Bộ Công an: Nhiều tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn để khi về nước không bị tử hình

Sự kiện: Tin pháp luật

Theo Bộ Công an, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam chủ động bỏ trốn đến các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ để khi bị dẫn độ về nước thì sẽ không bị tử hình.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ do Bộ Công an soạn thảo. Dự thảo luật này trên cơ sở tách một phần từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Một nghi phạm được lực lượng chức năng dẫn độ về Việt Nam. Ảnh: Bộ Công an

Một nghi phạm được lực lượng chức năng dẫn độ về Việt Nam. Ảnh: Bộ Công an

Theo Bộ Công an, pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định về hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình. Tuy nhiên, một số hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và các nước lại có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Trong trường hợp nếu không có cam kết, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.

Trước thực tế trên, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng chủ động bỏ trốn đến các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ. Mục đích nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.

Bộ Công an nhận định cam kết không áp dụng án tử hình là vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Nếu chính thức luật hóa, việc này phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.

Do vậy, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ, trong đó quy định Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên tử hình song không thi hành án đối với tội phạm dẫn độ về Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất áp dụng quy định cam kết không tử hình cả với trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Cụ thể, theo quy định của nước yêu cầu dẫn độ tội phạm có thể bị tử hình, nhưng theo pháp luật của Việt Nam lại không đến mức tử hình. Trường hợp này, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, Việt Nam sẽ yêu cầu nước kia cam kết không áp dụng tử hình đối với tội phạm được dẫn độ từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 chưa đề cập đến vấn đề mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ. Trên thực tiễn, có trường hợp sau khi dẫn độ về nước, cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, thì phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã thực hiện trước khi bỏ trốn. Tuy nhiên, trong yêu cầu dẫn độ, các quốc gia luôn phải cam kết chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ về các tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Bộ Công an lấy ví dụ: nước A đề nghị nước B dẫn độ đối tượng C vì phạm tội giết người. Sau khi đối tượng C được dẫn độ về nước A, quá trình điều tra, phát hiện thêm trước đó đối tượng C đã phạm tội hiếp dâm.

Với trường hợp trên, theo pháp luật và thông lệ quốc tế, nước A chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với đối tượng C về tội giết người, sẽ bỏ lọt tội hiếp dâm.

Để khắc phục bất cập đã nêu, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu hình sự đối với người bị dẫn độ.

Theo đó, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, phát hiện thêm tội phạm mà người bị dẫn độ thực hiện trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu thì các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chưa được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưởng ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN