“Bí quyết” giăng bẫy của những bà trùm lừa đảo

Vẽ các dự án kinh doanh khủng, mua bán giải thưởng để đánh bóng tên tuổi cá nhân và công ty, huy động các nhà đầu tư góp vốn bằng lãi suất khủng, chỉ trong thời gian ngắn các bà trùm đã lừa đảo được cả nghìn người với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Dù đã được cảnh báo nhưng vì ham lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư vẫn ném tiền vào những chiếc “bánh vẽ” mà các bà trùm trưng ra, đến khi tỉnh ngộ thì mọi việc đã quá muộn màng.

Truyền thông rầm rộ để đánh bóng tên tuổi

Mới đây, Phạm Mỹ Hạnh (sinh năm 1980, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) đã huy động được hơn 1.200 tỷ đồng của các nhà đầu tư cũng với chiêu trò này. Để lôi kéo nhà đầu tư, Hạnh đã cùng công ty thổi phồng, cung cấp những thông tin gian dối về giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh. Thậm chí, MHG còn tự ý nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất đáng mơ ước nhưng phi thực tế.

Trên cổng thông tin của công ty, tràn ngập hình ảnh Mỹ Hạnh nhận giải thưởng cho cá nhân và công ty tại các lễ trao giải uy tín, hay hợp tác kinh doanh với các nước, các tập đoàn lớn, hoặc mở rộng đầu tư các dự án tại các tỉnh thành... khiến bất cứ ai nhìn vào cũng đều phải ngưỡng mộ, khâm phục khả năng kinh doanh của nữ doanh nhân thành đạt này.

Bà trùm Mỹ Hạnh chú trọng đánh bóng hình ảnh cá nhân.

Bà trùm Mỹ Hạnh chú trọng đánh bóng hình ảnh cá nhân.

Tập đoàn Mỹ Hạnh được giới thiệu trên các mặt báo và cổng thông tin của MHG với những từ ngữ mỹ miều như có mục đích và tôn chỉ là: “Xây dựng, phát triển chuỗi giá trị bền vững của ngành sản xuất sâm Ngọc Linh. Chỉ sau vài năm hoạt động, tập đoàn này đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, đại lý trên khắp đất nước, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 100% đến 300%”.

Còn bà Hạnh được giới thiệu là “nữ doanh nhân khát khao phát triển và lan tỏa “quốc bảo” Việt Nam. Bà Hạnh từng được “hồi sinh” bằng sâm Ngọc Linh sau một lần kiệt sức trong một chuyến khám phá đỉnh núi Ngọc Linh năm 2014. Sau lần đó, MHG ra đời, với mong muốn bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đưa giá trị dinh dưỡng của loại thảo dược quý vào phục vụ người dân và xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh MHG trên thị trường quốc tế”.

Cũng theo lời tự giới thiệu của MHG, không chỉ đơn thuần là mua sản phẩm, chế biến và làm thương hiệu như nhiều đơn vị khác, MHG đi từ gốc và triển khai theo quy trình khép kín, từ việc đầu tư phát triển vườn trồng sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng nguyên sinh tại Quảng Nam, cho tới việc hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm và sản xuất tại nhà máy hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống showroom, đại lý trưng bày giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, MHG giới thiệu bà Mỹ Hạnh cho xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Ngọc Linh MHG tại Măng Đen, Kon Plong, Kon Tum…

Cũng truyền thông rầm rộ, MHG “nổ” rằng: “Năm 2021, hàng chục hecta vườn trồng dược liệu, sâm dây và vài hecta vườn trồng sâm Ngọc Linh đã được xuống giống thành công tại Nam Trà My, Quảng Nam và Măng Đen, Kon Tum. Hơn 15 showroom được xây dựng trên toàn quốc, khu nghỉ dưỡng Ngọc Linh MHG Farm tại Kon Tum chính thức đi vào hoạt động, Khách sạn nghỉ dưỡng Ngọc Linh tại Tuần Châu, Hạ Long được xây dựng…”.

Với những chiêu bài “nổ” như thế, không khó để Mỹ Hạnh nhận được nhiều danh hiệu như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp Bông hồng vàng”. Hồi đại dịch COVID-19, bà Hạnh cũng được truyền thông là tham gia vào các hoạt động từ thiện, trao tặng hàng trăm nghìn suất quà thiết yếu, thiết bị y tế… đến những người gặp khó khăn và các chiến sĩ áo trắng tại tuyến đầu chống dịch.

Khi tiếng tăm MHG và bà Mỹ Hạnh đã “nổi như cồn” trong giới kinh doanh và truyền thông thì từ năm 2020-2022, Hạnh bắt đầu huy động vốn của nhà đầu tư khi vẽ ra ba gói hợp tác kinh doanh: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty với lời cam kết, hứa hẹn với đối tác về việc trả lãi suất từ 24% - 48%/ năm. Mức lãi suất không tưởng này đủ để khiến nhiều người nhẹ dạ, đem tiền đến góp vào công ty của Hạnh. Cho tới khi Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Mỹ Hạnh, theo kết quả điều tra ban đầu, đã có hơn 1.000 nhà đầu tư nộp tiền cho MHG với số tiền lên tới 1.264 tỷ đồng. 

