Bị hại đề nghị trả tự do cho bị cáo để... tiếp tục làm giàu
Bị đề nghị mức án chung thân, ''tiến sỹ dạy làm giàu'' cho rằng dự án sắp có lời thì bị bắt trong khi một số bị hại đề nghị tòa trả tự do cho bị cáo để tiếp tục làm giàu.
Như PLO đưa tin, TAND TP Hà Nội đang xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải, cựu chủ tịch Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện VKS đã đề nghị tòa án tuyên phạt mức án chung thân vì cho rằng hành vi bị cáo Hải là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người. Bị cáo chưa thực sự thành khẩn, chưa nhận thức được hành vi.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc ông Hải trả lại tiền đã chiếm hưởng cho những bị hại có yêu cầu bồi thường.
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Tự bào chữa, bị cáo Hải tiếp tục cho rằng không lừa đảo, các dự án đang đầu tư đều có khả năng sinh lời, nhưng do bị bắt nên dự án dang dở.
Trong phần xét hỏi, bị cáo này cũng phủ nhận hành vi lừa đảo, cho rằng công ty của bị cáo hoạt động hiệu quả bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tất cả khoản đầu tư vào 20 công ty, dự án và cả Công ty IDT đều đang hoạt động rất tốt.
Bị cáo dự kiến sẽ chuyển sang mua cổ phần của một số doanh nghiệp, sử dụng các phương thức hợp tác đầu tư chuyên nghiệp hơn so với hình thức huy động vốn lúc bấy giờ nhưng chưa kịp làm.
Về phía các bị hại có sự phân hóa thành hai nhóm, thứ nhất là những bị hại có quan điểm yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Một nhóm khác cho rằng quan hệ giữa họ và bị cáo là quan hệ dân sự, họ không tố cáo ''tiến sĩ'', đề nghị tòa trả tự do cho bị cáo Hải để cùng tiếp tục làm giàu.
Đây cũng là khía cạnh khiến vụ việc thu hút chú ý của dư luận nhiều năm qua. Trong những phiên tòa trước, có nhiều bị hại đã lên tiếng bênh vực Hải.
Đây là lần thứ hai TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án. Tại phiên sơ thẩm lần đầu năm 2018, tòa án tuyên phạt Hải mức án chung thân. Sau đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định hủy án, yêu cầu điều tra lại số bị hại và thiệt hại…
Theo bản cáo trạng mới ban hành năm 2022, năm 2007, Phạm Thanh Hải thành lập Công ty IDT, giữ vị trí Chủ tịch công ty. Công ty hoạt động đa lĩnh vực nhưng không hiệu quả.
Sau đó, ông Hải lập website hoclamgiau, tổ chức hội thảo dạy làm giàu. Để huy động vốn, ông Hải đưa ra các hợp đồng đầu tư mức lãi suất 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền; khuyến khích mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho hợp đồng mới.
Dù huy động vốn cho cá nhân nhưng bị cáo sử dụng chức danh và con dấu Công ty IDT trong các hợp đồng. Số tiền huy động, bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu để trả lãi và gốc cho các hợp đồng đến hạn, một phần cho đối tác vay, chi trả thưởng hoa hồng.
Tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, bị cáo không thông báo cho họ biết.
Từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015, có hơn 2.500 nhà đầu tư góp 2.700 tỉ đồng tham gia các dự án làm giàu của bị cáo Hải.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Hải chỉ dùng 99 tỉ đồng góp vào một số dự án nhưng hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao. Bị cáo đã mất khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư này.
Tổng số bị hại được xác định là 574 người với số tiền chiếm đoạt là 576 tỉ đồng, được tính là thiệt hại vụ án.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ trong một năm, "tiến sĩ giấy" - bị cáo Phạm Thanh Hải đã huy động được hơn 2.725 tỉ đồng từ 2.574 nhà đầu tư qua 8.303 hợp đồng.