"Cà khịa" trên mạng và những cái kết đắng

Thời gian qua một số thanh thiếu niên, đặc biệt là những đối tượng giang hồ thường lên mạng Internet để thách đố, dọa dẫm... tạo nên những mâu thuẫn, căng thẳng không đáng có. Và sau đó các đối tượng sẽ hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn bằng những cách thức tiêu cực, khiến họ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội  phối hợp với Công an quận Hoàng Mai đã bắt "giang hồ mạng" Lê Văn Phú - tức Phú Lê (SN 1980, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng đàn em là Hoàng Văn Thụy (SN 1995, thường trú tại huyện Trấn Yên, Yên Bái) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Phú Lê bị điều tra vì liên quan đến vụ hành hung gia đình bà Nguyễn Thị Nga (SN 1951, thường trú tại xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội). Bà Nga là mẹ đẻ của chị Trần Thị Đào (SN 1990, còn gọi là Đào Chile) được mệnh danh là "hotgirl xăm trổ" trên mạng xã hội.

Được biết từ năm 2017, chị Đào và vợ chồng Phú Lê quen biết nhau khi thực hiện một sản phẩm hài. Sau thời gian hợp tác, chị Đào tách ra làm riêng thì bị vợ Phú Lê nói xấu. Bức xúc, ngày 18-7-2020, chị Đào đã phát trực tiếp trên trang facebook cá nhân nói về chuyện này. Vợ chồng Phú Lê đã huy động đàn em đến tìm gặp chị Đào đe dọa, xúc phạm và treo thưởng ai đánh chị Đào sẽ được 20 triệu đồng. Thậm chí còn gây thương tích cho nhiều người thân của chị này.

Trước khi bị bắt, Phú Lê thường xuyên livestream trên Facebook nói về đạo lý giang hồ, giảng giải cách làm người.

Trước khi bị bắt, Phú Lê thường xuyên livestream trên Facebook nói về đạo lý giang hồ, giảng giải cách làm người.

Theo tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an, tối 2-8-2020, Phú cùng nhóm đàn em ăn uống tại khu vực hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi bia rượu đã "tây tây", Hoàng Văn Thụy nói với Phú hôm sau sẽ xuống nhà chị Đào ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) để tìm đánh chị này. Nếu không gặp chị Đào sẽ đánh người nhà của chị. Nghe vậy gã giang hồ mạng gật gù đồng ý.

Rạng sáng hôm sau, Phú gọi điện thoại cho Thụy chỉ đạo nhóm đàn em đi đánh dằn mặt. Nhóm của Thụy đi xe máy theo hướng quốc lộ 32 về huyện Đan Phượng. Trên đường đi các đối tượng dừng lại cửa hàng bán sắt ở Kim Chung, Hoài Đức mua 1 đoạn ống sắt dài 80cm.

Trưa hôm đó, nhóm này đi bộ vào nhà chị Đào thì gặp bà Nguyễn Thị Bé (SN 1954, dì ruột chị Đào) và bà Nguyễn Thị Nga (SN 1951, mẹ ruột của chị Đào - cùng trú tại cụm 9, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng). Thụy lập tức cầm tuýp sắt hành hung bà Nga và bà Bé; đồng thời đe dọa hai bà rồi bỏ chạy ra ngoài lên xe tẩu thoát theo hướng đường về xã Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Bà Nga và bà Bé sau đó được đưa đi cấp cứu. Ngày 11-8-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Phú Lê và Thụy. Vụ án hiện đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng.

Có thể nói thời gian gần đây Phú Lê nổi như cồn trên mạng xã hội. Đối tượng được một bộ phận thanh thiếu niên "hâm mộ" vì những hình ảnh, clip về "giang hồ". Phú Lê có ngoại hình xăm vằn vện và thường mặc nhiều trang phục quái dị để thu hút người xem. Người đàn ông này thường xuyên đeo dây chuyền màu vàng gắn huy hiệu đại bàng, tay đeo nhẫn hình rồng....

Có MV ca nhạc mà Phú Lê tham gia diễn xuất được nhiều quán cà phê hay mở là "Đời là thế thôi" có câu "kinh điển" mà nhiều 9X, 10X thuộc làu: "Khổ trước sướng sau thế mới giàu".

Trên trang facebook Phú Lê có hơn 400 ngàn lượt follow (theo dõi) với nhiều hình ảnh đeo trang sức màu vàng kín người. Riêng kênh YouTube của Phú Lê có gần 2 triệu đăng ký, chuyên đăng tải nhạc, phim ca nhạc nội dung rao giảng đạo lý, tình anh em giang hồ cùng nhiều cảnh bạo lực. Được biết, Phú Lê từng đóng phim phát trên mạng YouTube "Chạm mặt giang hồ". Bộ phim này Phú diễn chung với Đường "Nhuệ", một trùm xã hội đen ở Thái Bình vừa bị bắt cách đây không lâu - rất nổi tiếng với 35 triệu lượt xem.

Còn vợ của gã, Lã Thúy Kiều được cộng đồng mạng biết đến như một "Chị Đại". Thúy Kiều dùng Facebook cá nhân có gần 120.000 lượt theo dõi để livestream bán hàng...

Sự tung hô của mạng xã hội đã khiến cho vợ chồng Phú Lê cứ nghĩ mình là "ngôi sao", muốn làm gì thì làm. Và chỉ vì những xích mích trên mạng xã hội, các đối tượng đã sai đàn em mang hung khí để hành hung người khác. Hành vi này cần phải bị nghiêm trị.

Để giải quyết mâu thuẫn trên mạng, Lương Trường Sơn đã lấy đi tính mạng một người, khiến hai người khác bị thương.

Để giải quyết mâu thuẫn trên mạng, Lương Trường Sơn đã lấy đi tính mạng một người, khiến hai người khác bị thương.

Còn nhớ cuối năm 2019 cư dân mạng được phen xôn xao khi Nguyễn P.T (SN 1999, khi đó là sinh viên khoa Giáo dục tiểu học, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) có những hành vi hết sức xấu xí.

Do mâu thuẫn vì nói xấu nhau trên mạng xã hội, trong một quán cà phê, T. đã tạt nước vào mặt bạn ngồi đối diện rồi hai người lao vào ẩu đả. Thấy vậy, một cô gái ngồi gần đó dùng điện thoại di động ghi lại. Lập tức nhóm của T. định lao vào giật điện thoại, hành hung cô gái này.

Đặc biệt, cuối năm 2019 địa bàn quận Long Biên xảy ra một vụ gây rối trật tự công cộng, mà nguyên nhân cũng từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Đêm 12-2019, Công an quận Long Biên nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc phát hiện một nhóm thanh niên mang theo tuýp sắt gắn dao nhọn đi trên 2 xe máy Honda Wave tại địa bàn phường Ngọc Lâm, gây mất an ninh trật tự khu vực. Nhận được tin báo, Công an quận Long Biên đã triển khai lực lượng tổ chức truy bắt các đối tượng. Khi thấy lực lượng công an, nhóm thanh niên bỏ chạy về nhiều hướng để tẩu thoát.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Long Biên đã khống chế, bắt giữ được nhóm đối tượng gồm: Đỗ Hoàng Long (SN 2004; trú tại Ngọc Lâm, Long Biên); Văn Đình Hiếu (SN 2002; trú tại tổ 5, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm); Ngô Tuấn Quang, Bùi Việt Hà và Đặng Minh Quân (cùng SN 2003 và trú tại Ngọc Lâm, Long Biên). Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận mang theo số hung khí nói trên để giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội facebook với một nhóm đối tượng khác. Rất may hành vi này đã kịp thời được cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn.

Nghiêm trọng hơn, tháng 6-2020, trên địa bàn quận Hà Đông đã xảy ra vụ giết người, mà nguyên nhân cũng là do cà khịa nhau trên mạng xã hội.

Trước đó, Lương Trường Sơn (SN 1998, thường trú tại phường Hà Cầu, Hà Đông) có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên trên mạng xã hội facebook. Hai bên đã thách thức rồi hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn.

Khoảng 1h sáng 7-6-2020, tại ngõ 4 Hà Trì (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) Sơn đã gặp nhóm thanh niên kia để "nói chuyện". Lời qua tiếng lại, hai bên không kiềm chế bản thân và xảy ra xô xát. Sơn bị 3 người trong nhóm thanh niên kia lao vào đấm, đá. Lúc này, Sơn rút con dao nhọn chuẩn bị sẵn đâm tứ tung khiến một người tử vong, 2 người bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an quận Hà Đông đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự bắt giữ đối tượng. Tại cơ quan Công an, Sơn đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Có thể nói thời gian vừa qua không ít những mâu thuẫn trên mạng xã hội đã biến thành những hậu quả đáng tiếc. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đây là một hiện tượng hết sức đáng lo ngại.

Trong cuộc sống, quan hệ giữa người với người không tránh khỏi những mâu thuẫn. Ví dụ dễ thấy nhất là bà hàng tôm cãi nhau với bà hàng cá vì tranh khách ngoài chợ. Tuy nhiên những mâu thuẫn đó nhanh chóng "hạ nhiệt" vì "lời nói gió bay".

Nhưng ở thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên thường hay kết bạn, rồi sau đó xảy ra cãi vã, thách thức nhau trên mạng. Những câu nói, hình ảnh, clip... được lưu lại, được bạn bè hai bên nhìn thấy hàng ngày hàng giờ khiến cho các mâu thuẫn này trở nên gay gắt hơn. "Nếu không "xử" thằng này thì giang hồ nó khinh!" - các giang hồ mạng thường nói như vậy. Và kết cục là họ hẹn nhau tại các quán xá, hoặc tìm đến tận nhà nhau để giải quyết bằng những phương pháp rất tiêu cực, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người khác.

Để có thể ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, bên cạnh những chế tài nghiêm khắc của pháp luật thì cần sự hỗ trợ, chung sức của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quan tâm, giáo dục, dạy dỗ các thanh thiếu niên. Đặc biệt, hơn ai hết bản thân các em phải biết tự kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn trên mạng cũng như trong cuộc sống một cách có văn hóa, đúng pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Ảo tưởng sức mạnh - Căn bệnh khó chữa của “giang hồ mạng”

Sự tung hô của một bộ phận cộng đồng mạng cộng với căn bệnh ảo tưởng sức mạnh đã khiến những kẻ “giang hồ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Trí ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN