Bị xử hình sự vì dừng xe nơi cấm đậu

Tài xế xe khách dừng xe bên vệ đường cho khách “xả”, bị xe tải tông vào gây hư xe, thế là cả hai tài xế đều bị khởi tố.

Chiều 23-8, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND huyện Bàu Bàng, Bình Dương đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án hai tài xế vi phạm giao thông. Vụ án đáng chú ý ở chỗ một trong hai tài xế đang cho xe đậu ở vệ đường nhưng khi tai nạn giao thông xảy ra ông này vẫn bị xử hình sự.

Bị xe tải tông khi đang dừng xe bên đường

Theo hồ sơ, ông Dương Văn Trắng là tài xế xe khách, lái thuê cho DNTN Phước Hưng An Toàn (ở Cà Mau), ký hợp đồng lao động ba tháng/lần, lương nhận theo tour. Mai Trường Giang là tài xế xe tải, lái thuê cho DNTN Phú Đồng Phát (An Giang), nhận tiền công theo chuyến hàng.

Chiều 29-4-2015, xe khách 52 giường nằm chạy từ Cà Mau đến Bình Phước. Đến Bình Dương thì xe đổi tài, ông Trắng cầm lái. Khoảng 3 giờ 45 sáng 30-4, khi xe qua ngã ba Chiến thắng Bàu Bàng (Bình Dương) khoảng 100 m thì ông Trắng dừng xe lại cho khách đi vệ sinh. Năm phút sau, Giang lái xe tải chở sắt lưu thông phía sau cùng chiều, do ngủ gật nên đâm vào đuôi xe khách.

Tai nạn làm hai người trên xe khách bị trầy sơ sơ, đi bệnh viện rồi đón xe khác về. Hai chiếc xe bị hư hỏng. Theo định giá thì xe khách hư phần đuôi và máy xe, thiệt hại 263 triệu đồng; xe tải hư phần đầu xe, thiệt hại 234 triệu đồng. Chủ xe tải yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường 359 triệu đồng; chủ xe khách yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường 567 triệu đồng (thiệt hại về xe và tiền mất thu nhập).

Bị xử hình sự vì dừng xe nơi cấm đậu - 1

Hai bị cáo - tài xế Dương Văn Trắng (trái) và Mai Trường Giang tại tòa.  Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Đậu sai làn và dừng nơi cấm đậu

Ngày 2-10-2015, CQĐT Công an huyện Bàu Bàng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trắng và Giang về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS. Hai chủ xe được xác định là người bị hại.

Hồ sơ thể hiện nơi xảy ra tai nạn đường có ba làn xe: Làn ô tô con rộng 3,8 m, làn ô tô tải rộng 3,8 m, làn mô tô rộng 3,4 m. Đường bằng phẳng, tầm nhìn không bị che khuất. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường thì chỗ ông Trắng đậu xe là nơi có biển cấm dừng đỗ và đuôi xe khách đã đậu lấn ra 2/3 làn đường dành cho xe tải.

Cáo trạng xác định hành vi của ông Trắng đã vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ (người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ); khoản 1 Điều 11 (người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ) và điểm b khoản 3 Điều 18 của luật này (người điều khiển xe phải cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình).

Hành vi của Giang đã vi phạm khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ (có hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Bị tạm giam và đối diện mức án tám tháng tù

Ban đầu, cả hai tài xế được tại ngoại điều tra. Đến tháng 4-2016 thì cả hai bị bắt tạm giam.

Tại tòa, Giang và ông Trắng thống nhất lỗi của mình khi điều khiển xe, thống nhất thiệt hại, đồng ý bồi thường cho công ty bảo hiểm và chủ xe. Ông Trắng trình bày: “Khi đó, khách mắc tiểu la quá nên tôi ghé đại cho khách đi. Thấy chỗ sáng, vắng xe nên tôi dừng, không để ý thấy biển cấm. Khi đậu, xe vẫn mở máy, mở bốn đèn”.

Còn Giang thì trình bày: “Tôi chạy xe với vận tốc 40-50 km/giờ, không dùng chất kích thích. Đây là lần đầu tôi ngủ gục. Thông thường buồn ngủ thì tấp vô lề ngủ nhưng lần đó thì chạy ráng, dự định đi một đoạn nữa sẽ ngủ. Tiếc là do cẩu thả nên gây tai nạn”.

Công ty bảo hiểm xe tải đã bồi thường cho chủ xe tải 208 triệu đồng. Bảo hiểm yêu cầu người gây tai nạn (là Giang) hoàn trả. Tại tòa, chủ xe tải không yêu cầu Giang bồi thường thêm vì thương cảnh khổ của tài xế mình. Chủ xe tải cũng xin tòa giảm nhẹ cho Giang và ông Trắng.

Đại diện VKSND huyện Bàu Bàng đề nghị mức án 6-8 tháng tù cho mỗi người với nhận định cả hai thành khẩn khai báo, nhân thân tốt.

Cuối cùng, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định rõ người đại diện hợp pháp cùng ý kiến của hai đơn vị bảo hiểm.

Có tội hay không tội?

Trong vụ án này, việc xử lý hình sự ông Trắng - tài xế xe khách liệu có thỏa đáng? Bởi có người cho rằng ông Trắng có hành vi vi phạm luật giao thông nhưng đây là lỗi hành chính. Lỗi này sẽ do CSGT lập biên bản và xử phạt. Ông Trắng không phải người trực tiếp gây ra thiệt hại cho xe. Vấn đề bồi thường thuộc phạm vi quan hệ dân sự giữa bảo hiểm, chủ xe và tài xế. Tranh chấp nếu có sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện dân sự nếu các bên có yêu cầu.

Ý kiến thứ hai cho rằng ông Trắng có hành vi vi phạm luật giao thông, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người khác (từ 50 triệu đến dưới 500 triệu đồng) nên đã cấu thành tội theo khoản 1 Điều 202 BLHS.

Trong khi chờ phán quyết của cơ quan tố tụng, chúng tôi mong nhận được ý kiến bàn luận của bạn đọc về vụ án này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN