Bắt trộm quá đà, thành ra phạm tội: Băn khoăn về tội danh cướp tài sản

Sự kiện: Tin pháp luật

Theo TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), trong trường hợp chứng minh việc bà M tuy bị đe dọa, uy hiếp tinh thần nhưng không bị tê liệt ý chí thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Như PLO đã thông tin, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thu Trang (47 tuổi, ngụ xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) để điều tra tội cướp tài sản (các quyết định này đã được VKS cùng cấp phê chuẩn).

Hành xử kiểu "một lần bắt được, năm bảy lần không"

Theo thông tin ban đầu, bà Trang là chủ tiệm tạp hóa ở xã Nhân Cơ. Gần đây, bà Trang phát hiện tiệm tạp hóa của mình bị mất trộm hàng hóa.

Sáng ngày 17-6, bà NTM (38 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) đến tiệm tạp hóa của bà Trang. Lợi dụng sơ hở, bà M lấy trộm hai cây thuốc lá điếu giấu vào cạp quần. Khi bà M đi ra quầy thu ngân thì bị bà Trang phát hiện. Lúc này, bà Trang dùng tay tát, đánh liên tiếp nhiều cái vào mặt của bà M.

Người làm của bà Trang dắt xe máy của bà M vào bên trong nhà kho rồi đóng cửa lại. Sau đó, bà Trang yêu cầu bà M đưa ví rồi lấy 200.000 đồng cùng giấy tờ, chìa khóa xe, điện thoại di động của bà M rồi bỏ vào hộc bàn tại quầy thu ngân của tiệm.

Bà Trang nói bà M phải bồi thường cho 10 triệu mới trả lại đồ. Tiếp đó, bà Trang yêu cầu bà M viết bản tường trình sự việc, đồng thời viết thêm nội dung bà M phải bồi thường cho bà Trang 10 triệu đồng trong vòng hai tháng.

Sau đó, bà M gọi cho con gái, thông báo việc mình lấy trộm thuốc lá của bà Trang và bị đòi bồi thường 10 triệu đồng mới cho về. Con gái bà M đã chuyển khoản 10 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng của bà Trang, ghi nội dung chuyển tiền là “Trả nợ cô Trang”. Bà Trang sau đó chụp hình bà M rồi báo công an.

Đến ngày 26-6, Công an huyện Đắk R’lấp khởi tố, bắt tạm giam bà Trang về tội cướp tài sản.

Từ đây, nhiều bạn đọc tỏ ra băn khoăn về tội danh mà bà Trang bị khởi tố, cũng như việc có cần thiết phải tạm giam bà Trang hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: YC

Luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: YC

Cưỡng đoạt tài sản hay cướp?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), với thông tin ban đầu, khi bà M đi ra quầy thu ngân thì bị bà Trang phát hiện việc trộm thuốc lá. Lúc này, bà Trang dùng tay tát, đánh liên tiếp nhiều cái vào mặt của bà M. Có thể thấy bà Trang đã dùng vũ lực với bà M. Vì bà Trang đã dùng vũ lực nên nhiều người sẽ cho rằng đây là dấu hiệu của tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, hành vi dùng vũ lực lúc này của bà Trang không đi kèm với việc yêu cầu bà M phải giao tiền hoặc tài sản. Có thể lúc này vì quá bức xúc bị trộm nhiều lần nên bà Trang đã dùng tay tát bà M chứ không nhằm mục đích cướp tài sản vì bà Trang chưa hề đưa ra yêu cầu đòi tiền hay tài sản.

Tiếp theo đó, bà Trang thực hiện các chuỗi hành vi: Yêu cầu người làm dắt xe máy của bà M vào bên trong nhà kho rồi đóng cửa lại, yêu cầu bà M đưa ví rồi lấy 200.000 đồng cùng giấy tờ, chìa khóa xe, điện thoại di động của bà M bỏ vào hộc bàn tại quầy thu ngân. Tiếp đến, bà Trang nói với bà M phải bồi thường 10 triệu mới trả lại đồ. Bà Trang bắt bà M viết bản tường trình sự việc, cùng nội dung bà M phải bồi thường cho bà Trang 10 triệu đồng. Sau đó, bà M gọi cho con gái, nói việc mình lấy trộm thuốc lá của bà Trang và bị đòi bồi thường 10 triệu đồng mới cho về. Con gái bà M chuyển 10 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng của bà Trang...

Luật sư Hòa cho rằng chuỗi hành vi này của bà Trang có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Vì bà Trang chỉ đưa ra lời đe dọa nếu bà M không đưa tiền thì bà Trang sẽ không trả lại tài sản đang giữ của bà M, điều này không thể hiện việc bà Trang sẽ dùng vũ lực tấn công nếu bà M không chuyển tiền cho bà Trang.

Cạnh đó, đối với tội cưỡng đoạt tài sản, “thủ đoạn khác” là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như dọa sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản...

"Vì vậy, hành vi của bà Trang có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, việc cơ quan CSĐT khởi tố bà Trang về tội cướp tài sản mà không phải tội cưỡng đoạt tài sản là chưa phù hợp", luật sư Hòa nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Hòa, bà Trang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là xuất phát từ hành vi vi phạm của bà M. Tình tiết này không thuộc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 51 BLHS. Tuy nhiên, tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

"Khi phát hiện bà M trộm cắp, bà Trang nên giao nộp bà M cho cơ quan chức năng xử lý. Pháp luật không cho phép người dân sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng người dân (nạn nhân) không có quyền được thực hiện các hành vi trái pháp luật. Nói cách khác, pháp luật không cho phép người dân được “tự xử”, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật phải do cơ quan có thẩm quyền và theo trình tự thủ tục luật định. Do đó, người dân cần có những kiến thức, hiểu biết về mặt pháp lý để đảm bảo an toàn cho bản thân khi gặp những sự việc xảy ra tương tự, tránh bắt trộm quá đà mà rơi vào vòng lao lý", luật sư Hòa đưa ra lời khuyên.

TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM)

TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM)

Tình tiết mang tính "bản lề": Bà Trang tát bà M khi phát hiện trộm

Cùng ý kiến về vụ án này, TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội cướp tài sản, hành vi của người phạm tội làm cho nạn nhân bị tê liệt ý chí và khiến nạn nhân tin rằng tính mạng, sức khỏe của họ sẽ ngay lập tức bị xâm hại nếu không thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội.

Trong khi đó, tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS) được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi của người phạm tội tuy tác động đến tinh thần của nạn nhân nhưng chưa đến mức làm cho nạn nhân bị tê liệt ý chí và nạn nhân vẫn còn khả năng, điều kiện, thời gian để suy nghĩ, cân nhắc, quyết định về việc có thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội hay không.

Theo thông tin ban đầu mà báo phản ánh, bà Trang đã thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng của bà M bằng cách: Yêu cầu bà M phải đưa cho bà Trang số tiền 10 triệu đồng trong thời gian hai tháng, nếu không thì bà Trang sẽ không trả lại tài sản của bà M mà bà Trang đã giữ trước đó.

Theo TS Thảo, để định tội cướp tài sản đối với hành vi của bà Trang, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi này làm cho bà M bị tê liệt ý chí, không chống cự được và bắt buộc phải làm theo yêu cầu của Trang để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình. Trong trường hợp chứng minh việc bà M tuy bị đe dọa, uy hiếp tinh thần nhưng không bị tê liệt ý chí, tức vẫn có khả năng suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn về việc làm hay không làm theo yêu cầu của bà Trang thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

"Còn đối với hành vi ban đầu bà Trang dùng tay tát, đánh bà M, nếu CQĐT xác định tài sản chiếm đoạt là 10 triệu đồng (chứ không phải là 200.000 đồng, xe, điện thoại) thì để định tội cướp tài sản, CQĐT cần chứng minh được việc dùng tay đánh bà M phải nhằm mục đích chiếm đoạt được 10 triệu đồng", TS Thảo nói.

Khi nào tạm giam?

Về việc có áp dụng biện pháp tạm giam hay không sẽ tùy thuộc vào loại tội phạm mà bị can bị khởi tố và dựa theo quy định tại Điều 119 BLTTHS.

Theo đó, trong trường hợp bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị can có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam mà không đòi hỏi thêm những điều kiện khác.

Nếu bị can bị khởi tố về tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm thì chỉ áp dụng biện pháp tạm giam khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS như: có dấu hiệu bỏ trốn; có hành vi đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại…

Vì vậy, nếu bị can bị khởi tố về tội cướp tài sản thì có thể áp dụng biện pháp tạm giam. Trường hợp bị can bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản tại khoản 1 Điều 170 BLHS (tội nghiêm trọng) thì chỉ áp dụng biện pháp tạm giam khi có một trong các căn cứ tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS.

TS TRẦN THANH THẢO, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn: [Link nguồn]

Một chủ tiệm tạp hóa ở Đắk Nông bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội cướp tài sản sau khi buộc kẻ trộm phải đưa tiền cho mình. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo YẾN CHÂU ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN