Bị chị ruột kiện vì... nghịch dại
Người em quay nắp cống biểu diễn cho bạn gái xem, không ngờ làm bể đập nuôi tôm của người chị, thế là vợ chồng người chị kiện em ra tòa đòi bồi thường.
TAND tỉnh Bến Tre vừa xử phúc thẩm, tuyên sửa án của TAND huyện Giồng Trôm, buộc ông Hồ Văn Phương phải bồi thường cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột ông Phương) hơn 22 triệu đồng. Đầu cua tai nheo vụ án này bắt nguồn từ… cái nắp cống của đập nuôi tôm.
Quay nắp cống cho bạn gái xem
Theo đơn kiện của vợ chồng bà Thanh, ngày 25/2/2011, ông Phương dẫn bạn gái đến đập nuôi tôm của vợ chồng bà ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) chơi. Tại đây, Phương dùng tay quay nắp cống đập nhấc tấm bửng lên cho cô bạn gái xem. Khi tấm bửng được treo lên, ông Phương bỏ xuống thì tấm bửng bị kẹt lại và bị nước nong làm bể đập, làm toàn bộ số tôm giống đang nuôi trong đập ra ngoài.
Lúc đó con của bà Thanh có gọi điện thoại báo nhưng do đi làm xa, ba ngày sau vợ chồng bà Thanh mới về và gọi điện thoại kêu ông Phương qua đắp đập. Tuy nhiên, ông Phương không qua mà mẹ của ông (cũng là mẹ ruột bà Thanh) có qua đưa cho vợ chồng bà 600.000 đồng. Số tiền này không đủ cho việc đắp lại đập. Bảy tháng sau, bà Thanh kêu xáng cạp lại đắp với chi phí 11,5 triệu đồng. Vợ chồng bà yêu cầu tòa buộc ông Phương phải bồi thường tiền đắp đập 11,5 triệu đồng, tiền thiệt hại về tôm giống 33 triệu đồng, tổng cộng 44,5 triệu đồng.
Thế nhưng ông Phương không thừa nhận việc làm bể đập. Ông nói hôm đó ông chỉ có ý định kéo quay cống đập cho bạn gái coi nhưng do tay quay quá nặng, ông không kéo nổi và không quay được. Đến trưa hôm sau, vợ chồng bà Thanh mới gọi điện thoại báo cho ông biết là đập bị bể. Theo ông, việc đập bị bể không phải do ông vì nó xảy ra sau 24 giờ. Vì vậy, ông không có trách nhiệm phải bồi thường. Việc mẹ ông có đem 600.000 đồng sang cho vợ chồng bà Thanh là để giúp đỡ, hỗ trợ anh chị trong lúc gặp khó khăn chứ không phải bồi thường thiệt hại.
Sơ thẩm: Nguyên đơn có lỗi vì khắc phục muộn
Xử sơ thẩm, TAND huyện Giồng Trôm bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Thanh. Tòa này cho rằng nguyên tắc vận hành của cống quay tay là để kéo bửng lên cho nước ra rạch và vào trong đập. Lúc kéo tay quay, mực nước bên trong và ngoài đập chênh lệch cao nên khi hạ tay quay đóng bửng xuống không kín sát đáy nên nước vẫn chảy ra ngoài. Đồng thời do đất ở khu vực này là đất cát pha, rất dễ sạt lở trôi theo con nước, để lâu ngày sẽ lở trên diện rộng, nếu không khắc phục kịp thời sẽ bể đập, gây thiệt hại lớn.
Theo tòa, việc ông Phương dùng tay quay làm cống bị bể, gây thiệt hại là lỗi của ông Phương. Nhưng sau đó ông Phương có nhờ mẹ của ông đến đưa 600.000 đồng cho ông bà Thanh để khắc phục. Do nguyên đơn không khắc phục ngay lúc đó mà đợi đến bảy tháng sau mới làm là lỗi của nguyên đơn.
Về số tôm giống bị thiệt hại, tòa nói tuy nguyên đơn có chứng từ, hóa đơn mua từ cơ sở QM nhưng lại không chứng minh được số tôm này có thả xuống đập nuôi này không, tôm còn sống hay chết… Từ đó tòa tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn.
Vợ chồng bà Thanh kháng cáo.
Phúc thẩm: Chia đôi thiệt hại
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre cho rằng nhận định và tuyên xử của cấp sơ thẩm là chưa phù hợp. Theo tòa này, việc bể đập bắt đầu xảy ra sau thời gian một con nước lớn ròng. Ông Phương có tác động đến việc quay mặt cống nên ông là người có lỗi trong việc làm bể đập, làm tôm giống thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi đập bị bể, phía vợ chồng bà Thanh không khắc phục kịp thời mà để đến bảy tháng sau mới đắp đập lại để thiệt hại xảy ra ngày một lớn. Do vậy, vợ chồng bà Thanh cũng có lỗi trong vụ này.
Về hóa đơn, chứng từ mua tôm giống, tòa phúc thẩm cho rằng vợ chồng bà Thanh là người dân mua tôm giống nên chỉ nhận hóa đơn bán lẻ, không cần thiết phải nhận hóa đơn giá trị gia tăng làm gì. Và khi đập bị bể, ông bà Thanh đi làm ăn xa ba ngày sau mới về nên tôm thoát hết ra ngoài. Vấn đề này cấp sơ thẩm không xem xét là chưa đúng.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm nhận định do hai bên cùng có lỗi nên phải chia đôi thiệt hại. Tổng thiệt hại là 44,5 triệu đồng, như vậy mỗi bên phải chịu hơn 22 triệu đồng.