Bốn nghi vấn trong vụ án Hồ Duy Hải (Phần 2)
Con dao được dân phòng phát hiện đó thực tế vẫn là một con dao “ảo”, chỉ do các dân phòng thấy. Con dao này cũng đã bị mất, không được thu giữ.
LTS: Ngày 4/12, chỉ một ngày trước thời điểm thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải, người bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản xảy ra ở Bưu điện Cầu Voi (Long An), TAND tỉnh Long An đã quyết định hoãn thi hành án đối với tử tù này để chờ cấp có thẩm quyền xem xét.
Chân dung Hồ Duy Hải
Nhân sự kiện này, PLO nêu lại những nghi vấn được phía luật sư và gia đình tử tù Hồ Duy Hải đưa ra xung quanh vụ án đã từng làm rúng động dư luận mấy năm về trước.
Những nghi vấn ấy rất cần được các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét thấu đáo để có quyết định cuối cùng không làm oan người vô tội nhưng cũng không để kẻ thủ ác lọt lưới pháp luật.
Phần 2: "Kỳ lạ" con dao gây án
Bưu điện Cầu Voi là một ngôi nhà gồm hai tầng (trệt và lầu 1). Tại thời điểm xảy ra vụ án, lầu 1 vẫn sử dụng bình thường. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2011 chỉ ghi đơn giản như sau: “ Trên lầu là khu vực để máy móc thiết bị, cửa còn khóa, không có dấu vết cạy cửa”.
Ai ở trong bưu điện đêm xảy ra vụ án?
Ngày 25/11/2011, luật sư Trần Hồng Phong gặp ông Nguyễn Văn Thu (một trong những người phụ trách dọn dẹp hiện trường vụ án) và chị Lê Thị Thu Hiếu (nhân viên Bưu điện xã Nhị Thành), bạn thân hai nạn nhân và là người có mặt tại bưu điện trong cả ngày 13/1/2008). Đây cũng là hai nhân chứng trong vụ án.
Trao đổi với luật sư Phong, chị Hiếu cho biết: Anh S. thường ghé thăm Hồng vào buổi tối và mỗi lần đều ngủ lại (điều này cũng hoàn toàn phù hợp với lời khai của S.). Khi S. ở lại thì S. và Hồng ngủ trên lầu 1, có lần chị Hiếu đã ngủ lại tại bưu cục lúc có S. nên biết rõ như vậy (Hiếu và Vân ngủ ở phòng bên dưới, Hồng và S. ở trên lầu).
Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11/2008
Chị Hiếu khẳng định chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải, và chưa gặp Hải tại bưu điện Cầu Voi nhưng nhiều lần gặp S. và N.. Chị Hiếu cho biết ngày xảy ra vụ án, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với S. hai lần và Hồng khẳng định chắc chắn tối hôm đó S. sẽ về. Tới lúc 17 giờ chiều, Hiếu không hề nghe Hồng nói S. không về.
Ông Thu cũng kể lại với luật sư Phong: Tối 13/1/2008, lúc gần 19h ông đã chở Hải (ông Thu hành nghề xe ôm) về nhà. Hải xuống bến xe bus trên chuyến xe từ TP.HCM về Long An, tại ngã ba Bình Ảnh. Lúc này Hải mặc áo sơ mi, đội nón kết và trên tay cầm tờ báo. Ông Thu đã chở Hải tới tận cổng nhà. Sau đó, lúc khoảng 21h30-22h đêm, anh Thu chở 2 người khách, đi ngang qua bưu cục Cầu Voi và thấy “trên lầu 1 Bưu điện còn sáng đèn. Cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng”. Theo luật sư Phong, cả ông Thu và chị Hiếu đều cam kết về lời kể này và sẵn sàng làm việc với cơ quan điều tra.
Đây là những thông tin hoàn toàn mới. Nếu đúng thì rõ ràng trong đêm 13/1/2008 đã có người ở trên lầu 1 bưu điện. Người đó là ai? Đây là vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Kỳ lạ hung khí gây án
Theo cáo trạng, Hải đã dùng “con dao thái lan dài 28cm, ngang 3 cm” tại bưu điện để cắt cổ hai nạn nhân. Tuy nhiên, biên bản giám định khám nghiệm hiện trường ngày 15/1/2008, kết luận: “chúng tôi không phát hiện dấu vết đồ vật nào liên quan đến vụ việc”. Thế nhưng, qua ngày hôm sau, các dân phòng trong quá trình dọn dẹp hiện trường thấy một con dao “mới tinh” tại bưu cục nhưng không thu giữ mà đem đốt đi và sau đó người mua ve chai đã lượm lưỡi dao đi mất. Sau đó, các dân phòng đi mua con dao tương tự đưa cho công an.
Mẹ của Hồ Duy Hải và lá đơn kêu oan cho con
Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người đã bào chữa cho Hải ở hai cấp tòa đặt vấn đề: Có phải hai nạn nhân bị giết bằng dao như lời nhận tội của Hải hay không? Và con dao đó phải là con dao mà các dân phòng tìm thấy không? Việc xem lời nhận tội của Hải sử dụng con dao để gây án và con dao ấy chính là con dao các dân phòng phát hiện như cáo trạng quy kết là suy diễn quá chủ quan.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Phong nhận định: “Con dao được dân phòng phát hiện đó thực tế vẫn là một con dao “ảo”, chỉ do các dân phòng thấy. Con dao này cũng đã bị mất, không thu giữ.
Ngày 4/12, thân nhân của tử tù Hồ Duy Hải đến trước trụ sở TAND tỉnh Long An kêu oan cho con và cuối cùng lãnh đạo tòa này đã quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hải để chờ cấp có thẩm quyền xem xét
Liệu những tình tiết như trên, từ một con dao mơ hồ về nguồn gốc, không có dấu vết tội phạm và không còn tồn tại, căn cứ vào điều luật nào để có thể kết luận rằng đó là con dao của bưu điện và Hải đã dùng con dao đó để giết người? Trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định tang vật là phải “có thật” và “liên quan trực tiếp” đến tình tiết của vụ án?”.
Nhân chứng không nhìn thấy Hải? Theo cáo trạng, nhân chứng Đinh Vũ Thường thấy Hải tại bưu điện Cầu Voi. Tại biên bản lời khai ngày 31/3/2008, Thường khai với cơ quan điều tra chưa bao giờ nói đã nhìn thấy Hải mà chỉ thấy thấp thoáng “một thanh niên” bên trong bưu điện - tầm nhìn bị ngăn cách qua một lớp kính, khoảng cách xa (6-12m), điều kiện ánh sáng ban đêm. Ngày 7/12/2011, luật sư Phong đã trực tiếp gặp anh Thường. Anh Thường khẳng định mình không thể nhận diện “người thanh niên” được. Việc cáo trạng ghi anh đã “nhìn thấy Hải” là sai sự thật. |