Bức "tâm thư" của ông thầy giỏi dâm ô

Trong một phút mà con quỷ nơi tôi trỗi dậy, tôi trở thành kẻ dâm ô và chôn vùi cuộc đời mình.

Đang là giáo viên dạy giỏi cấp huyện của ngành giáo dục huyện Kỳ Anh, được đồng nghiệp, học trò yêu quý, chỉ vì một phú không kiềm nổi mình, Phạm Văn Vân đã phạm phải lỗi lầm không thể tha thứ khi giở trò đồi bại với một cô học trò lớp 4. Sự việc này đã bị phát giác ngay sau đó, và người giáo viên tiểu học từng là niềm tự hào của gia đình, của người cha thương binh đã phải trả một cái giá thật đắt cho lỗi lầm của mình.

Không chỉ đánh mất sự nghiệp, đánh mất đi hạnh phúc, Phạm Văn Vân còn gây cho gia đình những nỗi đau không dễ hóa giải. Đó là lý do mà những ngày trong trại giam, Vân luôn dằn vặt đau đớn về tội lỗi của mình.

"Trong sâu thẳm tận đáy lòng mỗi chúng ta, ai cũng có mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Được yêu thương, được giận, được hờn, được thực hiện những ước mơ, hoài bão, được cống hiến và được tận hưởng những gì quý giá nhất của cuộc sống nhân gian.

Nhưng cuộc sống không bao giờ như ý muốn. Nếu chúng ta không có ý chí nghị lực, chúng ta sẽ bị dòng đời xô đẩy. Và sự trừng phạt sẽ giáng xuống đầu những kẻ có suy nghĩ xấu xa, lệch lạc, gây ra những tội lỗi đi ngược những quy luật đạo đức của cuộc sống.

Tôi cũng là một kẻ có tội, cũng đang ăn cơm tù, mặc áo số. Vì vậy khi biết những dòng này, tôi không có ý tố cáo hay chỉ trích một ai, cũng không oán trách số phận. Đây chỉ là lời tự thú của tôi, là sự hối cải cho những lầm lỗi của tôi.

Tôi tin đây không chỉ là những tâm tư của tôi, mà còn là những tâm tư của nhiều phạm nhân khác. Tôi mong những dòng chữ này sẽ là những lời nhắn nhủ cho những người như tôi, phải biết vượt qua bóng tối bằng niềm tin, hy vọng, bởi cuộc sống tươi đẹp vẫn chờ đợi chúng ta.

Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Anh em tôi đều thừa hưởng sự say mê học tập và ý chí kiên cường của ba. Từ nhỏ, được ba mẹ dạy dỗ, giáo dục, anh em chúng tôi đã quyết tâm học hành để không phụ công lao ba mẹ.

Từ nhỏ, lúc còn bi bô tập đọc cho đến khi rời khỏi ghế nhà trường, ba tôi luôn hướng cho cái niềm say mê đọc sách. Trên giá sách ba tôi đã viết dòng chứ của M.Gorki: “Sách mở ra cho tôi những chân trời mới”. Không những thế, ba tôi còn rèn luyện cho tôi lòng kiên nhẫn và đức tính vượt khó trong cuộc sống.

Thế rồi năm tháng qua đi, tôi là đứa con đầu tiên kế tục sự nghiệp học tập của gia đình. Đó là được bước vào giảng đường đại học của trường Đại học của ngành sư phạm. Một chân trời mới tươi sáng mở ra trước mắt tôi.

Ngày tiễn tôi đi học đại học, ba tôi – một thương binh nặng đã bỏ lại một phần cơ thể ở chiến trường, đã chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch đưa tôi đi bắt xe ra thành phố, tiếp tục con đường học tập thành tài.

Tôi nhớ mãi lời dặn của ba tôi: “nhà ta nghèo tiền nhưng không thể nghèo chí và kiến thức. Nên con hãy học tập xứng đáng cho quê hương”. Như có thêm sức mạnh bước vào cuộc sống sinh viên sau lời dạy của ta, tôi không ngừng vươn lên cố gắng học tập.

Mẹ tôi cũng dặn tôi: “Hãy cố gắng học tập vượt qua những cái khổ, cái nghèo mà cha mẹ đã gánh chịu cho con”. Nghe lời mẹ, trong học tập tôi luôn là một sinh viên ngoan, cần cù, học khá và năng nổ tham gia các hoạt động.

Ngày tôi ra trường, trong lúc chờ xét tuyển, tôi đã tình nguyện đến với những vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh hà Tĩnh để gây dựng phong trào chiến dịch “trí thức đi xây dựng kinh tế mới”.

Những ngày tháng ấy đã hun đúc trong tôi mong ước sẽ được đến với những vùng sâu vùng xa hơn nữa để cống hiến, để góp phần tươi trẻ xây dựng quê hương.

Thế rồi với thành tích cao trong học tập, tôi được tuyển thẳng vào công chức và nhận công tác tại phòng giáo dục đào tạo huyện Kỳ Anh. Ngày tôi đi làm, cha mẹ tôi đã khóc vì nghĩ con mình đã trưởng thành thực sự.

Các em tôi cũng noi gương tôi, đứa em gái đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ, đứa em trai trở thành sinh viên trường Đại học quốc gia.

Trong những năm tháng cống hiến cho ngành giáo dục, với những kiến thức học được dưới mái trường sư phạm và với lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết cống hiến, tôi đã hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

Bằng ý chí vững vàng và sức trẻ, tôi tình nguyện tăng cường về những vùng khó khăn nhất để gieo chữ cho những trẻ em nghèo vùng cao. Trong thời gian đó, tôi đã đi nhiều nơi, trở thành giáo viên tốt, tạo được niềm tin và sự yêu quý trong lòng đồng nghiệp.

Nhưng tôi đã phụ lại niềm tin yêu của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các em học sinh. Tôi đã dẫm đạp lên tất cả những gì mình có chỉ vì sự ham muốn dục vọng tức thời.

Trong một phút mà con quỷ trong tôi trỗi dậy, tôi đã làm tổn thương đến truyền thống gia đình và làm ô uế truyền thống cao quý của ngành giáo dục.

Thế là từ một người mang trong mình phẩm chất của một giáo viên trẻ với bầu nhiệt huyết tràn đầy, tôi đã chôn vùi cuộc đời mình trong sự sa đọa của bản thân, đã làm tan nát, hủy hoại danh dự gia đình và phẩm nhất tốt đẹp của một người trí thức.

Từ một người đứng giữa bao thế hệ trẻ đưa những kiến thức gây dựng, vun đắp những ước mơ cho bao em thơ, tôi đã trở thành kẻ dâm ô, đồi bại khi cưỡng hiếp học sinh của mình. Trưa hôm đó, khi sư việc bị vỡ lở, có rất nhiều người đã đến quây quanh căn phòng của tôi, đòi dọa giết tôi.

Tôi ngồi trên trần nhà, run lẩy bẩy vì sợ hãi và vì ân hận về những hành động ngu ngốc, đồi bại của mình. Một tiểu đội của công an huyện đã phải đến giải vây cho tôi, cứu tôi thoát khỏi sự phẫn nộ của đám đông.

Nhưng tôi không tránh được sự trừng phạt của dư luận. Ngày tôi bị bắt, mẹ tôi đã khóc ngất đi. Ba tôi dù tan nát cả cõi lòng cũng chỉ biết nói: “Con hãy cố gắng, ba mẹ luôn ở bên con”. Tôi không thể nói gì được, chỉ thấy mình nghẹn đắng cả cõi lòng.

Sau khi bị bắt và bị xét xử, tôi được đưa về cải tạo tại trại giam Đồng Sơn, bắt đầu quãng đời “cơm tù áo số”. Khi ba tôi vào thăm, tôi đã khóc thật nhiều khi thấy ba đã già đi quá nhiều/ Tôi biết đó là lỗi của tôi.

Tôi chỉ nói với ba: “Con còn nợ cuộc đời quá nhiều”, và chỉ biết khóc khi buông tay ba để quay trở lại trong khu giam giữ. Lúc đó tôi cúi mặt đi thật nhanh, không dám quay đầu lại vì biết ba tôi đang đứng sau, dõi theo tôi mà nước mắt chảy ngược.

Ba tôi không bao giờ khóc nhưng tôi thấy được những đớn đau tuôn trào nhưng khóe mắt của ông.

Những ngày mới nhập trại, tôi chưa thể xác định được tư tưởng, tinh thần hoang mang nên thường xuyên vi phạm nội quy. Nhưng sau đó được cán bộ quản giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ, tôi đã vượt qua những suy nghĩ tiêu cực đó để hướng tới những điều tích cực hơn, cố gắng làm lại cuộc đời.

Có lần khi nghe tôi vi phạm, ba tôi đã vào thăm tôi, vừa mắng tôi nhưng cũng động viên tôi hãy xứng đáng là một phạm nhân có học so với những phạm nhân khác, để loại bỏ những cái xấu trong con người mình.

Những lời dặn dò của ba tôi khiến tôi cảm thấy xấu hổ khi bản thân lại tiếp tục gây ra lỗi lầm. Trong những năm đó, tôi đã cố gắng từng bước để an tâm tư tưởng. Tôi đã xác định được đây là giai đoạn thử thách rất gian nan.

Đây cũng là khoảng thời gian để bản thân mình sám hối, vượt lên để tiến đến những ngày vui đang chờ đón tôi phía trước. Tôi tin nếu tôi hướng thiện thực sự, tôi sẽ nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Tôi đã vượt qua những ngày ưu tư, mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Để hôm nay tôi được công nhận là phạm nhân tiến bộ. Đó là một nền tảng, một sự khích lệ đối với tôi trên con đường cải tạo đầy gian nan, khó khăn, vất vả. Tôi tin sau những khó khăn đó qua đi, những điều tốt đẹp sẽ tới.

Đã gần hai năm trôi qua kể từ khi tôi bước chân vào trại giam Đồng Sơn. Thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đã giúp tôi xóa bỏ những cái xấu trong con người mình, để hướng về những cái tốt đẹp, cao quý trên cõi nhân gian này.

Tôi đã mất rất nhiều thời gian để cố gắng học tập, cống hiến và phấn đấu, đã có những tháng ngày vất vả để học tập, rèn luyện, hy vọng làm công danh sự nghiệp. Giờ tôi lại phải ngày ngày sám hối để quên đi những cái xấu, để trở về với cái chân thiện mỹ.

Nhưng tôi tin, tôi sẽ làm được, vì trong lòng tôi bây giờ, tôi đang khao khát hướng thiện hơn bao giờ hết".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PVV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN