Cái giá của lòng tham
Nổi lòng tham trước cơ hội kiếm tiền dễ dàng, hai bị cáo rơi vào những ngày tăm tối
Sau gần 10 năm xảy ra vụ án lừa đảo "chạy trường", L.Q.Th (SN 1951, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) bị bắt tại TP Vũng Tàu theo quyết định truy nã của Công an TP Thủ Đức. Ngày ra tòa, bị cáo Th. không còn đủ sức khỏe để tự đi trên đôi chân của mình. Bị cáo được con đẩy đến TAND TP Thủ Đức bằng chiếc xe lăn đã gỉ sét.
Gần một thập kỷ sống trong dày vò
Các con bị cáo bịt kín khẩu trang, né tránh ánh nhìn của người xung quanh ở sân tòa đông người. Trong phòng xét xử, chủ tọa cho phép một người thân đứng cạnh bị cáo để nhắc lại lời của HĐXX vì tai bị cáo không nghe rõ.
Năm 2013, ông Th. thuê nhà sống ở quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức, TP HCM). Ông là khách quen, còn là đồng hương nên được vợ chồng chị H. – chủ quán cháo gà gần nhà rất quý. Một lần, nghe ông Th. hỏi chuyện học hành của con, chị H. thật thà chia sẻ vợ chồng chị muốn cho con theo học ngành công an hoặc quân đội, hỏi ông Th. có quen biết "người trong ngành" thì giúp giùm.
Chủ tọa hỏi bị cáo mục đích hỏi thăm gia đình bị hại vào thời điểm đó là gì? Bị cáo đáp đó chỉ là câu hỏi thăm xã giao, tình cảm. Nhưng sau đó, bị cáo cảm thấy đây là cơ hội để… kiếm "tiền hoa hồng".
Ông Th. vốn làm nghề thợ mộc. Một số người sành chơi đồ mỹ nghệ hay lui tới xưởng mộc của bị cáo giới thiệu quen biết ông này, bà nọ trong ngành công an và quân đội. Trong đó, có người cho biết đang công tác tại Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng).
Bị cáo L.Q.Th tại phiên tòa
Ông Th. nói với vợ chồng chị H. có thể xin cho con họ vào học ở Trường sĩ quan Lục quân 2 với giá 100 triệu đồng. Hai vợ chồng chủ quán cháo gà gấp rút chuẩn bị tiền đưa cho "người hàng xóm tốt bụng" lo liệu.
Trong tháng 3-2013, vợ chồng chị H. đã 3 lần chuyển cho ông Th. 50 triệu đồng. Kể từ lần nhận tiền sau cùng, ông Th. không còn ghé đến quán cháo gà nữa. Vợ chồng chị H. tìm hiểu thì biết ông Th. đã chuyển nhà. Nhiều tháng trôi qua, ông Th. vẫn biệt tăm, vợ chồng chị H. đến công an trình báo vụ việc.
Ngồi trên chiếc xe lăn phía sau bục khai báo, bị cáo Th. nói nảy sinh lòng tham trước cơ hội kiếm tiền dễ dàng, cuộc đời bị cáo sau đó đã bị đẩy vào những ngày tăm tối. Số tiền 50 triệu đồng là cả gia tài đối với bị cáo nhưng khi chiếm đoạt được rồi, bị cáo đã đánh mất đi sự an lạc. Những năm sau đó, bị cáo phải sống cảnh tạm bợ nay đây mai đó ở nhiều tỉnh thành. Ân hận về sự tham lam của bản thân, bị cáo luôn bị dày vò trong suy nghĩ "cha không ra gì sao dạy được con".
"Ở tù vào cái tuổi nào đi chăng nữa cũng là điều hết sức đắng cay. Nhưng khi sự tham lam tạo nên tội lỗi, bị cáo buộc phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, đó là điều hợp lẽ. Đó còn là cách giúp bị cáo mở nút thắt dày vò tâm can suốt thời gian qua" - bị cáo Th. nói. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Th. 2 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hối hận muộn màng
Vướng lao lý bởi lòng tham cũng là câu chuyện đầy nước mắt của bị cáo T.T.H. (SN 1959; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM). Ngày 28-9, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm đối với bị cáo H. về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối mặt với người hàng xóm, cũng là bị hại của mình tại phiên xét xử, bị cáo H. cúi gầm mặt xấu hổ quay đi.
Nhà bà H. ở cách nhà vợ chồng bà Q. khoảng 20 m. Một tối đầu năm 2020, như mọi ngày, bà H. đến nhà bà Q. chơi. Qua câu chuyện thân tình, bà H. biết được chồng và con (sắp tốt nghiệp đại học) bà Q. muốn tìm việc làm, bỗng dưng trong đầu bà H. loé lên ý định… kiếm tiền.
Sau nhiều ngày "lên kịch bản", bà H. khoe với bà Q. mình quen biết lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nên có thể xin cho chồng và con bà Q. vào làm tại Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức). Để tạo lòng tin, bà H. mua nhiều sim điện thoại khác nhau, mạo danh lãnh đạo và nhân viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhắn tin vào số điện thoại của con bà Q. yêu cầu đưa tiền cho H. để làm thủ tục xin việc.
Là chỗ thân tình, bà H. biết chồng bà Q. thuộc diện có công với cách mạng nên nói với bà Q. nếu được vào làm ở Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ được cấp nhà tập thể. Vợ chồng bà Q. nghe vậy thì mừng lắm. Từ ngày 20-1-2020 đến 10-1-2021, bà H. nhiều lần gặp bà Q. yêu cầu đưa tiền để "chạy việc". Bà Q. tin tưởng hàng xóm nên đã đưa cho bà H. số tiền hơn 966 triệu đồng. Hơn 1 năm sau đó, chồng và con bà Q. vẫn chưa có việc làm như lời bà H. hứa nên bà Q. đến cơ quan công an tố cáo.
Có mặt tại phiên xét xử, gia đình bà Q. không khỏi ái ngại trước vẻ tiều tụy của người hàng xóm lâu năm. Trước sự thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và lời xin lỗi của bị cáo, dù mất số tiền lớn, bà Q. vẫn mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo bởi "niệm tình xưa".
Bà Q. nói chỉ mong gia đình bị cáo trả lại số tiền bị cáo đã chiếm đoạt bởi bà đã thấy rõ bản án nghiêm khắc của "tòa án lương tâm" hiện rõ trên nét mặt, hành động lẫn lời nói từ người "láng giềng gần".
Xét hành vi phạm tội của bị cáo T.T.H đã gây mất trật tự xã hội, xâm phạm tới tài sản của người khác, cần có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung, HĐXX tuyên phạt bị cáo 13 năm tù. |
Trong tất cả các thủ đoạn của kẻ lừa đảo thì phương thức đánh vào lòng tham của nạn nhân bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu tiên. Bởi có rất nhiều người, dù đã có...
Nguồn: [Link nguồn]