Cái chết đáng tiếc của 1 thẩm phán
Cái chết của thẩm phán Hán Văn Nhuận (Chánh án TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) liên quan đến danh dự, nhân phẩm của không chỉ cá nhân người đã khuất nên cần phải được xem xét thấu đáo.
Mấy hôm nay, sau cái chết của thẩm phán Hán Văn Nhuận (Chánh án TAND huyện Ninh Phước), cả làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) buồn lắm.
Thẩm phán Nhuận làm ở TAND huyện lâu năm, vừa lên chức chánh án, sống tử tế, hiền lành, gặp ai cũng cười và chỉ còn vài năm nữa là về hưu. Ấy thế nhưng khi gặp một tai nạn nghề nghiệp không lớn, ông lại chọn cái chết để bỏ vợ, bỏ con, bỏ anh em…
Nhiều người ở làng nói thẩm phán Nhuận hiền, hơi chậm, gặp phải chuyện buồn nên yếu đuối chọn cái chết tiêu cực. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng thẩm phán Nhuận chọn cái chết vì lòng tự trọng, vì mình có sơ hở nhưng không vụ lợi và hoàn toàn trong sạch.
Cho dù nguyên nhân là gì thì cái chết của thẩm phán Nhuận cũng là điều đáng tiếc.
Thẩm phán Hán Văn Nhuận (trái) trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm chánh án TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Tư liệu
Từ một vụ án dân sự bình thường…
Đó chỉ là một vụ án dân sự đơn giản trong hàng ngàn vụ án mà thẩm phán Nhuận đã hòa giải hoặc ngồi xét xử. Tháng 4-2017, thẩm phán Nhuận và thư ký Quảng Thị Thái Bình được phân công giải quyết vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan kiện bị đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, ông Nguyễn Quốc Hoàng yêu cầu trả nợ tiền vay 3 tỉ đồng.
Sau khi thụ lý, ngày 16-6-2017, thẩm phán phân công thư ký triệu tập tất cả đương sự đến giải quyết nhưng ông Hoàng vắng mặt do bận việc và hẹn ba ngày sau sẽ đến tòa làm việc. Tại buổi giải quyết, bà Oanh làm bản tự khai, thừa nhận số tiền nợ vay của bà Loan là 2,9 tỉ đồng và đồng ý trả nợ. Sau đó, nguyên đơn và bị đơn đều ký trước vào biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành nhưng chưa ghi ngày, tháng, năm vì còn chờ làm việc với người chồng.
Ba ngày sau, theo lịch hẹn, ông Hoàng cùng bà Loan đến trụ sở tòa án làm việc, bà Oanh vắng mặt. Thư ký nêu nội dung vụ án rồi đưa các tài liệu, chứng cứ liên quan cho ông Hoàng xem. Ông Hoàng thừa nhận vợ chồng ông có nợ 2,9 tỉ đồng và đề nghị thư ký ghi biên bản lấy lời khai của ông, ông đã đọc lại và ký vào biên bản này. Ông Hoàng cũng ký vào biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành đề ngày 19-6-2017 (đã có chữ ký của bà Loan, bà Oanh).
Con gái, vợ, hai em gái và cha của thẩm phán Nhuận. Ảnh: Thuỳ Trương
Ngày 27-6-2017, thẩm phán đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau đó ông Hoàng đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Nhận đơn, cả VKSND và TAND Cấp cao tại TP.HCM đều có thông báo không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Đến sự vào cuộc của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao
Ông Hoàng tiếp tục làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về việc giải quyết vụ án của thẩm phán và thư ký đến Cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao.
CQĐT VKSND Tối cao đề nghị và VKSND Cấp cao, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định tái thẩm, hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận trên.
Tháng 11-2021, CQĐT VKSND Tối cao bắt đầu triệu tập làm việc với thẩm phán Nhuận và thư ký Bình. Theo CQĐT, “thẩm phán Nhuận và thư ký Bình đã không thực hiện đúng các quy định về thủ tục tố tụng, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và ra quyết định trái pháp luật”.
Ngày 17-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thư ký Bình cho biết bà rất bất ngờ khi bị CQĐT triệu tập vào TP.HCM làm việc sáu ngày liên tục, từ ngày 22 đến 27-11. Thư ký Bình thừa nhận khi giải quyết vụ án dân sự nói trên có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng không làm thay đổi nội dung vụ án, bởi lý do khoản nợ mà nguyên đơn khởi kiện, bị đơn cũng thừa nhận và đồng ý trả. Việc bà thêm vào biên bản ghi lời khai là từ yêu cầu của nguyên đơn đòi 3 tỉ đồng nhưng sau đó bị đơn - bà Oanh đã trả được 100 triệu đồng nên chỉ yêu cầu đòi 2,9 tỉ đồng, không gây bất lợi cho đồng bị đơn.
Trả lời câu hỏi vì sao hôm hòa giải lần hai không có mặt thẩm phán nhưng thư ký vẫn tổ chức làm việc, bà Bình cho biết hôm đó thẩm phán Nhuận đi Hà Nội thi thẩm phán trung cấp và bà có chủ quan khi đã làm việc, các nguyên đơn đều vui vẻ chấp nhận. “Hơn nữa, trước khi đi thẩm phán có dặn nếu bị đơn không chấp nhận thì làm thủ tục để đưa vụ án ra xét xử. Trong vụ án này, cả tôi và thẩm phán đều muốn giải quyết dứt điểm vì đã kéo dài nhiều năm, không hề có vụ lợi hay tiêu cực gì” - bà Bình khẳng định.
“Hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án là cố ý nhằm làm thay đổi nội dung vụ án nhưng vụ án này bà Bình có ghi thêm nhưng việc ghi thêm này theo hướng có lợi cho bị đơn mà đã được nguyên đơn thừa nhận. Do đó, nội dung vụ án không thay đổi” - một thẩm phán TAND tỉnh Ninh Thuận nhận định.
Khởi tố tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là chưa thỏa đáng
Theo quy định tại khoản 7 Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm phán giải quyết vụ án phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải… Do đó, việc vắng mặt thẩm phán trong trường hợp này là sai về tố tụng.
Cạnh đó, việc thư ký Bình ghi khống lời khai cũng là sai về tố tụng.
Tuy nhiên, trước đó cả hai bên là vợ chồng bà Oanh và bà Loan cũng đã thừa nhận các quyền và nghĩa vụ của nhau. Nghĩa là vợ chồng bà Oanh thừa nhận nợ bà Loan 2,9 tỉ đồng và bà Loan cũng đã thống nhất việc này.
Mặt khác, đối với cấu thành của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Điều 375 BLHS thì dấu hiệu bắt buộc phải là những người có thẩm quyền như thẩm phán, thư ký tòa án… làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Ở đây, rõ ràng là có vi phạm về thủ tục tố tụng dân sự nhưng kết quả vụ án là vợ chồng bà Oanh vẫn phải trả cho bà Loan 2,9 tỉ đồng, kết quả này không thể nào bị sai lệch nên đối chiếu với Điều 375 BLHS, việc khởi tố vụ án trong trường hợp này là chưa thỏa đáng.
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM
“Việc này sẽ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, dòng tộc”
Được biết sau khi bị CQĐT triệu tập vào TP.HCM, ông Nhuận có biểu hiện lo lắng, mất ngủ kéo dài, suy nhược tinh thần. Ông thường về nhà đóng cửa, nói chuyện với vợ chắc mình sẽ bị tù; việc này sẽ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, dòng tộc và làng xóm, rồi ông khóc.
Mặc dù vợ con động viên, an ủi, khuyên can cứ để sự việc vi phạm pháp luật xảy ra đến đâu chấp nhận chịu đến đó nhưng ông Nhuận luôn trong tâm trạng lo lắng.
Từ ngày chánh án Nhuận mất, đêm nào hàng trăm dân làng Hậu Sanh cũng đến thăm an ủi gia đình. Người làng Chăm lớn bé, giàu nghèo, ai cũng yêu quý anh. Ảnh: Thuỳ Trương
Và đến ngày 14-12, trong lúc điều tra viên làm biên bản tống đạt quyết định khởi tố bị can, bà Bình có nhắn tin cho thẩm phán Nhuận biết là bà đã bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, bà Bình không nhận được tin nhắn trả lời của ông Nhuận. Sau khi làm việc xong, bà Bình tiếp tục gọi điện thoại cho ông Nhuận nhưng không thấy ông nghe máy.
Cũng trong ngày 14-12, thẩm phán Nhuận đến cơ quan rồi sau đó sang làng bên thăm cha ruột và em gái. Lúc 11 giờ 36 phút cùng ngày, ông Nhuận nhắn tin và gọi điện thoại cho vợ: “Anh uống thuốc ở rẫy”. Sau đó, ông được đưa đi cấp cứu; đến khoảng 17 giờ thì ông trút hơi thở cuối cùng.
“Anh Nhuận sống tử tế, hòa đồng lắm; gặp ai cũng chào kể cả người nghèo, thậm chí là những người đến cơ quan thu mua ve chai. Hàng chục năm qua, anh chưa bao giờ lớn tiếng với thuộc cấp, cho tới hôm nay, đã mấy ngày sau cái chết đáng tiếc của anh, tôi vẫn còn sốc” - thư ký Bình khóc.
Suy cho cùng, ai cũng phải tự mình làm lấy hai điều, niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình. Nhưng cái chết của thẩm phán Nhuận thật đau lòng, đáng tiếc.
Tất cả các vụ án liên quan đến sinh mệnh của con người phải được soi rọi ở nhiều góc độ, thấu đáo, có lý, có tình. Vì vậy, cái chết của thẩm phán Nhuận rất cần được minh oan.
Nên đề nghị minh oan cho thẩm phán Hán Văn Nhuận Theo chúng tôi, xung quanh cái chết (nghi do tự tử) của thẩm phán Hán Văn Nhuận (Chánh án TAND huyện Ninh Phước), TAND tỉnh Ninh Thuận nên có báo cáo gửi chánh án TAND Tối cao. Theo đó, TAND tỉnh Ninh Thuận nên kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét, kiến nghị về Quyết định khởi tố bị can số 04 ngày 6-12-2021 của CQĐT VKSND Tối cao đối với bà Quảng Thị Thái Bình, qua đó nhằm minh oan cho thẩm phán Hán Văn Nhuận. Cần thấy rằng việc thẩm phán Nhuận và thư ký Bình giải quyết vụ án dân sự liên quan mặc dù có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng không làm thay đổi nội dung vụ án, do khoản nợ mà nguyên đơn khởi kiện, bị đơn cũng thừa nhận và đồng ý trả. Việc bà Bình thêm vào biên bản ghi lời khai là từ yêu cầu của nguyên đơn đòi 3 tỉ đồng, sau đó bị đơn là bà Oanh đã trả được 100 triệu đồng nên chỉ yêu cầu đòi 2,9 tỉ đồng, đúng ý chí của đôi bên, không gây bất lợi cho ai, kể cả cho đồng bị đơn là ông Hoàng (chồng bà Oanh). Vì vậy, việc CQĐT VKSND Tối cao khởi tố bà Bình về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo điểm b khoản 2 Điều 375 BLHS là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững vàng. Bởi hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo tội danh này là cố ý nhằm làm thay đổi nội dung vụ án, còn trong vụ án này bà Bình có ghi thêm nhưng việc ghi thêm này theo hướng có lợi cho bị đơn và đã được nguyên đơn thừa nhận, tức việc này không làm thay đổi nội dung vụ án. Đó là chưa nói, trước đó, việc TAND Cấp cao tại TP.HCM xử tái thẩm (theo quyết định kháng nghị của VKSND cùng cấp) hủy quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự là điều rất đáng bàn, bởi như đã nói, tình tiết "viết thêm vào biên bản" của thư ký tòa án không làm thay đổi nội dung vụ án. Trong khi trước đó nữa, chính VKSND Cấp cao tại TP.HCM và TAND Tối cao từng có văn bản thể hiện không có cơ sở để kháng nghị. |
Nguồn: [Link nguồn]
Khá đông người dân địa phương đến viếng và chia buồn với gia đình ông Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND Huyện Ninh Phước...