Buộc ta phải bồi thường cho mình
Trong một vụ án liên quan đến tai nạn giao thông, tòa tuyên buộc một người phải bồi thường cho… chính họ gần 276 triệu đồng và người đó phải chịu án phí.
VKSND tỉnh Phú Yên vừa kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa phần dân sự đối với Nguyễn Tấn Tài trong vụ án tai nạn giao thông. Theo viện, bản án này cấp sơ thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Sơ thẩm lần 1: HTX và tài xế bồi thường
Theo hồ sơ, bà Hoàng Thị Lan được Hợp tác xã (HTX) Vận tải số 9 (TP.HCM) giao sử dụng, bảo quản, khai thác và hưởng lợi ô tô tải biển số 57L-0247. Sau đó, bà Lan thuê Nguyễn Tấn Tài điều khiển ô tô, trả lương hằng tháng.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 3.1.2014, Tài điều khiển ô tô nói trên chở 20 tấn khoai tây, hành, tỏi lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc-Nam, trên xe có bà Lan và chồng bà là ông Nguyễn Huy Hoàng. Khi đi đến Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), Tài không làm chủ tốc độ, xử lý không đúng kỹ thuật, điều khiển xe tông vào vách núi làm ông Hoàng chết tại chỗ, bà Lan bị thương tích 30%; ô tô bị thiệt hại hơn 123 triệu đồng.
Xử sơ thẩm tháng 11.2014, TAND huyện Đông Hòa tuyên phạt Tài ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Tài và HTX Vận tải số 9 mỗi bên bồi thường cho những người bị hại hơn 179 triệu đồng.
Sau đó, do có kháng cáo nên TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm. Tòa này giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với Tài và tuyên hủy phần bồi thường dân sự để xét xử lại.
Sơ thẩm lần hai: Bà Lan phải bồi thường cho… bà Lan
Tại phiên xử lại mới đây, TAND huyện Đông Hòa đã xác định bà Hoàng Thị Lan tham gia tố tụng với… ba tư cách, vừa là nguyên đơn dân sự, vừa là đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự và đồng thời là bị đơn dân sự.
Tại phiên tòa, bà Lan yêu cầu bị cáo Tài và chủ sở hữu ô tô phải bồi thường 235,8 triệu đồng vì nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả ông Hoàng chết, bà bị thương tích 30%, ô tô bị thiệt hại hơn 123 triệu đồng là do lỗi của Tài.
TAND huyện Đông Hòa nhận định: Tài là lái xe thuê cho bà Lan, được bà Lan trả lương hằng tháng; còn bà Lan được HTX giao sử dụng, bảo quản, khai thác và hưởng lợi ô tô tải. Ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tai nạn dẫn đến thiệt hại nên bà Lan phải chịu trách nhiệm bồi thường. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường, bà Lan có quyền yêu cầu Tài bồi hoàn lại. Đối với khoản cấp dưỡng nuôi hai con của bà Lan thì Tài có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Từ đó, tòa tuyên buộc bà Hoàng Thị Lan phải bồi thường cho bà Hoàng Thị Lan gần 276 triệu đồng. Cạnh đó, tòa buộc Nguyễn Tấn Tài cấp dưỡng nuôi con của ông Hoàng (do bà Lan làm đại diện) mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng. Về án phí dân sự sơ thẩm, bà Lan phải chịu gần 13,8 triệu đồng.
Bản án sai lầm nghiêm trọng
Qua kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng bà Lan được HTX Vận tải số 9 giao ô tô để sử dụng, bảo quản, khai thác; sau đó bà Lan thuê Tài lái xe và gây tai nạn, gây ra hậu quả làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của vợ chồng bà Lan. Do đó, trong vụ án hình sự thì Tài là bị cáo, còn bà Lan tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại (ông Hoàng). Sau khi bị cấp phúc thẩm hủy phần dân sự để xét xử lại thì bà Lan chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự và đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự (ông Hoàng).
Tuy nhiên, theo viện, cấp sơ thẩm lại xác định bà Lan tham gia tố tụng vụ án với nhiều tư cách (vừa là nguyên đơn dân sự, vừa là đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, đồng thời vừa là bị đơn dân sự), trong khi những người này có quyền và nghĩa vụ đối lập nhau. Và bản án tuyên buộc bà Lan có trách nhiệm bồi thường cho chính bà Lan là sai lầm nghiêm trọng. Trong khi đó, án sơ thẩm lại tuyên buộc Tài bồi thường phần cấp dưỡng cho các con của vợ chồng ông Hoàng (do bà Lan đại diện hợp pháp) là mâu thuẫn. Từ việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng dẫn đến việc buộc bà Lan chịu án phí dân sự gần 13,8 triệu đồng là không đúng quy định pháp luật.
Từ những điều trên, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Án tuyên tréo ngoe Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp vụ việc tréo ngoe thế này. Việc tòa đưa bà Lan vào tham gia vụ án với ba tư cách tố tụng khác nhau như vậy là không đảm bảo quyền lợi của các bên và không đúng với BLTTDS. Bởi lẽ một người tham gia vụ án có thể tham gia với nhiều tư cách khác nhau nhưng tuyệt đối không được đối lập nhau về quyền lợi. Đối chiếu lại với vụ án này thì quyền lợi của bà Lan trong tư cách bị đơn dân sự đối lập hoàn toàn với hai tư cách còn lại. Việc xác định ai là bị đơn trong vụ án này thì phải xem xét lại hợp đồng giữa HTX vận tải với bà Lan. Nếu ở đây là hợp đồng giao khoán trong đó giao hẳn chiếc xe cho bà Lan quản lý, sử dụng thì nghiễm nhiên bà Lan là bị đơn trong vụ án. Còn nếu hợp đồng quy định bà Lan sử dụng theo tuyến, HTX chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo quản... thì lúc này bị đơn dân sự phải là phía HTX vận tải. Thẩm phán Trương Chí Trung, Chánh Tòa Dân sự TAND TP.Đà Nẵng |