Bi kịch của nữ đồng tính yêu người đã có chồng
Bị người yêu đồng giới chia tay, Phương (ngụ TP.HCM) đến nhà nói chuyện để mong nối lại tình cảm. Khi đi, người này mang theo 4 con dao.
Án mạng đau lòng
Hồ Thị Bích Phương (28 tuổi) là con đầu trong một gia đình có 3 người con ở quận 4, TP.HCM. Lớn lên, mặc cảm vì giới tính thứ 3 nên Phương nghỉ từ năm lớp 11 rồi đi học nghề may. Năm 2004, Phương quen biết với chị Phạm Thị G., khi 2 người học chung trong một lớp thiết kế thời trang.
Mặc dù biết chị G. đã có gia đình và con nhỏ nhưng Phương vẫn thầm yêu trộm nhớ và tìm cách tán tỉnh. Cô ta thường xuyên đến nhà chị G. chơi, cùng chị đi chợ nấu ăn, đưa đón con đi học...
Cảm mến trước tình cảm chân thành đó, đến năm 2007, chị G. gật đầu đồng ý mối tình đồng giới, kể từ đó quan hệ của 2 người ngày càng thân thiết hơn.
Đến năm 2011, gia đình chị G. phát hiện chuyện tình ngang trái nên cấm chị không được qua lại với Phương. Nghe lời người thân, chị G. lánh mặt người tình.
Nhiều lần tìm cách nối lại tình cảm nhưng bất thành, khoảng 5h sáng ngày 14/7/2011, Phương đón xe ôm đến nhà chị G. ở phường Tân Quy, quận 7 để nói chuyện. Khi đi Phương mang theo 3 con dao Thái Lan và 1 dao phay với mục đích nếu chị G. không chịu nối lại tình xưa thì sẽ tự sát.
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Đến nơi, Phương ngồi đối diện trước cổng nhà chị G. Trong lúc chờ đợi, người này nhặt thêm một cây sắt ở đống phế liệu bên đường giấu vào người.
Khoảng 5h30 cùng ngày, nhìn thấy cha của chị G. là ông Phạm Văn Năm ra mở cổng, Phương liền chạy đến xin gặp người tình. Vốn không đồng ý mối quan hệ này, lại thấy cô ta cầm cây sắt ông Năm liền truy hô và đánh vào vai trái và sau gáy làm rơi kính cận Phương đang đeo. Phương giật lại cây sắt và đánh vào đầu ông Năm.
Trong lúc vật lộn, cô gái rút dao đâm liên tiếp 5 nhát vào người ông khiến nạn nhân gục xuống. Khi nghe tiếng kêu cứu của cha, chị G. chạy ra đè Phương xuống đất nhưng bị người này đâm nhiều nhát vào người.
Chồng chị G. là anh Đinh Văn Kiệt hô hoán, kêu cứu mọi người. Anh Phạm Ngọc Thanh đang uống cà phê gần đó chạy vào đá con dao mà hung thủ đang cầm trên tay rồi khống chế bắt giữ. Hai nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ông Năm đã tử vong, còn chị G. bị thương tật vĩnh viễn 17%.
Giọt nước mắt hối hận muộn màng
Đầu năm 2014, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Đứng trước vành móng ngựa, nữ bị cáo với mái tóc cắt ngắn, mặc áo sơ mi nam và giọng nói như một người đàn ông thực thụ.
Phương lí nhí khai sáng hôm đó đến nhà chị G. để xin được nối lại chuyện tình cảm chứ không hề có ý định sát hại ông Năm và đâm người tình trọng thương. Vì ông Năm tấn công trước khiến bị cáo không kiềm chế được bản thân.
Phương nức nở khi bị tuyên án tử hình.
Luật sư bào chữa của Phương cho rằng người đồng tính thường có cuộc sống khép kín và luôn mang tâm trạng tự ti, mặc cảm. Họ chỉ có tình cảm với người đồng giới, nên khi tìm được một người để yêu thương, sẻ chia là niềm hạnh phúc lớn lao. Khi mất người yêu là họ xem như mất tất cả.
Vì thế khi bị chị G. đột nhiên xa lánh, bị cáo đã rơi vào tâm trạng hụt hẫng, thất vọng. Trong trạng thái tột cùng đau khổ đó Phương tìm đến nhà chị G. với hy vọng mong manh nối lại tình cảm. Vị luật sư cho rằng trong vụ án đau lòng này bị hại là ông Năm cũng có một phần lỗi khi đã tấn công Phương trước để rồi trong một phút hoảng loạn, mất bình tĩnh bị cáo dùng dao tự vệ dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Tuy nhiên đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng nếu bị tấn công trước thì bị cáo có nhiều cách để tự vệ, như kêu cứu hay bỏ chạy chứ không phải bị đánh là có quyền cầm dao đâm người. Hơn nữa, nếu gặp chị G. để nối lại tình cảm thì tại sao khi chị này chạy ra can ngăn thì bị cáo lại cầm dao đâm vào người tình?
Khi được nói lời sau cùng, Phương khóc nức nở xin lỗi người mẹ già đang sụt sùi lau nước mắt phía sau. Nữ bị cáo này cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình chị G. và mong tha thứ cho những tội ác mà mình đã gây ra.
Cuối cùng, Phương mong HĐXX xem xét tuyên mức án nhẹ nhất để có thể trở về làm lại cuộc đời. HĐXX nhận thấy hành vi của Phương là dã man, không còn khả năng cải tạo, vì thế đã tuyên mức án tử hình.