Bị lừa cả chục tỷ vì tin “đại gia cuội”
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Phạm Đức Thịnh (SN 1973, trú tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Việc lừa đảo của Thịnh được tiến hành bài bản, tinh vi khiến nạn nhân tự nguyện vào bẫy lừa.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Phạm Đức Thịnh (SN 1973, trú tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Việc lừa đảo của Thịnh được tiến hành bài bản, tinh vi khiến nạn nhân tự nguyện vào bẫy lừa.
Kẻ “bán giời không văn tự”
Năm 2012, Phạm Đức Thịnh thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thiết bị và Vật tư Miền Nam (Công ty CPTB&VT Miền Nam), có trụ sở đăng ký tại quận 7, TP Hồ Chí Minh. Mang danh là công ty cổ phần song trên thực tế, toàn bộ cổ phần, tài sản, số tiền trong tài khoản của công ty đều do Phạm Đức Thịnh sở hữu; giám đốc và các thành viên khác của công ty đều được Phạm Đức Thịnh thuê và thực hiện theo sự điều hành của anh ta.
Ngày 17-6-2015, Công ty CPTB&VT Miền Nam ký hợp đồng mua tàu FSO Ba Vì của liên doanh Vietsovpetro với giá 6.875.000 USD. Để có tiền thanh toán cho Vietsovpetro, Công ty CPTB&VT Miền Nam ký Hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng TP Bank, tài sản bảo đảm là tàu FSO Ba Vì hình thành từ vốn vay và các tài sản bảo đảm khác), trị giá vốn vay là 120 tỷ đồng. Phương án thanh toán của công ty là sau khi mua tàu sẽ lai dắt về cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phá vỡ và bán sản phẩm phá dỡ.
Đối tượng Phạm Đức Thịnh.
Cuối tháng 9-2015, Công ty CPTB&VT Miền Nam có văn bản gửi TP Bank đề nghị thay đổi phương án từ phá dỡ trong nước sang bán cho đối tác nước ngoài nên có thể thu hồi vốn vay nhanh chóng. Do đó, sau khi Công ty CPTB&VT Miền Nam thông báo đối tác mua tàu với trị giá 5.800.000 USD (trong đó đặt cọc trước 10% giá trị hợp đồng, tương đương 580.000 USD sẽ được chuyển vào tài khoản Công ty CPTB&VT Miền Nam mở tại TP Bank), TP Bank đã đồng ý cho công ty thực hiện theo phương án này.
Ngày 5-10-2015, Công ty CPTB&VT Miền Nam ký hợp đồng bán tàu FSO Ba Vì cho Công ty Messrs Best Oasis Ltd Nominee (có trụ sở tại Hong Kong) với giá 5.800.000 USD. Ngày 9-10-2015, tài khoản của Công ty CPTB&VT Miền Nam mở tại Ngân hàng TP Bank Linh Đàm nhận được số tiền 5.219.998 USD.
Mặc dù đã có hợp đồng bán tàu và nhận cọc, nhưng khi được người đàn ông có tên Trương Việt Hùng (ở tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) giới thiệu ông Phạm Văn Việt có nhu cầu tìm hiểu để cùng khai thác, tháo dỡ tàu FSO Ba Vì, Phạm Đức Thịnh đã tiếp xúc và tìm cách chiếm đoạt tiền của ông Việt.
Để tạo niềm tin cho ông Phạm Văn Việt, Phạm Đức Thịnh đưa ra các thông tin, tài liệu thể hiện Công ty CPTB&VT Miền Nam đang sở hữu tàu FSO Ba Vì. Thịnh đưa cho ông Việt xem các giấy tờ pháp lý, thể hiện việc ông ta sở hữu 86% cổ phần của Công ty CPTB&VT Miền Nam nên ông ta có quyền quyết định và định đoạt “số phận” của con tàu FSO Ba Vì; đồng thời đưa cho ông Việt xem hồ sơ mua bán tàu với Vietsovpetro…
Thịnh còn đưa ông Việt đến xem tàu FSO đang neo đậu ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. Được “tận mục sở thị” nhìn thấy con tàu; đồng thời được trực tiếp xem các giấy tờ, vì thế ngày 16-10-2015, ông Phạm Văn Việt đã ký hợp đồng góp vốn với Phạm Đức Thịnh, có sự chứng kiến của người làm chứng.
Theo hợp đồng, ông Việt góp 10 tỷ đồng; ông Trương Việt Hùng góp 3 tỷ đồng; mục đích hợp đồng này là để lấy chi phí lai dắt tàu FSO Ba Vì về cảng Cái Mép để tháo dỡ. Theo thoả thuận thì ngoài việc được hưởng lợi nhuận góp vốn, ông Việt còn được quyền mua 2 nồi hơi chính của tàu với giá 6 tỷ đồng/chiếc.
