Bỗng dưng bị gọi điện đòi nợ kiểu giang hồ, phải làm sao?

Sự kiện: Tin nóng

Dù không vay nợ nhưng nhiều người vẫn bị nhóm người xưng là đại diện công ty cho vay tài chính gọi điện đòi nợ với lời lẽ tục tĩu, yêu cầu phải có trách nhiệm đối với khoản vay của những người xa lạ.

Vừa qua, chị Diệu Nhi (50 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đã gửi đơn phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc con gái chị bỗng dưng bị một nhóm người xưng là nhân viên một công ty tài chính gọi điện chửi bới với lời lẽ tục tĩu, xúc phạm danh dự và nhân phẩm.

Liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối

Theo lời chị Nhi, con gái chị đang là sinh viên đại học, không quen biết với một thanh niên tên C.T.B. (quê Cai Lậy, Tiền Giang). Tuy nhiên, một ngày cuối tháng 6-2020, một số người đã gọi điện cho con gái chị yêu cầu phải có trách nhiệm đôn đốc hoặc trả nợ cho C.T.B. vì người này đang nợ 17,5 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm người này còn gửi mail, zalo yêu cầu con gái chị lên công ty đòi nợ thuê để giải quyết, nếu không "sẽ siết nhà".

Liên tục bị gọi điện, nhắn tin quấy rối bằng lời lẽ tục tĩu, con gái chị đã chặn rất nhiều số nhưng chặn số này thì họ lấy số khác gọi. Không còn cách nào khác, chị Diệu Nhi phải gửi mail, nhắn tin không được quấy rối nếu không chị sẽ nhờ công an và các cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Bằng những email cứng rắn này, nhóm người lạ không còn gọi điện đe dọa con gái chị Diệu Nhi.

Một băng đòi nợ thuê bị Công an TP HCM bắt giữ

Một băng đòi nợ thuê bị Công an TP HCM bắt giữ

Tương tự, luật sư Phan Huy Thái Nguyên (Công ty Đông Phương Luật) cho biết anh cũng là nạn nhân của các vụ đòi nợ kiểu giang hồ này. Anh bị quấy rối khi một đồng nghiệp cũ đưa số điện thoại của anh làm số liên hệ cho hồ sơ vay tiền của họ. Bên thu hồi nợ liên tục gọi quấy rầy, chỉ đến khi anh nói sẽ phản ánh đến giám đốc công ty, họ mới ngưng lại.

Theo luật sư Phan Huy Thái Nguyên, vài năm trở lại đây, sự nở rộ của các công ty tài chính đã trở thành cứu cánh cho rất nhiều người trong việc giải quyết nhu cầu vay tiền thông qua hình thức vay tín chấp, tức là người vay sẽ sử dụng "uy tín" của mình để bảo đảm cho khoản vay. 

Khi làm hồ sơ vay, người đi vay phải cung cấp thông tin cá nhân (CMND, hộ khẩu) và thông tin liên lạc của người thân, thậm chí là bạn bè để bên cho vay có thể liên lạc khi đòi nợ. Sẽ không có chuyện gì nếu người vay đóng đủ tiền hàng tháng. 

Ngược lại, nếu người vay có lỡ quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì hàng loạt cuộc điện thoại, tin nhắn từ những số lạ sẽ liên tục làm phiền người thân, bạn bè của người vay, từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố. Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào. 

Phải làm gì khi bị gọi điện đe dọa?

Về chế tài xử lý những hành vi này, luật sư Phan Huy Thái Nguyên thông tin rằng Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Khoản 7 Điều 1 quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ. Ngoài ra, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020.

Luật sư Phan Huy Thái Nguyên khuyến cáo biện pháp đối phó, xử trí đối với các cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ "không chính chủ" như vậy, người dân có thể tham khảo biện pháp sau đây: 

Đầu tiên cần giải thích ngắn gọn về việc không quen hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ này và hỏi rõ đơn vị đòi nợ, nhắc nợ để nắm thông tin (lưu ý ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). 

Không đôi co, cãi cọ với những người đòi nợ vì như vậy chỉ tốn thời gian và không giải quyết được vấn đề. 

Trên cơ sở đó, nếu tiếp tục bị làm phiền, người dân có thể trình báo cơ quan công an hoặc khiếu nại đến Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng- cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của nhà nước để xử lý cá nhân, đơn vị đòi nợ trái quy định. 

Đối với những số điện thoại thường xuyên gọi điện, nhắn tin làm phiền, người dân có thể sử dụng tính năng chặn số có sẵn trên điện thoại hoặc do nhà mạng cung cấp. Với các biện pháp này, người dân có thể giảm thiểu được sự phiền hà từ những cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ, nhắc nợ không liên quan đến mình.

Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết gần đây có ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích đe dọa, nhắc nợ dù người dùng không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. Những hình thức đòi nợ này gây bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc hằng ngày của người tiêu dùng. Có trường hợp chủ thuê bao bị gọi điện quấy rối liên tục trong thời gian gần đây với tần suất nhiều nhất lên tới 10 cuộc/ngày.

Cashwagon cho vay qua app, tung đủ chiêu trò đòi nợ

Thủ tục cho vay khá dễ nhưng khi đòi nợ thì gây tổn thương lớn cho nạn nhân, biến tướng của tín dụng đen…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN