Bố ơi, hãy đến thăm con một lần!

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Con thèm lắm cảm giác được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Con sẽ rũ bỏ tội lỗi đứng dậy làm người. Bố ơi! Hãy đến thăm con dù chỉ một lần thôi bố nhé!

Trại tạm giam là một xã hội thu nhỏ, mỗi người vào đây đều mang theo một số phận, một nỗi lòng, một quá khứ buồn khác nhau. Quá khứ đã qua ấy, nhiều người muốn quên, không nhắc đến. Nhưng nếu nhắc đến để biết nghiêm khắc hơn đối với mỗi hành động của bản thân thì đó là điều nên làm, phải làm để hướng thiện.

Tôi là Nguyễn Mạnh Tùng, sinh 1990, thường trú tại thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Can tội tàng trữ trái phép các chất ma túy. Bị bắt ngày 17/11/2010. Án phạt 27 tháng tù giam. Hiện đang thi hành án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.

Thế là đã 7 tháng trôi qua. Tôi đếm từng khoảnh khắc. Thời gian dường như ngưng lại trong khuôn viên của những bức tường và hàng rào dây thép gai khép kín. 7 tháng rồi, không người thân thích, không có anh em, bạn bè hay bất cứ một ai quen thuộc để sẻ chia nỗi niềm cùng tôi…

Từng ngày trôi đi ở trại tạm giam đối với tôi thật chậm. Tôi thấy sợ và dần dần thay vào đó là nỗi cô đơn, niềm ân hận về tội lỗi của mình đã gây ra đã khiến cho tôi phải xa gia đình, bạn bè và những người thân…

Tôi không sao quên được cái ngày đó, ngày mà tôi bị bắt. Tôi bối rối, lo sợ không biết rồi sau này mình sẽ ra sao?

Đêm nay, trong màn đêm yên tĩnh, tôi không sao ngủ được. 7 tháng qua đi nhưng không đêm nào là tôi nguôi ngoai cảm giác nhớ nhà. Cuộc sống ngoài kia cứ ùa vào trong ký ức của tôi, day dứt và kỷ niệm tuổi thơ cứ trở đi trở lại trong tôi.

Tuổi thơ ấy, với những đứa trẻ bình thường sẽ tràn ngập niềm vui, những kỷ niệm ngọt ngào nhất. Nhưng với tôi, đó là một tuổi thơ cay đắng. Tuổi thơ mà ở đó, thay bằng sự vô tư, trong sáng lại là những hận thù, nghi ngờ, những cảm giác mong manh, không phương hướng.

Chính xác ra, tôi cũng đã có 10 năm đầu đời được sống, được quan tâm, được yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác. Ngày đó, bố vẫn thường đưa tôi đến trường. Tôi thật hạnh phúc vì được bố quan tâm, chăm sóc.

Nhưng niềm hạnh phúc đó không được bao lâu kể từ khi tôi bước chân vào cấp II. Những trận đòn roi, những lời mắng chửi của bố cứ vô cớ giáng xuống đầu tôi. Tôi không hiểu tại sao lại như thế. Từ một người cha yêu chiều tôi hết mực, bố trở nên thay đổi một cách lạ thường.

Không còn những lời dặn dò trước lúc tôi đi học, không còn những câu an ủi những lúc tôi bị điểm kém. Mà thay vào đó là những trận đòn roi, là ánh mắt, là những nỗi hằn học khó hiểu. Thời điểm ấy, năm nào tôi cũng là học sinh khá của lớp, được thầy cô đánh giá là một học sinh ngoan ngoãn.

Tôi cứ tưởng với một đứa trẻ bình thường như vậy là đủ, nhưng sao bố lại làm thế với tôi? Một bầu không khí khó hiểu, nặng nề bao trùm lên cuộc sống gia đình, mẹ như một cái bóng còn cha hàng ngày vẫn ném về phía tôi những cái nhìn hằn học.

Dần dần, tôi thấy mình vô cảm trước những trận đòn, những lời mắng chửi, da thịt tôi cũng dần trở nên chai sạn, tâm hồn tôi cũng dần trở nên chai lỳ. Rồi đến một ngày, tôi cũng đã tìm thấy được câu trả lời cho mình về cách hành xử của bố đối với tôi.

Sự thật mà tôi không bao giờ tin, không muốn tin, một lý do mà bao nhiêu năm nay chỉ vì nó mà tôi bị đánh đập và bị mắng chửi một cách thậm tệ. Bố tôi nghi ngờ mẹ tôi là có bồ.

Tuổi thơ tôi không hiểu chính xác được có bồ là gì nhưng tôi hiểu, tình cảm bố mẹ tôi chỉ như chiếc áo người ta mặc bên ngoài để che đậy những rách nát bên trong, hoặc nó cũng chẳng là gì cả, một sự trống rỗng vô hình.

Và tôi là một thứ vô nghĩa tồn tại trong sự vô hình, giả tạo ấy. Nhưng trái tim yếu đuối của tôi vẫn hướng về mẹ, tôi không bao giờ tin mẹ tôi lại là người như thế, tôi không tin, không bao giờ tin.

Bao nhiêu lời khuyên bảo của ông bà, bố tôi cũng bỏ ngoài tai, bố vẫn tiếp tục đối xử với tôi, với mẹ tôi như người dưng nước lã. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản và buông thả với chính mình. Bắt đầu với những trò chơi điện tử, chơi game quên ăn, quên ngủ.

Bắt đầu bằng những ngày bỏ học để lang thang. Lạ lùng thay, bố lại không đánh mắng tôi nữa. Cảm giác của một đứa trẻ bị bỏ rơi lớn dần theo những trận đòn roi hàng ngày vô cớ in hằn trên da thịt non nớt của tôi.

Ý chí mách bảo tôi, hoặc là phải biết cam chịu, lì lợm, hoặc là phải quậy phá, ngang tàng. Từ một đứa con ngoan ngoãn, hiền lành, tôi trở thành một con người ương bướng, lì lợm, một đứa bất trị trong mắt bố…

May mắn sao năm ấy tôi lại thi vào được cấp III. Thêm một lần tôi không có ý định đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện hộ cho mình. Nhưng từ khi quen được những người “bạn” mới mà tôi trở nên hư hỏng. Tôi bắt đầu thời trung học phổ thông với những cuộc chơi qua đêm, reo hò, nhảy nhót đến sáng.

Tất nhiên, 6 giờ sáng tôi lại về nhà và cắp sách đi học dẫu rằng, tôi đi học trong một tâm trạng uể oải và thiếu ngủ. Mẹ tôi đã nhiều lần khuyên bảo nhưng tôi không nghe và vẫn lao vào các cuộc chơi thông đêm, thông ngày.

Một ngày kia khi đi chơi về, tôi đã tình cờ thấy bố mẹ tôi cãi nhau. Đứng ở ngoài một lúc, tôi thấy bố định đánh mẹ. Ý thức tự vệ trong tôi trỗi dậy, tôi đã lao vào can ngăn.

Bố tát tôi một cái tát trời giáng và nói một câu mà tôi không bao giờ quên: “Mày không phải là con tao”. Câu nói ấy như sét đánh vào tâm hồn thơ dại của tôi.

Tôi bỏ đi 4 ngày không về nhà, trong những ngày đó, tôi chơi bạt mạng và không nghĩ về chuyện gì khác. Rồi một đêm định mệnh của đời tôi. Tôi không biết tại sao lúc đó tôi lại làm như thế. Tôi chỉ biết rằng, tôi hận ông ta, hận những lời mà ông ta đã nói với tôi và những gì đã làm với mẹ tôi.

Tôi muốn quên đi tất cả. Tôi đã đến với “nàng tiên nâu” để quên đi mọi sự u uất của mình. 1 lần, 2 lần, rồi 3 lần và cuối cùng là tôi đã nghiện ma túy từ lúc nào không biết. Tôi trở thành một kẻ sống buông thả, không cần biết đến ngày mai. Tôi bỏ học, suốt ngày đi chơi, tôi ăn cắp vặt để lấy tiền chơi thuốc.

Rồi thời gian cứ thế trôi, tôi càng ngày càng chơi thuốc nhiều lên, chơi thông ngày, thông đêm. Cơ thể tôi cũng suy sụp. Càng ngày, tôi càng lún sâu vào con đường tội lỗi.

Đã nhiều lần tôi muốn bỏ nó nhưng không sao bỏ được, tôi không làm sao tự mình chống lại mỗi khi lên cơn vật vã vì đói thuốc. Mẹ tôi đã tốn bao nước mắt, khuyên can, nhưng tôi chỉ ừ à cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy.

Rồi cái gì đến cũng phải đến. Chiều 17/11/2010, tôi bị bắt khi trong người đang tàng trữ ma túy. Tôi run rẩy, tôi muốn có ai ở bên cạnh để tôi có thể bớt đi nỗi sợ hãi… Và người tôi muốn có mặt nhất lúc đấy là mẹ. Rồi mẹ tôi cũng đến, bà đã khóc.

Tôi nhận biết được nỗi buồn đau mà bà đang phải gánh chịu. Thương con nhưng không biết làm gì, bà chỉ biết an ủi tôi và bảo tôi cố gắng đi cải tạo 1 – 2 năm rồi về.

Tôi được đưa vào Trại Tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ trong sợ hãi và nỗi buồn tê tái trong lòng. Trong thâm tâm, tôi vẫn hằng mong dù chỉ một lần, bố sẽ đến thăm tôi, sẽ quên những hận thù và tôi sẽ có cơ hội được vỗ về trong tình yêu thương của cả cha và mẹ.

Ngày tôi ra tòa lĩnh án, tôi nhìn ngang, nhìn dọc chỉ thấy mẹ, các cậu, các bác, nhưng không thấy bố tôi. Tôi rất buồn. Vì mình có lỗi nên tôi cũng không thể trách bố được... Khi tòa tuyên án tôi 27 tháng tù, mẹ tôi nấc lên.

Nhìn từng giọt, từng giọt nước mắt của mẹ, tôi thấy đau như ai đó cầm dao đâm vào tim mình, nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng và làm theo những lời dặn dò của mẹ. Sau một thời gian ra cải tạo, giờ đây khi tôi đã quen công việc nhưng mỗi tối đi làm về tôi lại ngồi một mình đối diện với một nỗi buồn không tên.

Tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình nhỏ bé của tôi và tiếc cho số phận của mình. Giá như tôi can đảm hơn, giá như có ai đó luôn bên cạnh bảo ban, động viên thì có lẽ tôi đã không dẫm chân vào con đường tội lỗi này.

Trong ý nghĩ bao người, trại giam là chốn khắc nghiệt, là “đáy” của cuộc sống… Nhưng phía sau những song sắt lạnh lẽo ấy, tôi nhận ra cuộc đời không khép lại. Nhiều mảnh đời đã một thời lầm lỡ như tôi được mở ra bằng khát vọng cho một tương lai mới tươi sáng hơn.

Và nơi đây đã thực sự trở thành ngôi nhà cho hàng trăm cuộc đời đã một thời lầm lỗi. Vì thế, tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có ngày về với gia đình và xã hội, tôi sẽ tìm một công việc lương thiện, lấy vợ, sinh con để sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Mẹ ơi, mẹ hãy tin con, con sẽ cố gắng để cải tạo để sớm được về với mẹ, để chuộc lại những lỗi lầm mà con đã gây ra. Con mong mẹ hãy sớm tìm lại sự bình yên trong tâm hồn… Và mẹ hãy nói giúp với bố con rằng:

Con mong bố hãy đến thăm con dù chỉ một lần. Con thèm lắm cảm giác được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Con sẽ rũ bỏ tội lỗi đứng dậy làm người. Bố ơi! Hãy đến thăm con dù chỉ một lần thôi bố nhé!

* (Trại Tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Mạnh Tùng (Phunutoday)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN