Bị khởi tố vì... bắt trói kẻ trộm
Bắt quả tang tên trộm đang trốn trong tiệm của mình, người dân gọi điện thoại báo cho trưởng ấp ba lần không được nên đã trói tên trộm lại, đánh vài cái… Cuối cùng, người dân bị khởi tố hai tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Người bắt trộm rồi bị khởi tố là anh Nguyễn Văn Trình ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách, Bến Tre). Cha anh Trình - ông Nguyễn Văn Tập (73 tuổi, vừa nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng) cũng bị quy là đồng phạm với vai trò giúp sức. Tuy nhiên, quá trình điều tra đã xảy ra chuyện đau lòng: Ông Tập đã treo cổ tự vẫn.
Cha chết, con vướng vòng lao lý
Theo nội dung kết luận điều tra của Công an huyện Chợ Lách, 2 giờ 30 sáng 21/1, ông Tập và con trai (anh Trình) phát hiện Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đột nhập tiệm tạp hóa của gia đình. Trình đến nắm cổ áo và dùng tay đánh nhiều cái vào lưng và bụng K. Trình hỏi: “Mày con ai?”, K. không nói nên Trình nắm hai tay của K. ra sau và dẫn ra ngoài cửa tiệm. Trình gọi cha vào lấy dây ra, Trình trói K. vào cây.
Lúc này ông Tập cũng đánh K. và hỏi: “Mày con ai?” nhưng K. vẫn không trả lời. Trình lấy dây trói hai chân K. và hỏi nhưng K. vẫn không trả lời nên Trình đánh tiếp vào lưng và bụng K. Trình lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây rồi kéo lên hạ xuống nhiều lần. Đến khi K. khai mình là con của ai, từng vào tiệm lấy trộm bốn lần thì Trình không kéo lên hạ xuống nữa.
Đến 4 giờ 40 sáng, Trình gọi điện thoại báo cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình) đến và đưa tên trộm về trụ sở ấp làm việc.
Bức thư tuyệt mệnh được cho là của ông Nguyễn Văn Tập, cha anh Trình, để lại.
Ảnh: Hoàng Nam
Sau đó Trình bị khởi tố (cho tại ngoại) về tội bắt, giữ người trái pháp luật. Cơ quan điều tra cũng xác định đủ cơ sở kết luận ông Tập là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trình. Sau nhiều lần bị mời làm việc, đến ngày 17-8, ông Tập treo cổ chết tại nhà riêng.
Anh Nguyễn Văn Trình diễn tả lại vụ việc. Ảnh: Hoàng Nam
Báo trưởng ấp không được mới tra hỏi
Theo lời kể của anh Trình, khuya hôm xảy ra vụ việc, ngay sau khi bắt K., vì không biết số công an xã nên anh có gọi điện thoại cho ông Luyến trưởng ấp để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy. (Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Luyến xác nhận khuya đêm đó có nhận mấy cuộc gọi số lạ nên ông không bắt máy.)
“Sợ tên trộm chạy nên tôi có bấu mạnh 10 đầu ngón tay xuống hai bên vai để giữ, tôi hỏi tên trộm con ai, lấy trộm mấy lần nhưng nó không nói. Khoảng nửa tiếng sau, tôi nhờ cha lấy giùm sợi dây dù và trói tên trộm. Do bực mình vì mấy lần trước bị mất trộm nhiều tiền nên tôi có đánh tên trộm mấy cái” - anh Trình kể.
Anh Trình cũng thừa nhận anh có quăng một đầu dây vướng vào nhánh cây, đầu còn lại buộc vào tay K. và kéo K. mấy cái cho đau để K. phải khai con ai. “Tuy nhiên, tôi chỉ đánh và kéo nhẹ tay vì sợ làm mạnh có thể nguy hiểm đến tính mạng tên trộm” - anh Trình nói. (Lúc bắt K., cả cha con anh Trình đều không biết K. là ai, tên gì, con ai, ở đâu - PV)
“Vụ việc cũng đã lỡ rồi, tôi biết do mình không hiểu biết về luật nên mới ra cớ sự này. Vừa rồi tôi cũng đã phụ tiền thuốc 10 triệu đồng cho gia đình em K. Tôi cũng đã làm đơn xin miễn trách nhiệm hình sự để có điều kiện lo cho gia đình, rất mong được cơ quan các cấp xem xét giúp đỡ” - anh Trình cho biết.
* * *
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Toàn, Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách, nói kết luận điều tra của Công an huyện Chợ Lách là đúng pháp luật. Theo ông Toàn, việc anh Trình có gọi điện thoại cho trưởng ấp (nhưng trưởng ấp không nghe máy) không ảnh hưởng gì đến việc khởi tố anh Trình tội bắt, giữ người trái pháp luật.
Anh Trình bên bàn thờ của cha. Ảnh: Hoàng Nam
“Hoàn cảnh anh Trình hiện rất khó khăn, hậu quả để lại cho bị hại không nghiêm trọng, em K. chỉ bị chấn thương phần mềm và gia đình không có yêu cầu giám định thương tích. Tuy nhiên, qua xem xét chúng tôi thấy cần thiết phải truy tố vì hành vi bắt, giữ người trái pháp luật đã thể hiện rõ, có thể trong quá trình xử lý sẽ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để lượng hình” - ông Toàn nói.
Vì sao ông Tập tự vẫn? Được biết sau khi xuất ngũ, ông Tập từng là cán bộ UBND xã Vĩnh Bình và mới đây ông vừa nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Sau khi ông Tập mất, gia đình anh Trình có cung cấp cho chúng tôi một tờ giấy viết tay được cho là thư tuyệt mệnh của ông Tập để lại. Nội dung thư có đoạn: “Tôi báo gia đình đừng buồn, tôi không còn đường nào khác phải chết (…) Khi tôi chết công an đến mổ xẻ thì nói tôi muốn chết, không ai giết tôi (…) Tôi không còn lao động nổi, làm khó khăn gia đình. Lắm khi bị tai biến càng khó nhiều hơn nữa”. Theo Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách Huỳnh Văn Toàn, cách vài ngày trước khi ông Tập chết, cơ quan điều tra có mời ông lên làm việc. Qua xác minh từ gia đình, do ông Tập lớn tuổi, lại thường xuyên đau bệnh, cộng với buồn bực chuyện bản thân bị vướng vào vụ án là nguyên nhân dẫn đến vụ tự vẫn. ________________________________________ Bắt trộm đêm khuya, làm sao để không bị tội? . Phóng viên: Thưa ông, trong trường hợp người dân bắt trộm, nhất là bắt trộm vào giữa đêm khuya, thì họ phải làm thế nào để không bị tội bắt, giữ người trái pháp luật? + Ông Huỳnh Văn Toàn (Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách): Tôi không nhớ rõ điều mấy trong BLTTHS nhưng bắt người phạm tội quả tang thì người bắt phải đem liền tên trộm đến cơ quan chức năng. Nhưng trong luật thì không ghi rõ “liền” là ngay tức khắc hay là mấy tiếng đồng hồ sau. . Giả định người dân đưa tên trộm đến cơ quan chức năng, giữa đường tên trộm vùng vẫy và bị nạn chết thì lỗi đó thuộc về ai, thưa ông? + Tất nhiên có thể bằng cách nào đó nhưng thẩm quyền bắt giữ chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền. . Dân bắt trộm quả tang giữa đêm khuya vắng người nhưng không được trói, lỡ tên trộm chạy thoát thì sao? + Cái này phải suy nghĩ thêm, theo quy định thì chỉ có lực lượng chức năng mới được còng, người dân không được còng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, người dân khi bắt trộm thì cũng phải như thế (được còng - PV). . Nếu là ông, trong trường hợp vụ án nói trên, sau khi phát hiện tên trộm, gọi ba lần nhưng trưởng ấp không bắt máy và sợ tên trộm trốn thoát thì ông sẽ làm gì? + Theo tôi, sau khi bắt trộm, gia đình cùng với lối xóm phải đưa tên trộm đến công an ấp, công an ấp phải đưa về công an xã. Một là phải dẫn đi, hai là phải giữ đó rồi thông báo, nếu thông báo không được thì phải có biện pháp đi, chạy đến lực lượng chức năng. . Xin cảm ơn ông. _______________________________________ Áp dụng tội danh không ổn Nếu một người có hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác trái pháp luật thì có thể bị xử lý về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS. Tuy nhiên, người phạm tội quả tang hoặc người bị truy nã thì ai cũng có quyền bắt và giao nộp cho cơ quan công an để xử lý. Hầu hết trong các vụ bắt được trộm, đối tượng bị bắt bao giờ cũng bị đánh đập. Khi xử lý, hầu hết cơ quan tố tụng đều thông cảm tâm lý nóng nảy, bức xúc nên thường cho qua. Tuy nhiên, sự thông cảm chỉ ở một chừng mực nhất định, nếu thương tật gây ra là nghiêm trọng hoặc xảy ra những hậu quả nghiêm trọng khác thì sẽ xem xét xử lý người đã đánh đập, hành hạ đối tượng trộm cắp. Trong vụ này, việc bắt trộm của cha con anh Trình và giao cho chính quyền là đúng. Tuy nhiên, quá trình bắt, giữ, cha con anh Trình đã đánh, cột, treo người bị bắt là không đúng. Nếu cha con anh Trình đánh đối tượng trộm gây thương tích nghiêm trọng thì cơ quan CSĐT có thể trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật để xem xét về tội cố ý gây thương tích hoặc tội danh khác phù hợp. Còn nếu hậu quả hai cha con anh Trình gây ra không nghiêm trọng thì không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì nguyên nhân vụ việc xuất phát từ sự bức xúc do đối tượng trộm gây ra. Riêng tội danh bắt, giữ người trái pháp luật mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Lách áp dụng, tôi cho rằng không phù hợp. Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao _________________________________________ Không cần thiết phải xử hình sự Tôi không đồng ý với cách xử lý của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Lách trong vụ này. Cha con anh Trình bắt trộm, đây thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang, người dân nào cũng có quyền bắt để giao cho cơ quan công an. Như vậy việc cha con anh Trình bắt người là đúng pháp luật. Vậy còn việc giữ người từ 2 giờ 30 đến 4 giờ 40 có phải là hành vi giữ người trái pháp luật không? Thời điểm bắt trộm chưa có cơ quan nhà nước nào làm việc, anh Trình cũng đã gọi cho trưởng ấp nhưng không được, vậy nếu muốn giao thì giao cho ai? Trong khi đó, lỗi của người phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật là lỗi cố ý, hướng đến xâm phạm quyền tự do thân thể của người bị hại. Việc giữ người của cha con anh Trình không có chủ đích từ trước, do kẻ trộm vào nhà, cha con anh Trình bắt được thì phải cột, phải giữ lại chứ. Tôi cho rằng việc xử lý hình sự, khởi tố hai cha con anh Trình về tội bắt, giữ người trái pháp luật là không cần thiết. Việc làm của cơ quan CSĐT có thể gây ảnh hưởng không tốt đến phong trào toàn dân phòng, chống, đấu tranh với tội phạm. Luật sư Phan Thiên Vượng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai Hồng Tú ghi |