Bi kịch của người vợ bị chồng “cắm sừng”, hành hạ: Bản án gây tranh cãi
Khi người phụ nữ bắt đầu thụ án chung thân vì tội giết chồng, vụ án của cô đã được lật lại.
Sau 10 năm liên tục bị hành hạ, Kiranjit Ahluwalia đã vùng lên phản kháng bằng việc đổ xăng đốt chồng. Vụ án này không chỉ gây rúng động dư luận nước Anh mà còn được quan tâm trên toàn thế giới. |
Tội ác gây tranh cãi
Trong cơn thịnh nộ đã kìm nén suốt 10 năm, Kiranjit Ahluwalia lặng lẽ đến gần người chồng đang ngủ say với lửa và một can xăng. Deepak Ahluwalia bị bỏng nặng hơn 40% cơ thể và qua đời tại bệnh viện còn Kiranjit bị bắt với cáo buộc giết người.
Ảnh: Kiranjit Ahluwalia (thứ hai từ trái sang) vui mừng sau khi tòa án chấp nhận lời bào chữa về tội ngộ sát.
Tại phiên tòa vào tháng 12/1989, bên công tố lập luận rằng mặc dù vào đêm xảy ra sự việc, Kiranjit bị chồng đánh và đe dọa bằng bàn là nóng, nhưng việc cô đợi cho đến khi chồng đi ngủ là bằng chứng cho thấy cô đã có thời gian để "hạ nhiệt" và cân nhắc hành động của mình một cách cẩn thận chứ không phải là khoảng thời gian “sôi sục” như lời luật sư bào chữa.
Ngoài ra, bên công tố cho rằng kiến thức của Kiranjit về việc trộn xút với xăng để tạo ra bom napalm không phải là kiến thức phổ biến và là bằng chứng cho thấy cô đã lên kế hoạch giết chồng.
Trong khi luật sư bào chữa không đưa ra được lập luận mạnh mẽ về những hành vi bạo lực mà Kiranjit đã phải chịu đựng, thì bên công tố cho rằng Kiranjit bị thúc đẩy bởi sự ghen tuông do chồng nhiều lần ngoại tình chứ không phải là do bị khiêu khích.
Bị cáo 34 tuổi phủ nhận cáo buộc và khẳng định dù "muốn làm tổn thương" chồng nhưng không có ý định giết anh ta. Dù vậy, bồi thẩm đoàn vẫn kết luận Kiranjit phạm tội giết người và tuyên án chung thân.
Khi Kiranjit bắt đầu thụ án chung thân, vụ án của cô đã được một tổ chức vì quyền phụ nữ tiếp nhận. Chiến dịch và sự nỗ lực của họ đã giúp vụ việc được đưa ra trước Tòa phúc thẩm.
Bản án được lật lại
Trong một quyết định mang tính bước ngoặt vào năm 1992, bản án sơ thẩm được tuyên bố là không thỏa đáng. Chánh án ra lệnh xét xử lại, chỉ đạo tòa xét xử xem xét lịch sử lạm dụng gia đình và tác động tâm lý được thể hiện từ các bằng chứng y tế, mà đỉnh điểm là việc bị cáo giết kẻ ngược đãi cô.
Tháng 9/1992, Kiranjit xuất hiện trở lại trước tòa sơ thẩm. Nhóm luật sư mới đã trình giám định y tế cho thấy Kiranjit bị trầm cảm nặng, là hậu quả của bạo lực hôn nhân cả thể chất và tinh thần. Kiranjit phủ nhận cáo buộc giết người và nhận tội ngộ sát sau nhiều năm bị tàn phá dưới bàn tay của người chồng đã khuất.
Cuối cùng, Kiranjit bị kết án tù 3,5 năm tù giam. Người phụ nữ được thả tự do ngay tại tòa do đã thụ án đủ thời gian đó.
Sau khi được thả, Kiranjit trở thành nhà vận động chống lại bạo lực gia đình. Trường hợp của cô đã khiến các bác sĩ tâm thần hàng đầu ở Anh và Mỹ đưa ra chẩn đoán về hội chứng phụ nữ bị bạo hành. Theo đó, chứng rối loạn tâm thần có thể xuất hiện ở người phụ nữ sau nhiều năm bị bạo hành gia đình một cách tàn bạo, bao gồm tra tấn thể xác, bạo lực tình dục và lạm dụng tâm lý.
Vụ án của Kiranjit cũng giúp thay đổi luật pháp dành cho nạn nhân bị bạo hành gia đình ở Vương quốc Anh cũng như thay đổi định nghĩa của từ "khiêu khích" trong các trường hợp phụ nữ bị đánh đập, để phân loại lại tội danh là ngộ sát thay vì giết người.
Kể từ năm 1993, vụ án của Kiranjit đã được toàn thế giới thông luật công nhận là vụ án có thẩm quyền xác định lại các khái niệm pháp lý về tự vệ, khiêu khích và giảm bớt trách nhiệm khi một phụ nữ bị bạo hành, giết chết kẻ ngược đãi cô ấy.
Kiranjit được vinh danh vào năm 2001 tại Giải thưởng Phụ nữ Châu Á đầu tiên để ghi nhận "sức mạnh, thành tích cá nhân, sự quyết tâm và cam kết" của cô trong việc giúp đưa chủ đề bạo lực gia đình ra ánh sáng.
Toàn bộ câu chuyện về cuộc đời Kiranjit đã được dựng lại trong bộ phim Provoked, được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2007.
(Hết)
-------------------
Mời quý vị đón đọc kỳ tiếp theo vào 13h ngày 18/2 trên mục Pháp luật.
Vào đêm định mệnh, người phụ nữ 34 tuổi chìm trong cơn thịnh nộ mà cô đã kìm nén suốt 10 năm qua. Tất cả nỗi đau khổ trong cuộc sống đã vượt quá sức chịu đựng của cô.
Nguồn: [Link nguồn]