Bị cáo nhảy lầu tự tử sau khi tuyên án: Tòa, viện cấp cao rút hồ sơ lên xem xét

Sự kiện: Tin nóng Bình Phước

Các cơ quan tố tụng cấp cao đã rút hồ sơ vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi bị kết án 3 năm tù giam lên xem xét

Chiều 1-6, một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận lãnh đạo TAND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo toàn bộ vụ việc liên quan đến việc ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài) nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi bị tuyên án.

"Sau khi ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh Bình Phước và dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án này, lãnh đạo TAND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo toàn bộ vụ án để xem xét toàn diện, khách quan vụ việc" - lãnh đạo TAND Tối cao cho biết.

Liên quan đến vụ án này, VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng đã rút hồ sơ lên xem xét, kể cả những đơn kêu oan của ông Lương Hữu Phước và đơn kêu oan của người vợ sau khi chồng qua đời. Theo lãnh đạo VKSND Cấp cao tại TP HCM, nếu thấy bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bình Phước có vấn đề thì cơ quan này sẽ kháng nghị giám đốc thẩm bản án để xem xét theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành.

Công an tỉnh Bình Phước đang khám nghiệm hiện trường vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử

Công an tỉnh Bình Phước đang khám nghiệm hiện trường vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) phân tích: "Về thủ tục cấp phúc thẩm xử lại thì cần phải xem xét những vấn đề trước đây chính tòa án phúc thẩm đã đưa ra để hủy án, xem họ đã điều tra đầy đủ chưa? Hủy án điều tra lại thì tại sao cấp phúc thẩm trước hủy án, còn cấp phúc thẩm lần sau lại chấp nhận, tuyên bị cáo 3 năm tù? Như vậy, trong một cấp tòa án lại có sự mâu thuẫn với nhau - cấp phúc thẩm lần trước cho rằng cần phải điều tra lại vì còn nhiều điều chưa rõ ràng nên không thể kết tội; còn lần sau liệu có điều tra gì thêm, có tình tiết nào mới hay không mà lại xử như sơ thẩm?".

Theo ông Vũ Phi Long, "đứng về góc độ chuyên môn thì các cơ quan tố tụng cấp cao cần phải xem xét lại cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, liệu có phù hợp với những thu thập và đánh giá tài liệu hay không? Chính cấp phúc thẩm có sự mâu thuẫn, mâu thuẫn về đánh giá chứng cứ".

Ông Vũ Phi Long cho rằng việc rút hồ sơ lên để xem xét toàn bộ vụ án là cần thiết vì có những lý do có dấu hiệu oan sai, có thể lọt người, sót tội. Trong trường hợp này, cấp cao có thể ra kháng nghị để yêu cầu xử lại, mặc dù ông Lương Hữu Phước đã qua đời nhưng vẫn có thể tiến hành xử lại để đánh giá đúng mức. Nếu ông Phước có lỗi thì tòa hoặc viện có thể đình chỉ điều tra.

Nếu ông Phước có tội và ông đã qua đời thì các cơ quan tố tụng phải đình chỉ điều tra, coi như ông không có tội vì chưa có bản án của tòa, mặc nhiên chưa có án tích. Nếu trường hợp kể cả ông Phước có tội thì ông vẫn không bị xử nữa, điều đó cũng một phần an ủi hương hồn người đã khuất.

Trong trường hợp thứ hai, nếu đưa được ông Lâm Tươi (người chạy xe máy va chạm với ông Phước) ra điều tra thì quá tốt, tránh lọt người lọt tội và dư luận sẽ ổn hơn bởi các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm. Nếu điều tra lại mà ông Phước bị oan thì các cơ quan tố tụng phải ra quyết định minh oan dù ông đã mất.

"Như vậy, kể cả ông Phước có tội hay không có tội thì ông cũng không bị xét xử, không bị kết án vì tòa án không thể đem một người đã chết ra để xét xử" - ông Vũ Phi Long lý giải.

Như Người Lao Động đã thông tin, ngày 26-5, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm lần 2, tuyên phạt ông Lương Hữu Phước mức án 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".

Theo án sơ thẩm, khoảng 11 giờ ngày 15-1-2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn (khu phố Phước An, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài), ông Lương Hữu Phước đi về nhà. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép - do trước đó mang nhầm.

Khi ông Phước điều khiển xe máy quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ đi hát karaoke. Thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm, ông Phước chở ông này về nhà để lấy mũ. Khi đến gần nhà ông Quý (khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy mũ bảo hiểm. Song, ông Quý không chịu xuống nên ông Phước điều khiển xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường.

Khi xe 2 người tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều (hướng ngã ba Trạm điện đi ngã tư Sóc Miên) thì bị một xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển chở một người lưu thông bên phải theo hướng ngã ba Trạm điện - ngã tư Sóc Miên tông phải. Ông Lương Hữu Phước và ông Trần Hữu Quý bị thương, được đưa vào bệnh viện. Đến ngày 17-1-2017 thì ông Quý tử vong.

Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Phước nêu: Ông Trần Hữu Quý bị ngoại lực tác động gây chấn thương vỡ xương sọ, dập não xuất huyết dẫn đến tử vong.

Vụ nhảy lầu tử vong tại toà: ”Ông Phước và chồng tôi là bạn thân, gia đình tôi không khiếu kiện”

Ông Lương Hữu Phước đã nhảy lầu tử vong tại TAND tỉnh sau khi bị tuyên 3 năm tù. Ông Phước và nạn nhân Trần Hữu Quý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN