Bi kịch vì làm giả đơn ly hôn để… dọa vợ

Sự kiện: Tin pháp luật

Không chỉ bản thân vướng vào vòng lao lý mà bị cáo còn kéo thêm hai người khác phải hầu tòa.

Mới đây, TAND TP Thái Bình (Thái Bình) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Vũ Mạnh Linh 12 tháng tù, Nguyễn Thị Ngọc và Trần Thị Loan cùng chín tháng cải tạo không giam giữ về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Điều hy hữu là nguyên nhân phạm tội của bị cáo Linh chỉ xuất phát từ lý do để hù dọa vợ trong lúc mâu thuẫn.

Làm giả đơn ly hôn

Theo đó, do mâu thuẫn với vợ là chị NTH (hiện đang lao động xuất khẩu tại Nhật Bản) nên bị cáo Linh nảy sinh ý định làm giả quyết định thuận tình ly hôn để dọa vợ. Tháng 3-2018, Linh đến nhà bị cáo Ngọc hỏi mượn quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa Ngọc và chồng cũ để về làm giả. Mặc dù biết ý định của Linh nhưng Ngọc vẫn đồng ý.

Tiếp đó, Linh mang tờ quyết định ly hôn của Ngọc đến nơi làm việc, dựa trên nội dung quyết định này soạn thảo ra một quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận giữa các đương sự, mang danh TAND huyện Vũ Thư (Thái Bình), ghi nguyên đơn là Vũ Mạnh Linh, bị đơn là NTH.

Sau đó Linh dùng điện thoại di động chụp ảnh con dấu và chữ ký thẩm phán trên tờ quyết định mượn của Ngọc chuyển tải vào máy tính, ghép vào tờ quyết định Linh vừa soạn thảo.

Do không biết căn chỉnh về độ sáng, độ nét và xóa mờ những vết đen ở tờ quyết định giả, Linh đã gặp và nhờ bị cáo Loan chỉnh sửa giúp. Loan biết Linh đã có vợ, chưa ly hôn và tờ quyết định trên là do làm giả để dọa vợ nhưng vì cả nể nên bị cáo vẫn sử dụng phần mềm Photoshop giúp Linh.

Bị cáo Linh tiếp tục nhờ một đồng nghiệp in màu quyết định trên thành hai bản, sau đó mang về nhà chụp ảnh bằng điện thoại và gửi qua mạng xã hội Facebook cho vợ. Thấy vậy, chị H. gọi điện thoại nói với mẹ chồng về sự việc trên. Sau đó chính mẹ của bị cáo đã mang hai bản quyết định ly hôn mà Linh làm giả giao nộp cho cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ.

Ngày 11-4-2018, CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định. Kết luận giám định cho thấy hình dấu tròn và chữ ký thẩm phán trên quyết định mà Linh làm giả là do sao chụp lại.

Bi kịch vì làm giả đơn ly hôn để… dọa vợ - 1

Tòa tuyên nặng hơn VKS đề nghị

Tại tòa, cả ba bị cáo Linh, Ngọc và Loan đều khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng truy tố. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Linh từ sáu đến chín tháng tù, hai bị cáo còn lại từ sáu đến chín tháng cải tạo không giam giữ.

Khi nói lời sau cùng, Linh thừa nhận do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên đã làm giả quyết định ly hôn mục đích chỉ để dọa vợ, chứ không còn ý định nào khác. Bị cáo phạm tội lần đầu, vợ đi làm ăn xa, đang phải nuôi con nhỏ và rất hối hận về hành vi của mình. Do vậy đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy hành vi trên của các bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan pháp luật, đặc biệt là cơ quan tòa án trong hoạt động chuyên môn. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo để cải tạo, giáo dục và cho các bị cáo thấy sự nghiêm minh của pháp luật.

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo không có sự bàn bạc từ trước mà thực hiện hành vi phạm tội một cách bột phát, tuy nhiên để có hình phạt phù hợp cần phân hóa vai trò từng bị cáo. Trong đó, Linh giữ vai trò chính, Ngọc và Loan giữ vai trò thứ hai trong vụ án.

Đối với Linh, HĐXX cho rằng cần áp dụng mức hình phạt tù có thời hạn mới có tác dụng răn đe, cải tạo, giáo dục. Hai bị cáo còn lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội.

Sau sơ thẩm, Linh đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Dự kiến phiên phúc thẩm sẽ được mở vào ngày 16-1 tới.

Tội làm giả con dấu, tài liệu

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

(Trích Điều 341 BLHS 2015)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN