Bí mật của "tú ông" trong "nghề" buôn… "chân dài"
Nhiều năm nay, dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn tại các địa phương có phần phát triển. Đi đôi với nó, các dịch vụ đi kèm như massage, thư giãn, xông hơi… cũng không thể thiếu.
Biết mình, biết ta…
Nhờ một người quen, PV báo Người Đưa Tin có dịp tiếp xúc với H. - một “tú ông” có “nghề” trong ngành buôn “chân dài” tại tỉnh Vĩnh Phúc. Có “nghề” nhưng H. còn khá trẻ, gã mới ở độ tuổi 30. Nhìn gương mặt H. hiền khô nhưng H. lại tỏ ra khá sành sỏi trong công việc, nắm được nhiều mánh lới.
H. chia sẻ: “Trước đây, em làm thuê nhận lương tháng cho nhà nghỉ này. Nhưng giờ ông bà chủ cho em thuê lại để kinh doanh. Số tiền mỗi tháng em phải trả cho chủ là 50 triệu đồng, 3 tháng đóng một lần”.
Vì người đưa tôi đến với câu chuyện của H, là chỗ thân tình, nên gã cũng chẳng mấy đề phòng, có sao cứ nói tuốt.
H. kể: “Em mới cho “gái” hoạt động trở lại gần chục hôm nay. Tại trước đó 2 tháng, nhà nghỉ này cũng đã bị công an “sờ gáy” rồi”.
Gã thành thật, nếu kinh doanh nhà nghỉ mà không có cái “khoản đó” thì "đói nhăn răng". Đấy là chưa nói đến chuyện thành phố Vĩnh Yên bé tí, rất gần với thủ đô, gần ngay sát khu vực hành chính. Nếu "không biết điều" thì bị không làm ăn gì nổi, chính vì thế, kinh doanh nhà nghỉ thì phải "biết mình, biết ta”.
“Ở chỗ em, bình thường rất ít khách du lịch. Bởi, nếu khách du lịch đến Tam Đảo thì họ lên hẳn trên ấy ngủ nghỉ, chẳng mấy ai lại đi nghỉ ở chỗ thăm quan xa vài chục cây số. Chủ yếu khách đến với bọn em là những cặp tình nhân, bọn choai choai, hay những ông bà lén lút cặp bồ với nhau thôi. Với những đối tượng này thì thời điểm nào cũng có, nhưng rất ít” - H. thông báo tin tức về hoạt động nhà nghỉ một cách rất trung thực.
Những vị khách mà H. kể đều thuộc thành phần có hộ khẩu ngay ở thành phố. Nếu chiểu theo luật thì bất cứ khách nào đến nghỉ đều phải để lại chứng minh thư nhân dân, thậm chí là cả đăng ký kết hôn để nhà nghỉ làm thủ tục tạm vắng, tạm trú, trình báo cơ quan chức năng. Nhưng, họ là dân địa phương, hầu hết nhà đều ở phường nọ, xã kia, chẳng có lý do gì để không về nhà mà lại vào… nhà nghỉ.
H. bảo: “Có lần, em mang sổ đến công an phường khai báo, các anh ấy mắng luôn: "Những trường hợp này có lý do gì mà tạm vắng, tạm trú…". Thời điểm trình báo là khoảng 21 -22h đêm. Đấy là khi đã thân tình, các anh ấy mới nói vậy. Nên về sau, ít khi bọn em bắt khách phải đặt chứng minh thư nhân dân ở quầy lễ tân làm gì”.
Trừ những nhà nghỉ đã được “bảo kê”, hoặc của dân “anh chị” thì những nhà nghỉ ké cẩm cái món “chân dài” đều phải biết điều. Có nghĩa là hoạt động nhưng không được phép rầm rộ. Cứ ầm ĩ, người dân mà phản ánh là “dính đòn" ngay.
H. tiết lộ, dân anh chị trong xã hội thì họ không sợ, bởi với những người như thế thì quan hệ của họ rộng, có bị bắt thì họ cũng dễ xoay sở.
“Nhưng với bọn em thì vẫn phải e dè", H nói.
Nếu không có "quan hệ" thì hầu hết các nhà nghỉ đều hoạt động theo kiểu "nửa bí mật, nửa công khai"...
H. chia sẻ: “Mỗi khi khách có nhu cầu, bọn em phải nhìn mặt, thấy tin tưởng thì mới dám nhấc máy gọi nhân viên, còn nhìn mặt thế nào thì đó là “mánh” riêng của bọn em. Nhân viên thì bọn em phải “kết nối” trước, thỏa thuận về mặt giá cả.
Mỗi lần đi khách bọn em phải trả cho nhân viên 50%, khách “đi tàu nhanh” thì bọn em tăng giá phòng cao hơn nghỉ giờ bình thường lên một tí, thế thì mới có lợi nhuận…”.
Theo lời H. việc nhà nghỉ có kèm theo dịch vụ “chân dài” sẽ tăng hệ số khách lên gấp nhiều lần so với nhà nghỉ bình thường. Tuy nhiên, muốn tồn tại, kinh doanh lâu dài phải biết “mềm mỏng, khéo léo” nên thu nhập còn lại, trừ cả các khoản thuê phục vụ, tiền thuê cơ sở vật chất, tiền "ngoại giao" thì khoản tiền còn lại của H. cũng không đáng là bao.
Phải có “quan hệ”…
Những nhà nghỉ, quán karaoke có kèm các dịch vụ như massage, xông hơi thường vẫn hút khách hơn. Nhưng để làm được điều này không phải dễ.
“Ở cách chỗ em 1km, có quán karaoke một bên để hát, một bên nếu khách có nhu cầu thì lên phòng. Có cả chục em nhân viên chờ sẵn, khách ưng em nào thì “tới z” với em đó. Hay những nhà nghỉ hoạt động có vẻ công khai hơn thì khách nườm nượp. Nhưng những quán như thế đều phải có “quan hệ”, H. tiết lộ.
H. nói: “Nếu cơ quan chức năng làm gắt, cứ thi thoảng ngồi ở quầy lễ tân kiểm tra thì khách có bước vào rồi thì cũng quay ra. Chả ai dại gì phải không ạ? Có ai “ăn vụng” mà muốn mình bị lộ đâu”.
“Ở đây, bây giờ số lượng nhà nghỉ đã hạn chế rồi, chứ thời điểm trước người ta thi nhau xây nhà nghỉ để kinh doanh. Mà chỗ nào chả phải có kinh doanh “cái ấy”. Trước, ở khu vực bến xe mới… tầm 3h sáng bọn nó vẫn chở gái chạy ầm ầm ngoài đường. Có thời gian cơ quan chức năng làm căng, bây giờ cũng giảm dần. Bọn nó giờ toàn hoạt động kiểu “âm thầm” hơn. Nhưng, đố các bác nhìn thấy ở quán karaoke, nhà nghỉ nào mà lại thiếu cái khoản “chân dài”…” – H. thông tin nhanh.
Chỉ có điều, với những người không có “quan hệ” sâu rộng thì phải hoạt động theo kiểu “nửa bí mật, nửa công khai”. H. nhấn mạnh: “Có chân dài thì không bao giờ lo lỗ, ế ẩm khách cả. Chỉ có điều “cơ chế” ở mỗi nơi như thế nào thôi…”.