang hù dọa thì được người phụ nữ can ngăn. Vụ việc sau đó kết thúc, nhóm người này lấy laptop và giấy tờ ra lập biên bản làm việc" - một nhân chứng kể lại vụ việc sau khi xem đoạn clip.
Hình ảnh học viên bị nhóm người được cho là cán bộ đánh. (Ảnh cắt từ clip)
Theo đơn phản ánh, trước đó, tháng 3-2019, một học viên được chuyển vào Cơ sở Cai nghiện ma túy Thủ Đức (cũ) để cắt cơn nghiện ma túy. Mấy ngày có mặt tại đây, học viên này liên tục la lối, gây ồn ào. Đến ngày 20-3-2019, học viên này tiếp tục la hét nên cán bộ trực ban gọi thêm một cán bộ khác đến, một người dùng chân đá thẳng vào mặt và người học viên, người còn lại đứng nhìn. Chưa dừng lại ở đó, cán bộ này còn cầm một cây gậy màu đen gí vào người khiến nam học viên đau đớn. Khi học viên tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành, 2 cán bộ rời đi.
Học viên xuất hiện trong clip kể gì?
Từ đơn phản ánh và 2 đoạn clip được cung cấp, phóng viên Báo Người Lao Đông đã tìm đến nơi ở của anh H.C.L (ngụ quận Bình Thạnh, nam học viên xuất hiện trong clip cán bộ đánh học viên) hồi tháng 3-2020. Anh L. thừa nhận mình là học viên trong clip và từng nhiều lần muốn làm đơn tố cáo nhưng do lúc đó anh nói không ai tin. Ông C. (ba anh L.) bức xúc: "Lúc đó tôi lên cơ sở thăm, có nghe con kể bị cán bộ đánh ê ẩm khắp người. Tôi bức xúc trình bày với lãnh đạo cơ sở nhưng do không có bằng chứng nên đành chịu".
Anh L. kể từng làm nghề mộc nhưng do ham chơi dính phải ma túy. Tháng 3-2020, gia đình đưa anh lên Cơ sở Cai nghiện Bình Triệu làm thủ tục cai nghiện theo diện tự nguyện và anh L. được đưa xuống cơ sở 1, được xếp chung phòng với một học viên mới được chuyển vào. Do học viên này còn "ngáo đá" chửi bới nên 2 người lời qua tiếng lại rồi đánh nhau. "Một lúc sau có mấy cán bộ xuống bảo tôi lên phòng nhân viên làm việc. Khi tôi vào phòng, họ tắt điện, lấy tờ giấy A4 che camera, cán bộ mặc áo xanh và một người khác đánh tôi tới tấp. Một người còn dùng dùi cui điện gí vào người tôi" - anh L. nhớ lại.
Theo anh L., do bị đánh đau, anh nằm cả ngày không ăn uống được gì. Vì quá bức xúc, anh mượn điện thoại gọi về nhà nói gia đình lên đưa về. Đến ngày thứ 15, ông C. lên đón L. về nhà, hỏi cán bộ trực ban việc anh L. bị đánh nhưng họ phủ nhận. "Mong cơ quan chức năng và Báo Người Lao Động làm sáng tỏ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm" - ông C. mong mỏi.
Ngày 1-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Hồng Phượng, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện Bình Triệu, thừa nhận 2 đoạn clip phản ánh cán bộ đánh học viên xảy ra tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Thủ Đức (cũ) và cơ sở 1 (hiện nay). Cán bộ xuất hiện trong clip tên A. hiện đang công tác tại Cơ sở Cai nghiện Bình Triệu. "Sau khi xem clip, chúng tôi đã mời cán bộ A. lên làm việc để xác minh. Cán bộ này đã thừa nhận hành vi như trong clip. Hiện chúng tôi đã báo cáo toàn bộ vụ việc lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM để chờ xử lý cán bộ vi phạm. Sau khi có thông tin cụ thể sẽ thông tin cho Báo Người Lao Động" - bà Phượng cho hay.
Cơ quan quản lý phải vào cuộc Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM), hình ảnh từ clip đã ghi nhận được hành động một nhóm người đánh học viên tại cơ sở cai nghiện. Do đó, lãnh đạo cơ sở này phải xác minh những người liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm. Bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ cũng không được ra tay đánh học viên như thế. Nếu có đơn yêu cầu, cơ quan công an phải đưa nạn nhân đi giám định thương tích để có căn cứ xử lý vụ việc. "Theo tôi, trước mắt, cơ quan quản lý phải vào cuộc làm rõ những cán bộ xuất hiện trong clip đánh người là ai? Ai là nạn nhân? Với hành vi đánh học viên nhiều lần như trong clip, tôi cho rằng bước đầu cần phải áp dụng biện pháp sa thải cán bộ để tiếp tục làm rõ vụ việc" - luật sư Nguyễn Văn Tiến nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cơ quan công an ở Thừa Thiên - Huế đã triệu tập bác sĩ bị tố đánh đập dã man nữ điều dưỡng khiến chị này phải...