Bi kịch từ những gia đình không hạnh phúc
Liên tiếp trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng bắt nguồn từ mâu thuẫn vợ chồng. Hệ lụy của những vụ án đau lòng này không chỉ khiến những người trong cuộc kẻ vào tù, người vào vòng lao lý mà còn để lại những hệ lụy dai dẳng khi những đứa trẻ bơ vơ có bố thì không có mẹ, với những vết thương về tâm hồn không thể xóa nhòa.
Mâu thuẫn đổ thuốc sâu sát hại cả gia đình
Cho tới bây giờ, Triệu Văn Thái (SN 1974, trú tại thôn Trục Ngoại, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), đối tượng gây ra vụ giết người xôn xao dư luận vào những ngày giữa năm 2020, vẫn không lý giải nổi vì sao anh ta lại có một ý nghĩ tàn độc đến như vậy. Trong vụ án này, hậu quả chết người chưa xảy ra là ngoài ý muốn của bị can do được phát hiện kịp thời, bằng không, Thái sẽ ân hận suốt đời bởi sự nóng giận của anh ta.
Triệu Văn Thái và chị Bàn Thị Chanh (SN 1980, trú tại địa chỉ trên) đến với nhau từ năm 1998. Sau khi kết hôn, vợ chồng Thái được bố vợ là ông Bùi Văn Chi cho miếng đất ở gần nhà ông Chi để làm ăn sinh sống... Hai cậu con trai liên tiếp chào đời, cuộc sống kinh tế vốn đã khó khăn càng thêm eo hẹp. Nhưng thay vì phải chí thú làm ăn thì Thái lại chỉ nghĩ đến việc ăn chơi. Anh ta lúc nào cũng chìm ngập trong men rượu. Cũng vì thế mà mâu thuẫn giữa hai vợ chồng xảy ra như cơm bữa. Và mỗi lần như vậy, Thái đều "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ".
Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đưa ra xét xử một vụ án giết vợ cũ tại Yên Bái.
Thấy con gái thường xuyên bị chồng đánh đập, ông Chi vì không kiềm chế được đã có lần chửi, ném đá vào nhà đuổi Thái đi vì ngôi nhà vợ chồng Thái ở làm trên mảnh đất ông cho.
Khoảng 19h ngày 27-5, Thái uống uống rượu tại lán của anh Bàn Văn Dũng (trú tại địa chỉ trên) cùng với anh Trương Văn Tâm, đều là người cùng thôn. Đến khoảng 21h cùng ngày, Thái về nhà ăn cơm, lúc này, trong nhà của Thái chỉ có hai con là Triệu Văn Sơn (SN 2001) và Triệu Văn Trường (SN 2004) đang nằm trên giường. Có men rượu trong người, Thái lại nghĩ đến việc mâu thuẫn với vợ là Bàn Thị Chanh từ hôm trước và bị bố vợ đuổi ra khỏi nhà. Lúc ấy, Thái nghĩ đến việc trả thù.
Khi đi từ trên bếp xuống nhà, Thái thấy chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu "Laggote 210 SL" loại 900ml đã sử dụng còn lại một nửa để ở góc bếp. Thái đi đến chạn bát, mở vung chảo rán đổ một lượng thuốc trừ cỏ cho vào thức ăn, nước uống. Sau đó, đối tượng tiếp tục cầm chai thuốc trừ cỏ đi đến téc nước sinh hoạt của gia đình ông Chi, cách nhà Thái khoảng 20m; mở téc, đổ thuốc vào bên trong téc một lượng thuốc trừ cỏ rồi cầm chai thuốc trừ cỏ về cất ở vị trí cũ rồi đi đến lán của anh Dũng ngủ qua đêm.
Khoảng 5h ngày 28-7, chị Bàn Thị Lan, là con gái ông Chi thức dậy, sử dụng téc nước của gia đình để đánh răng. Trong quá trình này, chị phát hiện nước chảy ra chậu có nhiều bọt và mùi lạ, nghi ngờ nước có chất độc nên đã gọi mọi người trong gia đình đến kiểm tra. Cùng thời điểm này, chị Chanh phát hiện trong lòng chảo đậu rán và can dầu ăn tại bếp gia đình chị Chanh có chất lỏng màu xanh...
Gia đình đã nghi ngờ Triệu Văn Thái là người đổ chất độc vào thức ăn, téc nước, đã trình báo sự việc đến cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận thông tin, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với Công an huyện Văn Yên vào cuộc đấu tranh đã làm rõ hành vi phạm tội của Triệu Văn Thái.
Trước đó, cũng chỉ vì ghen tuông mù quáng, người chồng đã ra tay cướp đi mạng sống của người vợ. Trường hợp của Hà Văn Tiếp (SN 1988, trú tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là một ví dụ. Vụ án vừa được đưa ra xét xử và Tiếp phải trả giá đắt với bản án nhiều năm tù về tội giết người. Tiếp và chị Lường Thị Bảo Châu (SN 1993) đăng ký kết hôn từ năm 2015 và có với nhau 3 mặt con. Cũng bởi cuộc sống khó khăn mà Châu đã phải đi làm ăn xa nhà, cũng chính vì thế mà Tiếp đã nhiều lần ghen bóng, ghen gió, không muốn cho vợ đi làm ăn xa.
Khoảng 16h ngày 15-6, khi Tiếp và Châu cùng ở nhà thì hai bên đã xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Vì ghen tuông mà Tiếp không muốn cho vợ đi làm thuê tại Khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên. Trong lúc cãi nhau, Tiếp lấy chiếc ba lô và túi xách của chị Châu chuẩn bị để mang đi làm ném xuống ao. Trước thái độ của chồng, chị Châu đã tiếp tục đôi co rồi thách thức chồng giết mình. Trong lúc tức giận, Tiếp đã dùng hung khí, tước đoạt mạng sống của người vợ.
Khi thấy chị Châu nằm gục trên nền nhà, đối tượng đi về hướng xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với ý định kết liễu đời mình. Đến khoảng 17h cùng ngày, vợ chồng chị gái Tiếp là Hà Kim Thi và Hà Văn Lâm đến nhà Tiếp lấy củi đã phát hiện chị Châu tử vong tại nhà. Sau đó, chị dâu Tiếp là Hà Thị Thương cũng đến và biết được sự việc đau lòng vừa xảy ra. Chị Thương đã khuyên can Tiếp đến cơ quan Công an đầu thú. 18h45 phút ngày 15-6, Tiếp đã đến Công an thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Chặn đứng mầm mống từ cơ sở
Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 85 vụ giết người, trong đó có đến 81/85 vụ, chiếm 93% giết người do nguyên nhân xã hội, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn. Trong đó có những vụ án xuất phát từ rượu, từ những mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết triệt để. Đáng xót xa là có những vụ án thời gian từ khi phát sinh mâu thuẫn đến khi xảy ra án mạng đau lòng rất ngắn. Vụ trọng án xảy ra tại thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một ví dụ.
Đối tượng Lê Đức Hạnh.
Năm 2010, Lê Đức Hạnh (SN 1977, trú tại thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, Yên Bái) kết hôn với chị Nguyễn Thị Ngọc (ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái) và có một con chung là cháu Lê Gia Bảo (SN 2010). Quá trình sinh sống, Hạnh thường xuyên say rượu, đánh đập vợ con nên chị Ngọc đã làm đơn xin ly hôn. Ngày 18-10, Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đã giải quyết ly hôn.
Nhưng sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, Hạnh thường xuyên đến gặp chị Ngọc xin quay lại chung sống nhưng nạn nhân kiên quyết cự tuyệt. Vào khoảng 14h ngày 3-2, sau khi ăn uống, Hạnh lại tiếp tục về ki ốt ở tổ 4, phường Minh Tân, là nơi chị Ngọc sống cùng với cháu Bảo để nói chuyện, xin lỗi và muốn hàn gắn tình cảm nhưng chị Ngọc vẫn kiên quyết cự tuyệt...
Do bực tức vì bị đuổi, Hạnh đã lấy con dao ở tại hiện trường vụ án, bất ngờ chém liên tiếp về phía chị Ngọc... Rất may nhờ được những người xung quanh giúp đỡ, nạn nhân đã may mắn thoát chết.
Lý giải về nguyên nhân của các vụ giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Sự phát triển của kinh tế cũng làm phát sinh nhiều mặt trái và hệ lụy.
Cùng với đó, sự khác biệt về văn hóa vùng miền, dân tộc, việc thâm nhập của nhiều loại ma túy mới, còn là sự du nhập của các loại sách, báo, phim, ảnh và đồ chơi mang tính bạo lực, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giáo dục nhân cách sống; tạo ra lối sống buông thả, đặc biệt là thanh niên, gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn; hoạt động của các băng nhóm tội phạm như vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ... cũng là một trong rất nhiều nguyên nhân làm phát sinh các vụ trọng án.
Để công tác phòng ngừa với các vụ án trên có hiệu quả, tránh để các vụ án đau lòng có thể xảy ra, theo lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái thì cần phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và quản lý nghiệp vụ. Đối với phòng ngừa xã hội cần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho nhân dân.
Với đặc điểm của tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh, đặc biệt là Công an cấp cơ sở cần đề ra hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực; lựa chọn các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, thôn, bản, khu dân cư, tổ dân phố phù hợp với từng lứa tuổi, loại tuổi, loại đối tượng cụ thể. Các hình thức phải đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ...
Thông qua công tác quản lý nghiệp vụ, lực lượng Công an cơ sở cần chủ động nắm tình hình và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng và củng cố các tổ chức hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, giải quyết một cách triệt để, thỏa đáng những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để từ mâu thuẫn nhỏ thành lớn kéo dài và phát sinh tội phạm; có biện pháp ngăn chặn để không tội phạm xảy ra.
Cùng với đó cần là tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ, nắm bắt các đối tượng hoạt động băng nhóm, bảo kê, đòi nợ; quản lý hành chính, quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý cư trú nhằm phát hiện các đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí, đối tượng trọng điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật để lập hồ sơ xử lý. rong đó, đặc biệt chú ý đến các đối tượng bạo hành gia đình, đối tượng nghiện rượu và ma túy, có như vậy hậu quả đau lòng của các vụ án sẽ không xảy ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ những mâu thuẫn tích tụ đã lâu, trong cơn ghen bột phát, N.V.H.L (SN 1995, quận 7, TP HCM) đã vung dao đoạt mạng người...