Bị lừa mất tiền tỷ sau khi tìm việc làm trên mạng
Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, tội phạm lừa đảo qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm và tìm việc làm trên mạng của nhiều phụ nữ để giăng bẫy, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Do có nhu cầu mua sắm nên chị Thái Thị Thắm (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đặt mua 2 đơn hàng thông qua Facebook của chủ tài khoản có tên "Si tuyển Vân Anh" và để lại số điện thoại để chủ shop liên hệ.
Một nạn nhân đến trình báo bị lừa đảo qua mạng.
Sau đó, có đối tượng vào kết bạn Zalo, Facebook trao đổi với chị để chốt đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản. Vì đã mua hàng nhiều lần của shop, chị Thắm hoàn toàn tin tưởng nên hai lần chuyển khoản với số tiền 600.000 đồng.
Sau khi phát hiện tài khoản Zalo, tên người nhận tiền không giống như những lần trước, chị Thắm mới phát hiện bị lừa đảo. "Kẻ lừa đảo để tên, hình nền của Zalo giống của shop thiệt làm mình nhầm", chị Thắm nói.
Một câu chuyện khó tin nhưng đã xảy ra đối với một phụ nữ ở huyện Lấp Vò, trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt 8,4 tỷ đồng. Theo lời nạn nhân, hồi tháng 2/2022, do có nhu cầu tìm việc làm đã tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook và gặp tài khoản có tên "Việc làm tết 1", đưa ra mức hoa hồng hấp dẫn nếu làm nhiệm vụ mua hàng thành công.
Sau thời gian trao đổi, đối tượng hướng dẫn nạn nhân cài đặt app có tên CTGroup trên điện thoại để nạp và rút tiền trực tuyến khi làm nhiệm vụ mua đơn hàng trên trang thương mại điện tử Omazon. Lúc đầu chị tham gia đặt cọc để hoàn thành nhiệm vụ thì sau đó rút được cả vốn lẫn lãi. Khi cá đã cắn câu, đối tượng yêu cầu chị đặt cọc với số tiền lớn hơn là 5 triệu đồng.
Sau nhiều lần chuyển tiền cho nhiều tài khoản ngân hàng, nạn nhân đã chuyển tổng số tiền trên 8,4 tỷ đồng. Đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp tiền để làm nhiệm vụ, đối tượng cũng lặn mất tăm và không còn liên lạc.
Theo lời nạn nhân sở dĩ bị cuốn vào vòng xoáy là do sợ mất số tiền đã nạp trước đó, thứ hai bị tác động bởi nhóm người chung nhóm.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 47 vụ, đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền thiệt hại trên 23 tỷ đồng. Theo cơ quan Công an, tội phạm lừa đảo qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm và tìm việc làm trên mạng của nhiều phụ nữ để giăng bẫy, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Thiếu tá Lê Văn Điền, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm TTATXH, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo lời mời quảng cáo tham gia làm nhiệm vụ trên các app không rõ nguồn gốc, các ứng dụng di động... với lãi suất cao, hấp dẫn.
"Đó là những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng dựng lên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân tuyệt đối không được vay tiền qua các ứng dụng online trên mạng và cảnh giác với các số điện thoại lạ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền cho bất cứ người nào khi chúng ta không biết họ là ai", Thiếu tá Lê Văn Điền nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Thông qua hình thức liên kết bán hàng để được hưởng hoa hồng và quà tặng, 4 người tại TP HCM đã "bày binh bố trận" đưa 1 người phụ nữ ở Thanh Hóa vào "bẫy"...