Bắt vợ ăn cả tảng thịt sống vì... nấu cơm không ngon!
Vì vợ nấu ăn không ngon, chồng bắt vợ ăn cả tảng thịt sống. Đây là một chuyện đáng sợ về bạo lực gia đình. Đáng buồn thay người vợ vẫn che giấu cho chồng...
Bị cáo mang tội danh hành hạ người khác đứng trước vành móng ngựa luôn miệng kêu oan. Người bị hại vốn là vợ của bị cáo cũng luôn miệng kêu oan cho chồng.
Tôi: “Bị cáo có thừa nhận bản cáo trạng vừa được đại diện Viện kiểm sát công bố là đúng không?”
Bị cáo: “Đúng một phần nhỏ nhưng phần lớn là sai hoàn toàn!”
Tôi: “Phần nào đúng, phần nào sai?”
Bị cáo: “Đúng là tôi có dạy vợ tôi bằng đòn roi, điều đó phù hợp với truyền thống dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”.
Tôi: “Truyền thống có nói bị cáo dạy vợ bằng đòn roi, gậy gộc không?”
Bị cáo: “Tuy là không nhưng bị cáo phải dùng các biện pháp cứng rắn để dạy vợ, trong đó không loại trừ đòn roi”.
Tôi hỏi người bị hại là vợ của bị cáo: “Bà có cho rằng mình đã bị chồng hành hạ bằng bạo lực lên thể xác lẫn tinh thần của mình không?”
Bị hại: “Không. Đó là do chồng tôi trong phút nóng nảy bốc đồng mà thôi!”
Tôi: “Hồ sơ giám định pháp y kết luận bà bị gãy một xương sườn trái, dập phổi, tràn dịch màng phổi. Có đúng là do bị cáo gây ra không?”
Bị hại: “Không. Đó là do tôi… tôi bị tai nạn giao thông.”
Tôi: "Tang vật thu được là chiếc gậy và chiếc đòn gánh là thế nào đối với bà?"
Bị hại: "Đó... đó chỉ là vật dụng trong nhà của tôi mà thôi".
Thật khó lý giải được sự cam phận của người phụ nữ vì thương chồng mà cam chịu bất hạnh.
Tôi hỏi người làm chứng - một người hàng xóm của bị cáo: “Bà có chứng kiến hành vi thô bạo của bị cáo đối với người vợ trong xóm của bà không?”
Người làm chứng: “Có! Tôi thấy mỗi lần ông ta uống rượu về là hay la mắng vợ ồn ào trong xóm”.
Bạo lực gia đình (ảnh minh họa)
Được sự cho phép của Tòa, đứa con trai ấy đứng lên nói: “Thưa Tòa, con là con của người đứng trước vành móng ngựa này, cha của con đã gieo những hình ảnh đau đớn cho chị em tụi con từ thuở bé đến giờ do việc đánh đập mẹ của con”. La mắng vợ cũng chưa đủ cấu thành hành vi hành hạ vợ của bị cáo, nhưng lúc ấy, một đứa con trai của bị cáo giơ tay xin có ý kiến.
Tôi hỏi: “Cha của em đã đánh đập thế nào với mẹ của em?”
Cậu con trai: “Cha con thường dùng gậy, đòn gánh hoặc bất kỳ thứ nào có sẵn để đánh mẹ của con mỗi khi cha của con không hài lòng về mẹ, nhất là lúc ông say rượu. Những lúc ấy chúng con run sợ trước những hình ảnh bạo lực như tra tấn đó…”
Cô gái giơ tay xin được nói thêm. Cô bé nói: “Thưa Tòa, con là con của bị cáo, con xin khai thêm, những trận đòn man rợ ấy đâu đã hết, có lần vì không hài lòng với bữa cơm mẹ nấu mà cha của con đã bắt mẹ phải ăn cả tảng thịt sống trước mắt tụi con”. Nói đến đây cô gái khóc tức tưởi như đang nhìn thấy hình ảnh đau đớn tột cùng tái hiện trước mặt mình.
Phiên tòa hôm ấy, căn cứ vào diễn biến của phiên tòa cùng với các nhân chứng, vật chứng thu thập được có trong hồ sơ, chúng tôi đã quyết định hình phạt thích đáng để trừng phạt cái ác. Dù rằng sau khi tuyên án xong, người bị hai, vợ của bị cáo vẫn khóc gào thảm thiết trước cảnh chồng mình bị còng tay dẫn giải về trại giam.
Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út