Bị cách chức vì… tố cáo “sếp”

Ngang nhiên buộc công nhân phải gửi tiết kiệm, đến khi có người thắc mắc thì cách chức, “đuổi” ra đường quét rác

Đó là 2 trong hàng loạt nội dung trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động của nhân viên Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang “tố” lãnh đạo làm việc càn quấy.

O ép đủ đường

Theo đơn kêu cứu, đến nay tại Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị TP Mỹ Tho (Công ty Công trình Đô thị) đã có 9 trường hợp xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, chỉ mới có 2 trường hợp được bồi thường, số còn lại vẫn chưa được giải quyết. Lý do 2 trường hợp được bồi thường là vì họ đã nghỉ việc và tố cáo gửi đến cơ quan chức năng.

Cụ thể, anh Phạm Long Hải cho biết anh đã làm việc tại công ty nhiều năm với công việc hằng ngày là đốn cây nhưng chưa được huấn luyện nghiệp vụ ngày nào. Trong một lần đốn cây trên đường Nguyễn Tri Phương, phường 7, TP Mỹ Tho, anh bị rơi từ cao xuống, gãy cả 2 tay. Sau đó, anh Hải bị cho nghỉ việc với lý do “nghỉ ốm”. Cầm quyết định, anh Hải cầu cứu đến các cấp chính quyền thì được các cơ quan này xem xét.

Cụ thể, tại biên bản hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Mỹ Tho lập “buộc công ty phải chi trả cho anh Hải 20 triệu đồng vì vi phạm Nghị định 45/2003-CP quy định về tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng”. Cũng tại biên bản hòa giải này, ông Huỳnh Đức Nghiệp, Phó Phòng Hành chính Công ty Công trình Đô thị, cho rằng: “Lúc xảy ra tai nạn lao động, đội không báo cáo cho ban giám đốc nên công ty không nắm để báo cáo cho thanh tra lao động”. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trị, cũng giữ chức vụ phó phòng hành chính, thì lại nói: “Khi xảy ra tai nạn, ban giám đốc đã tích cực chỉ đạo đến bệnh viện theo dõi và giải quyết sự cố (?!)”.

Bị cách chức vì… tố cáo “sếp” - 1

Vì dám “tố sếp” mà ông Long từ một đội phó trở thành người quét rác sau 2 lần bị giáng chức

Cũng theo biên bản hòa giải này, đoàn hòa giải còn buộc Công ty Công trình Đô thị phải trả thêm cho ông Nguyễn Văn Minh (1 trong 9 người bị tai nạn lao động) hơn 12 triệu đồng vì bị tai nạn lao động trong lúc làm việc nhưng sau đó, công ty cho nghỉ việc với lý do tương tự như anh Hải.

Đáng nói, theo đơn tố cáo, dù là công nhân lao động quét rác có người lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng ban giám đốc Công ty Công trình Đô thị “trừ” thẳng vào lương mỗi người 1 triệu đồng/tháng để… gửi tiết kiệm. Anh Hải cho biết trong thời gian làm việc tại đây đã bị công ty “ép” trừ thẳng vào lương mỗi tháng 1 triệu đồng để… gửi tiết kiệm. Trong khi đó, theo anh Hải và anh Minh, ở thời điểm bị trừ tiền “tiết kiệm” vô cớ cả 2 anh đã phải đi vay nóng bên ngoài để có đủ tiền trang trải cuộc sống.

Xài luật rừng!

Theo các công nhân ở Công ty Công trình Đô thị, kể từ ngày “trừ” lương công nhân “gửi tiết kiệm” đến tháng 7-2015 là 23 kỳ. Tuy nhiên, báo cáo kết quả thu chi tiền này của Công ty Công trình Đô thị chỉ có 21 kỳ. Số tiền lãi rút ra từ ngân hàng bị “bốc hơi” 51 triệu đồng. Ngoài ra, theo bảng tổng hợp tiền gửi tiết kiệm của công nhân có tháng còn… bị lỗ. Cụ thể, trong một kỳ gửi năm 2012 tổng số tiền gửi là 328,5 triệu đồng nhưng tiền rút ra chỉ có 188 triệu đồng. Tương tự, một kỳ khác của năm 2013 gửi vào 311 triệu đồng nhưng khi rút ra chỉ có 294 triệu đồng.

Trả lời thắc mắc về việc này với công nhân, ông Nguyễn Minh Trị báo cáo “công ty trừ tiền lương của người lao động là 23 kỳ nhưng chỉ có 21 hợp đồng là do tình hình tài chính công ty lúc đó gặp khó khăn nên tháng sau có tiền mới đi gửi. Vấn đề này do ban giám đốc quyết định và đã kiểm tra 21 hợp đồng, giấy nộp tiền nhưng phòng kế toán tài vụ không mang về công ty, tránh mất mát”.

Nhiều công nhân cho rằng “việc giải thích của ông Trị là chưa thỏa đáng vì lương họ bị trừ mà không gửi tiết kiệm cho họ thì số tiền 2 kỳ này lên đến hàng trăm triệu đồng đã đi đâu?”. Không chịu được bất công, ông Trương Văn Long, đội phó đội vệ sinh môi trường, “thắc mắc” thì vài ngày sau, ông Nguyễn Công Khanh, Phó Giám đốc Công ty Công trình Đô thị, ký ngay quyết định điều động ông Long từ đội phó xuống làm tổ trưởng tổ thu phí và miễn nhiệm luôn chức danh bí thư chi bộ đối với ông Long.

Thấy lãnh đạo xài “luật rừng”, ông Long tiếp tục khiếu nại đến UBND TP Mỹ Tho và gửi đơn tố cáo đến cơ quan báo chí. Ngay sau đó, ông Long tiếp tục bị ra quyết định cách chức tổ trưởng và đẩy ra đường quét rác.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho (nguyên Giám đốc Công ty Công trình Đô thị), trần tình: Lý do “ép” công nhân gửi tiền tiết kiệm là do công nhân nghèo nên vận động trích lại hằng tháng để khi công ty lên công ty cổ phần thì công nhân có tiền mua cổ phần. Còn việc công nhân bị trừ 23 kỳ mà chỉ gửi 21 kỳ là do UBND TP Mỹ Tho thiếu tiền công ty kỳ 23 và 22 nhập lại gửi sau. Ông Hoàng cũng thừa nhận việc chủ trương “ép” công nhân gửi tiết kiệm mà tiền lãi bốc hơi là sai nên sẽ khắc phục bằng cách đã chỉ đạo công ty trả lại cho công nhân

Theo Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang, khi đơn vị này tiến hành điều tra tố cáo của công nhân, Công ty Công trình Đô thị TP Mỹ Tho đã nộp lại số tiền gần 400 triệu đồng mà cơ quan công an xác định có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

Thành ủy vào cuộc vụ trù dập ông Long

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Thanh Liêm, Bí thư Thành ủy TP Mỹ Tho, cho biết Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Mỹ Tho đã chính thức vào cuộc để làm rõ những nội dung mà công nhân tố cáo. Đồng thời kiểm tra lại toàn bộ quy trình cách chức, miễn nhiệm ông Long khi ông này đang tố cáo tiêu cực có dấu hiệu trù dập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Sơn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN