Các nữ điệp viên nổi tiếng (Kỳ 6)
Cuộc đời của Violette tuy ngắn ngủi nhưng đầy hào quang và mãi mãi được người đời ghi nhớ.
Điệp viên Violette Szabo (1921-1945)
Violette Szabo là điệp viên cho cả Anh và Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đặc biệt là bà mang trong mình dòng máu của cả hai dân tộc này.
Cuộc đời của Violette gắn liền với những điều vô cùng ngắn ngủi nhưng đầy hào quang: cuộc hôn nhân kéo dài 2 năm sau mối tình lãng mạng 42 ngày. Dù chỉ sống trên đời 24 năm, nhưng tên tuổi của Violette mãi mãi được người đời ghi nhớ vì những hành động gan dạ và quả cảm.
Violette gặp Étienne Szabo, một sĩ quan đẹp trai của Pháp, gốc Hungari trong cuộc diễu hành ngày Phá ngục Bastille ở London năm 1940. Họ cưới nhau ngay sau cuộc tình đầy lãng mạng kéo dài có 42 ngày. Khi đó Violette mới 19 tuổi còn phu quân 31 tuổi. Kết quả của cuộc hôn nhân với những tình cảm mãnh liệt này là họ có với nhau một bé gái tên Tania. Nhưng một điều đau đớn cho Violette, chồng của cô đã tử vong vì những vết thương ở ngực trong cuộc chiến chống phát xít ở Ai Cập sau khi cưới nhau được 2 năm.
Điệp viên huyền thoại Violette Szabo với cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy hào quang
Chính cái chết của chồng đã khiến Violette quyết định gia nhập Ủy ban đặc biệt của Anh (SEO).
Sau đó, bà trở lại Pháp. Năm 1943 Violette được giao nhiệm vụ tham gia tìm diệt những kẻ phản bội tổ quốc, đi theo Đức Quốc xã và bọn SS, mật vụ Gestapo khét tiếng của phát xít Đức.
Tiếp tục nhiệm vụ đó, tháng 6/1944, Violette từ máy bay nhảy dù xuống vùng Limoges, Pháp. Violette phối hợp hoạt động của Phong trào Kháng chiến Pháp tại khu vực Limoges trong những ngày đầu tiên sau D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy).
Sau khi trở về Paris, do bị kẻ gian chỉ điểm, Violette đã rơi vào tay Sư đoàn SS “Das Reich” Panzer, và bà bị giao cho cơ quan mật vụ Gestapo khét tiếng tàn bạo thẩm vấn. Do không chịu khai ra bất cứ thông tin gì nên bà bị kẻ thù sát hại khi tuổi đời còn rất trẻ.
Những công lao và sự hi sinh to lớn của bà đã được chính phủ Anh trao tặng huân chương thánh George và chính phủ Pháp tặng huân chương Thập tự chinh.
"Điệp viên tóc đỏ" người Nga Anna Chapman (1982)
Cô điệp viên của thời hiện đại là hiện thân của câu nói tài sắc vẹn toàn. Bộ não thông minh với chỉ số IQ là 162 với thân hình bốc lửa và cặp mắt hút hồn, Anna chẳng khó khăn gì trong việc mê hoặc những chính trị gia cao cấp trong chính quyền Mỹ. Cô trở thành điệp viên cho Nga và bị Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) bắt giữ vào tháng 6/2010.
Sau đó, Chapman cùng 10 điệp viên khác bị trục xuất về nước trong một vụ trao đổi gián điệp giữa 2 cường quốc Nga và Hoa Kỳ.
Điệp viên Anna Chapman trong một sự kiện thời trang ở Mátxcơva năm 2010 với vai trò người mẫu.
Tuy nhiên, không giống những bậc tiền bối thường “mai danh ẩn tích”, cô đã sử dụng thân phận điệp viên “bị lộ” của mình để “đánh bóng” tên tuổi và trở nên vô cùng nổi tiếng. Cơn sốt Chapman diễn ra trong thời gian dài tại quê nhà, thậm chí cô còn được tặng danh hiệu “Người phụ nữ của năm 2010” tại Nga.
Kể từ khi bị trục xuất về nước, người đẹp tóc đỏ đã tham gia các hoạt động kinh doanh, báo chí, ngân hàng và chính trị.
Hiện nữ điệp viên xinh đẹp đang đảm nhận vai trò cố vấn cho chủ tịch ngân hàng FondServiceBank, một ngân hàng tầm cỡ thế giới của Nga.
Mời các bạn đón đọc Các nữ điệp viên nổi tiếng (Kỳ 7) vào SÁNG SỚM ngày 20/5/2013.