Toàn bộ số tiền mà ông Việt chuyển cho Phạm Đức Thịnh, Thịnh đã chiếm hưởng, sử dụng vào mục đích khác mà không thực hiện theo các điều khoản được nêu trong hợp đồng góp vốn; ông Trương Việt Hùng không góp khoản tiền nào theo hợp đồng đã ký.
Sau khi ký hợp đồng góp vốn và chuyển tiền, do không thấy Công ty CPTB&VT Miền Nam đưa tàu FSO Ba Vì về cảng Cái Mép tháo dỡ như thỏa thuận, ông Việt đã kiểm tra thì mới biết sự thật là con tàu này đã được bán cho phía nước ngoài. Ông Việt đã nhiều lần gặp Thịnh yêu cầu trả lại tiền.
Ngày 10-11-2015, Phạm Đức Thịnh đã lập biên bản thỏa thuận xác nhận nợ số tiền là 12 tỷ đồng với ông Phạm Văn Việt, trong đó có 10 tỷ đồng là tiền gốc và 2 tỷ đồng là tiền chi phí tài chính. Phạm Đức Thịnh cam kết đến ngày 5-1-2016 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền trên.
Khi lập biên bản xác nhận nợ ngày 20-11-2015, Phạm Đức Thịnh vẫn không thông báo cho ông Việt sự thật là tàu FSO Ba Vì đã được bán cho phía nước ngoài từ ngày 5-10-2015 và Công ty CPTB&VT Miền Nam đã nhận đủ số tiền bán tàu từ phía đối tác ngoài.
Lý do đối tượng đưa ra để lừa bị hại là không cân đối được tài chính nên mới phải bán tàu FSO Ba Vì; không đưa được tàu về cảng tháo dỡ như phương án ban đầu.
Lúc này, với mục đích lấy lại số tiền đã mất, ông Việt đồng ý ký vào biên bản xác nhận nợ ngày 20-11-2015, thời hạn thanh toán toàn bộ số tiền là ngày 5-1-2016.
Về phần Phạm Đức Thịnh, sau khi làm các thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 17-3-2016, tài khoản của Công ty CPTB&VT Miền Nam mở tại một ngân hàng trên địa bàn đã nhận được số tiền gần 15 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT từ việc bán tàu FSO nhưng Thịnh vẫn không thanh toán số tiền mà trước đó đã cam kết trả cho bị hại…
Sau nhiều lần đòi tiền bất thành, nạn nhân Việt đã làm đơn trình báo sự việc đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ án sau đó chuyển đến cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành ghi lời khai của nạn nhân Việt; đối tượng Thịnh. Đồng thời, tiến hành xem xét quy trình mua bán tàu FSO Ba Vì của Vietsovpetro; quá trình hoàn thuế VAT của Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các thủ tục giao dịch vay tiền, thế chấp tài sản đảm bảo của Công ty CPTB&VT Miền Nam… Với các tài liệu đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Đức Thịnh.
Trước khi bị Cơ quan ANĐT khởi tố bị can và bắt tạm giam, Phạm Đức Thịnh mới trả cho ông Phạm Văn Việt 4,8 tỷ đồng, chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng.
Thuê làm giấy tờ giả để đi nước ngoài
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đồng thời đã làm rõ hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép của Phạm Đức Thịnh.
Theo lời khai của Thịnh thì vào năm 2013, do có nhu cầu làm chứng minh nhân dân, hộ chiếu mang họ Phạm, đối tượng thông qua một người đàn ông đặt mua 2 loại giấy tờ trên. Sau đó, đối tượng nhận được các giấy tờ đều mang tên Phạm Văn Hiểu (SN 1969, cùng trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), có dán ảnh Phạm Đức Thịnh. Sau đó Thịnh đã sử dụng giấy tờ này để đi nước ngoài và đăng ký làm đại diện pháp luật cho một công ty.
Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ hai khẩu súng cùng 6 viên đạn. Tại cơ quan Công an, đối tượng cho biết, vào năm 2017, sau khi bị bắn trọng thương, anh ta thường thấy có một số người bám theo, không rõ mục đích trong dịp ra Hải Phòng thăm gia đình. Cũng chính vì thế, Thịnh đã lên Lạng Sơn mua hai khẩu súng trên của một người không quen biết với giá 20 triệu đồng. Sau khi nhận 2 khẩu súng và đạn trên, đối tượng để ở nhà…
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã vận động gia đình bị can Phạm Đức Thịnh tự nguyện nộp số tiền 5,2 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]