Bị tống tiền sau khi 'tâm sự' với người lạ qua mạng
Sau khi trò chuyện, gửi những hình ảnh, video nhạy cảm qua mạng, nhiều bị hại bị đối tượng xấu "tống tiền" gây ảnh hưởng đến tâm lý, thiệt hại về tài sản.
Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) liên tục tiếp nhận trình báo của các bị hại về việc bị "tống tiền" sau khi trò chuyện với người lạ thông qua mạng xã hội.
Mới đây nhất, anh N.T.P. (SN 2004, trú tại TP Huế) trình báo về việc, cách đó 2 ngày, anh nhận được tin nhắn từ 1 tài khoản Facebook có tên "Thuỳ Linh" với mong muốn kết bạn làm quen.
Nội dung tin nhắn của các đối tượng xấu với bị hại.
Anh P. nhận thấy tài khoản lạ nên không trả lời, nhưng sau đó đối tượng tự giới thiệu là người quen rồi hỏi thăm, nói chuyện và tỏ ra rất thân thiện, chủ động rút ngắn khoảng cách.
Chỉ đôi lời qua lại, đối tượng gợi mở chuyện yêu đương, nghĩ rằng qua mạng xã hội ảo sẽ không mất gì, anh P. nhận lời.
Cả hai sau đó nhắn tin, trò chuyện qua Viber, khi lấy được sự tin tưởng, đối tượng rủ gọi video kèm hình ảnh khỏa thân cho anh P. xem. Trong lúc thiếu kiềm chế, anh P. gửi lại video với một số hình ảnh nhạy cảm của mình.
Đến ngày hôm sau, đối tượng gửi các ảnh chụp màn hình và video cuộc "tâm sự" trước đó cho anh P. kèm theo yêu cầu chuyển 10 triệu đồng. Nếu không đáp ứng, sẽ phát tán những hình ảnh, clip này và sẽ gửi các hình ảnh trên cho người thân của anh P.
Lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bản thân, gia đình anh P. đã chuyển cho đối tượng số tiền 6 triệu đồng. Sau đó, đối tượng vẫn tiếp tục nhắn tin đe doạ, yêu cầu chuyển tiền. Không có tiền chuyển và cảm thấy bị làm phiền, anh P. trình báo với cơ quan công an.
Theo Công an TP Huế, ngoài vụ việc của anh P., trong thời gian qua, công an các địa phương tiếp nhận, giải quyết hàng loạt tin báo tương tự.
Đặc điểm chung là nạn nhân nhận lời "tâm sự", gửi hình ảnh, clip nhạy cảm cho một người làm quen thông qua mạng xã hội, sau đó bị tống tiền.
Công an khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự trang bị kiến thức, sớm nhận diện những thủ đoạn của tội phạm, không tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm.
Trong bất cứ cuộc giao tiếp qua mạng xã hội, nếu được đề cập vấn đề liên quan đến sinh lý hoặc yêu cầu gửi hình ảnh, clip nhạy cảm phải lập tức nâng cao cảnh giác vì đằng sau có thể là động cơ đen tối.
"Nếu không may bị sập bẫy, người dân trình báo cơ quan công an nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cũng như hỗ trợ tốt nhất cho công tác điều tra, xác minh vụ việc", lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế nói.
Theo các chuyên gia, hành vi mua bán clip nhạy cảm của trẻ em có dấu hiệu của nhiều tội danh và để hạn chế tối đa vấn nạn này, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về pháp lý lẫn công nghệ.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bi-tong-tien-sau-khi-tam-su-voi-nguoi-la-...