Chiêu bài lãi suất khủng

Một chiêu bài khiến nhà đầu tư mắc bẫy nhiều nhất của các bà trùm lừa đảo chính là lãi suất cao để dụ nhà đầu tư góp vốn vào các dự án “ma”. Các dự án này thường được “nổ” là các dự án bất động sản rất lớn, đầy tiềm năng, gắn liền với du lịch, sinh thái đầy triển vọng, sau đó đưa ra các gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư. Nhiều công ty còn đưa ra những cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30%/năm, có những trường hợp lên đến 50-70%/ năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Nếu nói về chiêu trò gọi vốn khủng, không thể không nhắc đến bà trùm Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Cho đến trước vụ việc này thì vụ Nguyễn Thái Luyện, CEO Alibaba vẫn được coi là vụ án lừa đảo lớn nhất từ trước tới giờ khi hơn 4.300 người sa vào chiếc bẫy hợp tác kinh doanh bất động sản “ma”, bị chiếm đoạt số tiền 2.264 tỉ đồng.

Nhưng phải đến khi vụ án Vũ Thị Thúy được phanh phui, nhiều người đã phải ngả mũ trước trình độ lừa đảo siêu hạng của bà trùm này. Từng có 1 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Vũ Thị Thúy vẫn khiến hơn 20.000 cá nhân góp vốn thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh, thu tổng số tiền khoảng hơn 8.941 tỉ đồng chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi công ty thành lập năm 2019. Số tiền thu được, công ty chi trả hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn, khoảng 2.272 tỉ đồng.

Vũ Thị Thúy (Công ty Nhật Nam) từng có tiền án lừa đảo nhưng vẫn tiếp tục làm cho hàng chục ngàn người sập bẫy.

Vũ Thị Thúy (Công ty Nhật Nam) từng có tiền án lừa đảo nhưng vẫn tiếp tục làm cho hàng chục ngàn người sập bẫy.

Tập đoàn Nhật Nam từng giới thiệu trên website của mình rằng đang sở hữu khối tài sản vững chắc đa dạng ngành nghề như: Nhà hàng, karaoke, khách sạn, chuỗi cafe cao cấp,... trong đó bất động sản vẫn là chủ lực. Với lĩnh vực bất động sản, Nhật Nam còn giới thiệu là sở hữu quỹ đất trải dài từ Bắc chí Nam như Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc,... Các quỹ đất của Nhật Nam đều nằm ở những vị trí đắc địa. Với đường hướng kinh doanh mới mẻ cùng định hướng phát triển lâu dài bền vững, trong tương lai công ty sẽ trở thành doanh nghiệp đứng top 5 trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Đặc biệt, Thúy còn đưa ra chương trình huy động vốn lãi suất “khủng”, dưới tên gọi “chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày”, với lợi nhuận cao trung bình khoảng 46%/ năm, thậm chí tới 70% - 80%/ năm, nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số cá nhân có uy tín trong xã hội, có thời gian công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu về việc công ty kinh doanh uy tín, trả gốc lãi đầy đủ, trong đó có 2 hội thảo lớn vào các ngày 13/3/2022 và ngày 2/7/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thu hút 5.561 người tham dự. Thậm chí, công ty còn ngang nhiên làm giả lẵng hoa chúc mừng của các vị lãnh đạo Trung ương. Ngoài ra, Thúy mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn. Bản thân Vũ Thị Thúy cũng luôn nói đạo lý: “Chiến lược của công ty là giữ lòng tin”, “Mở công ty là để giúp đỡ nhiều người”.

Ngoài việc dụ dỗ, kêu gọi nhà đầu tư bằng các gói đầu tư với lãi suất hấp dẫn, Nhật Nam cũng không tiếc tiền để chi cho việc phát triển hệ thống môi giới theo mô hình kim tự tháp. Cứ 5 môi giới phát triển ra được 10 môi giới, mời chào được doanh số trên 10 tỷ đồng thì hưởng 7% hoa hồng. Cứ thế người vào trước kéo người vào sau, tiền người vào trước trả lãi cho người vào sau.

Hiện các vụ lừa đảo vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra nhưng với số lượng nạn nhân lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người thì chắc chắn việc khắc phục hậu quả, lấy lại tiền cho nhà đầu tư là rất khó. Hy vọng rằng những vụ việc này sẽ là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ cả tin, ném tiền vào các công ty “ma” để hưởng lãi suất khủng.

Chiêu lừa đảo huy động 1.200 tỷ đồng vào dự án sâm Ngọc Linh

Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang mở rộng điều tra làm rõ các đối tượng giúp sức cho bị cáo Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Ngọc ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN