Bi kịch gia đình và đứa con trai giết mẹ
Phiên toà nhiều nước mắt và nỗi đau giằng xé nhất của gia đình người bị hại.
Bi kịch gia đình
Cái nóng hầm hậm trong buổi sáng giữa tháng 6 dường như nóng hơn với cảnh đoàn người lũ lượt kéo đến dự phiên toà xét xử lưu động vụ án giết người tại sân UBND xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng.
Nơi hàng ghế đầu giành cho người nhà bị hại cũng chính là người nhà của bị cáo gồm 5 anh em ruột cùng con cháu mà trên gương mặt ai cũng đong đầy nước mắt.
Phiên toà xét xử tội giết người đối với bị cáo Trần Minh Công trong buổi sáng hôm ấy không hề có lòng thù hận, mà thay vào đó là nỗi xót xa dành cho bị cáo.
Bà Mai, chị gái của Công khóc tại toà xin giảm nhẹ hình phạt cho em.
Cả những thẩm phán và kiểm sát viên của HĐXX cũng đều có chung nhận xét đây là phiên toà đặc biệt mà lần đầu tiên họ xét xử. Bởi bị cáo mang trọng tội giết người mhưng dường như ở đó không có lòng thù hận mà chỉ có nỗi đau dằng xé tâm can.
Sinh ra trong gia đình làm nông nghèo khó, lớn lên Công lập gia đình và sinh được hai cô con gái. Cuộc sống khó khăn, người vợ của Công bỏ hai con nhỏ và ra đi biệt tăm.
Một mình Công gồng gánh nuôi hai con. Nhiều năm sau đó, bất ngờ người vợ đoạn tình khi xưa đột ngột quay trở về với một đứa con nhỏ. Bỏ ngoài tai bao lời thị phi đàm tiếu, Công đón nhận vợ quay lại với gia đình mà như lời Công khai trước toà là mong muốn những đứa con có mẹ.
Tuy nhiên, anh chị em trong gia đình Công đã phản đối và không chấp nhận Công chung sống với người vợ bội phản.
Mâu thuẫn bắt đầu khi nghe Công có ý định tách hộ để làm sổ đỏ nhà riêng. Những người anh em của Công lại kịch liệt phản đối. Bởi họ sợ khi đã có nhà riêng, vợ Công lại đem đi bán rồi bỏ đi lần nữa thì 3 cha con Công biết phải sống thế nào.
Chính từ sự phản đối kịch liệt này đã dẫn Công đến con đường phạm tội giết người, mà nạn nhân chính là mẹ ruột của mình…
Và bản án lương tâm
Chủ toạ phiên toà hỏi: Tại sao bị cáo giết mẹ? Phía sau vành móng ngựa, bị cáo Công ôm mặt khóc oà: "Mẹ ơi, con không giết mẹ!".
Sau phút giây được trấn an từ HĐXX, bị cáo Công bắt đầu khai nhận mà nói đúng hơn là kể lại quá trình gây án và cái chết đau lòng của người mẹ do chính mình gây ra…
Đó là vào một buổi trưa cách đây hơn một năm. Chính xác là vào lúc 11h ngày 26/4/2011, đang đi làm thì Công nhận được điện thoại của vợ nói bà Trần Thị Kim Mai (chị ruột Công) gọi điện thoại chửi bới về việc vợ chồng Công có âm mưu đưa cha ruột về nhà Công là để tranh giành đất.
Nghe vậy, Công bực tức bỏ việc về nhà để gặp chị ruột hỏi cho ra lẽ. Khi về nhà, thấy xe hết xăng, Công ra quán tạp hóa gần nhà mua 3 lít xăng mang về đổ vào xe 2,5 lít, nửa lít còn lại Công định để dùng vào việc khác.
Đến khoảng 13h cùng ngày, khi nghe bà Mai lớn tiếng trong phòng khách, Công bực tức cầm bịch xăng vào dọa sẽ đốt nhà và ném bịch xăng còn lại xuống phòng khách nơi bà Mai đang ngồi.
Thấy đứa em trai không nghe lời anh em lại đòi đốt nhà, bênh vợ, nên bà Mai xông vào túm tóc Công và chửi mắng là đồ bạc nhược, bất hiếu...
Quá nóng giận, Công lấy hộp quẹt ga trong túi quần ra, mọi người trong nhà thấy vậy chạy lại ôm Công và rơi hộp quẹt xuống nền nhà. Công liền chồm đến chụp lấy quẹt gas và dùng tay trái bật lửa vào chỗ xăng chảy trên nền nhà, ngọn lửa bùng lên bao trùm cả phòng khách.
Toàn bộ những người có mặt trong phòng khách gồm Công, bà Mai, ông Tư cha Công cùng người vợ bỏ chạy ra ngoài. Nhưng nơi phòng khách còn người mẹ già nua của Công không kịp chạy ra.
Phiên toà chùng xuống khi vị chủ toạ phiên toà hỏi: Mẹ của bị cáo chết như thế nào? Ôm mặt oà khóc một lúc lâu, bị cáo Công kể trong nước mắt: "Lúc đó bị cáo bước vào nhà với tâm trạng nóng giận nên không để ý có mẹ mình ở trong".
"Khi lửa cháy, mọi người chạy ra ngoài. Chị Mai nói: Cứu mẹ, mẹ còn ở trong đó. Bị cáo chạy vào hai lần nhưng không cứu được vì lửa quá to. Đến lần thứ ba bị cáo liều mạng chạy vào đám lửa bồng được mẹ ra thì mẹ đã ngất xỉu vì bị bỏng quá nặng và chết sau khi đưa đi bệnh viện…".
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Minh Công 9 năm tù giam về tội "Giết người", thấp hơn mức Viện kiểm sát đề nghị 3 năm.