Bi kịch của người phụ nữ H’ Mông tố chồng giết người

Tranh giành đất đai với em trai nhưng bất thành, Già Mí Cáy uất ức trong lòng. Cáy trút nỗi giận dữ bằng cách lừa đứa cháu trai 11 tuổi uống thuốc trừ sâu khiến cháu bé tử vong. Chứng kiến cảnh giết người, chị Mỷ, vợ của Cáy, đã lên tiếng.

Tố chồng tội giết người

Cho đến bây giờ, dư luận huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vẫn chưa hết bàn tán về câu chuyện của một người phụ nữ H’Mông đã tố tội ác của chồng. Song cũng không ít lời bàn tán cho rằng chính cô đã tự đưa chồng mình vào cảnh tù tội. PV đã tìm đến thôn Ha Cá, xã Khâu Vai, nơi gần hai năm trước là tâm điểm của câu chuyện trên.

Xen giữa những hốc đá tai mèo, hai căn nhà nằm chênh vênh trên đỉnh núi mù sương. Dân bản nơi đây bảo, căn nhà bên trái là nhà bé Già Mí Sò (nạn nhân bị sát hại). Căn bên phải là nhà Già Mí Cáy (hung thủ của vụ án, cũng chính là bác của bé Sò).

Mới 32 tuổi nhưng chị Vừ Thị Mỷ đen đúa và trên mặt hằn in những vết nhăn. Nhắc đến vụ án của chồng, sắc mặt chị Mỷ trùng xuống. Chị cho biết, hôm đó, khoảng 17h ngày 3/12/2012, chị thấy chồng uống rượu lướt khướt về nhà rồi lấy bình xịt thuốc trừ sâu trên gác. Đi xuống nhà dưới, Cáy đưa lon bò húc cho cháu Sò uống. Chị Mỷ không nghi ngờ gì nên vào bếp nấu cám cho lợn. Đến tối, gia đình em chồng đưa cháu Sò đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

Sau cái chết của cháu bé, cơ quan điều tra đã vào cuộc và kết quả giám định pháp y khẳng định cháu Sò bị ngộ độc thuốc trừ sâu.

Khi công an đang điều tra vụ án, người dân trong bản cho rằng, cháu bé bị ma rừng bắt nên mới chết thê thảm đến thế, có người lại bảo năm nay cháu Sò có hạn.

Còn với chị Mỷ, gần một tháng trời, chị dằn vặt bản thân, không biết có nên tố cáo chồng. Nhưng chứng kiến cảnh Cáy giết người mà vẫn ngạo mạn nên chị quyết định viết đơn tố chồng, mang bình xịt thuốc trừ sâu mà Cáy giấu để nộp cho cơ quan công an.

Bi kịch của người phụ nữ H’ Mông tố chồng giết người - 1

Hiện trường vụ án

Tủi nhục vì bị họ hàng, anh em hắt hủi

Theo người dân tại địa phương, trước đó Cáy và anh Già Mí Chứ (bố cháu Sò) có tranh cãi về việc sở hữu đất.

Nguyên nhân là do người bố trước khi qua đời đã quyết định để lại cho Chứ một căn nhà và miếng đất. Sau đó, Cáy xin được được canh tác trên mảnh đất này và được Chứ đồng ý.

Tuy nhiên, khi con cái trong nhà đông hơn, Chứ muốn lấy lại đất để canh tác thì Cáy bảo đó là đất của mình. Sự việc đã được đưa ra chính quyền thôn giải quyết. Trước khi mất, bố của hai anh em đã mời các già làng đến làm chứng. Vì thế việc tranh đất của Cáy không thành. Từ đó, Cáy cay cú và dẫn tới vụ án trên.

Theo chị Mỷ, gia đình chị trước đó rất hạnh phúc. Mỗi khi Cáy say rượu nằm bụi ngoài đường, dù trời nắng chang chang hay mưa gió, người ta vẫn thấy Mỷ cầm chiếc ô màu xanh che nắng, che mưa cho chồng. Nhiều người nghĩ rằng tình cảm vợ chồng Mỷ son sắt như những cột đá ở vùng đất mà xưa nay vẫn có nhiều câu chuyện tình yêu trở thành huyền thoại ấy.

Nhưng vì công lý, Mỷ phải làm thế. “Dẫu sao đó là cả một mạng người, sai thì phải chịu”, chị Mỷ vẫn lẩm bẩm câu đó mỗi khi buồn.

Từ khi chồng chịu hình phạt của pháp luật, mọi thứ trong gia đình Mỷ bị đảo lộn. Bàn ghế mục nát không ai sửa, mái nhà thủng lỗ chỗ, ngày nắng thì mặt trời rọi thẳng vào nhà, ngày mưa, trên sàn nhà ướt đẫm nhầy nhụa. Thỉnh thoảng trời có mưa bão, 6 mẹ con đều chạy núp vào góc tường tránh mưa. Chị bảo, lần trước còn thủng to hơn nhưng chị mới lấy lá rừng về lợp lại.

Bi kịch của người phụ nữ H’ Mông tố chồng giết người - 2

“Dẫu sao đó là cả một mạng người, sai phải chịu”, Mỷ vẫn hay lẩm bẩm câu đó.

Chị Mỷ kể, từ khi nộp đơn tố chồng, mọi người trong làng đều quay lưng với chị. Ngay cả những hạt ngô chị mới gieo cũng có người đào hết lên. Hay chuyện chị đi lấy cỏ bò mang về đến tận nhà rồi cũng có người đến trộm mất. Ra ngoài đường, chị bị làng xóm hắt hủi, mắng chửi.

Buồn bã, chị Mỷ dắt díu các con về gia đình bên ngoại. Những tưởng sẽ nhận được sự đồng cảm từ chính những người thân của mình nhưng chị Mỷ không ngờ họ cũng hắt hủi mẹ con chị. Chị lại ôm con về. Những đứa con của chị thấy mẹ khổ nên lần lượt bỏ học, đi làm giúp mẹ. Đầu năm 2013, vì quá mệt mỏi, chị Mỷ đã treo cổ tự tử nhưng được hàng xóm phát hiện.

Ông Giàng Mí Lùng, trưởng thôn Ha Cá cho biết, việc làm của Mỷ là một tấm gương hiếm có nhưng lại không được dân bản và người thân chấp nhận. Các cán bộ trong thôn đã nhiều lần vận động mọi người đừng đối xử tệ bạc với chị Mỷ nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì theo phong tục của người dân nơi đây, chuyện hại chồng thường bị trừng phạt nặng nề.

Kể từ khi đưa vụ việc ra ánh sáng, chị Mỷ như sống trong địa ngục tăm tối. 20 năm tù là bản án xứng đáng cho kẻ phạm tội giết người nhưng bản thân chị lại rơi vào tấn bi kịch chồng chất, ngột ngạt đến nỗi nhiều lần định quyên sinh để giải thoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN