Bắt nhóm lừa đảo hàng trăm tỉ đồng trên Telegram

Nhóm tội phạm đã sử dụng hàng ngàn SIM điện thoại, hàng chục bộ máy tính, viết sẵn các kịch bản lừa đảo nhà đầu tư chuyển tiền.

Chiều 8-7, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá chuyên án sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Công an đã bắt giữ 15 người và theo thống kê sơ bộ, nhóm này chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều người khắp cả nước.

Một số bị can trong nhóm của Nguyễn Hữu Đạt (ảnh nhỏ) bị khởi tố. Ảnh: KL

Một số bị can trong nhóm của Nguyễn Hữu Đạt (ảnh nhỏ) bị khởi tố. Ảnh: KL

Lập tài khoản ảo trên Telegram để lôi kéo nạn nhân

Qua trinh sát trên mạng, PA05 xác định từ đầu năm 2021 có một nhóm người tại TP.HCM sử dụng mạng máy tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều nhà đầu tư.

Công an xác định nhóm này hầu hết còn trẻ, quê ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định và TP.HCM, do Nguyễn Hữu Đạt (23 tuổi, ngụ xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định) cầm đầu.

Đạt đứng ra tập hợp, phân công nhiệm vụ, hướng dẫn cho từng người trong nhóm sử dụng thiết bị công nghệ cao. Nhóm này đặt “đại bản doanh” tại một căn nhà thuê ở TP.HCM, lắp đặt dịch vụ Internet, mua nhiều thiết bị máy tính, SIM số mạng di động để tạo lập các tài khoản Telegram.

Những người này sau đó vào các hội nhóm Telegram, phân tích xu hướng của họ, lên danh sách, kết bạn với những người này rồi giới thiệu họ tham gia vào các nhóm Telegram với khoảng 40 thành viên ảo do nhóm lừa đảo lập ra.

Khi bắt giữ, công an thu giữ một “giáo trình” các kịch bản để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân do Đạt soạn sẵn cho cả nhóm thực hiện.

Nhóm lừa đảo sử dụng phần mềm “Macro Jibit” để tương tác, nhắn tin tự động mời chào tham gia đầu tư các sàn nhị phân của nước ngoài với các nội dung như “cùng ban chuyên gia để thu lợi nhuận”. Các tin nhắn giới thiệu cách thức chơi, đưa ra thông tin giả về việc người chơi đã thắng trước đó, các tin nhắn cám ơn “ban chuyên gia”, hóa đơn giả chuyển tiền... để kích thích nạn nhân.

Trong quá trình tương tác, nhóm này lôi kéo bị hại bằng mức lãi lớn 4%-10% mỗi ngày.

Khi có người đồng ý tham gia đầu tư, nhóm sẽ đề nghị họ chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do nhóm lừa đảo chỉ định.

Sau khi chuyển tiền, người tham gia sẽ được nhóm này đưa vào các nhóm Telegram VIP như “VIP member - tự do tài chính 4.0”, “VIP siêu lợi nhuận mỗi ngày”, “VIP đẳng cấp đầu tư tài chính”...

Trong mỗi nhóm VIP có khoảng 200 tài khoản nhưng chỉ có một tài khoản của bị hại, còn lại là tài khoản ảo của nhóm lừa đảo. “Con mồi” sẽ bị mê hoặc với các thông tin chỉnh sửa kết quả đầu tư thắng mà nhóm này tạo ra rồi gửi cho bị hại.

Lấy tiền xong còn an ủi, chia sẻ với nạn nhân

Lúc đầu, nhóm sử dụng chính tiền của bị hại đã nộp gửi lại cho nạn nhân bằng với tỉ lệ thu lãi như đã thỏa thuận khiến người chơi tưởng mình đã thắng. Sau đó nhóm lừa đảo dụ dỗ “con mồi” gửi tiền đầu tư với số tiền lớn hơn.

Khi bị hại tiếp tục đầu tư, nhóm này chiếm đoạt và gửi thông báo là “ban chuyên gia” đặt cược tiền đầu tư của khách và thua hết tiền.

Các máy tính tang vật dùng vào việc phạm tội bị công an thu giữ.

Các máy tính tang vật dùng vào việc phạm tội bị công an thu giữ.

Để người chơi tin tưởng, nhóm làm giả bảng kết quả chuyển cho nạn nhân và dùng các tài khoản Telegram ảo trong nhóm VIP, thay nhau nhắn tin với nội dung cũng bị thua để nạn nhân nghĩ việc mất tiền là do ngoài ý muốn của “ban chuyên gia”. Nạn nhân sau đó lại tiếp tục gửi tiền cho nhóm lừa đảo...

Khi phá án, công an thu giữ hai ô tô, 57 thùng máy tính để bàn, 55 màn hình máy tính, máy tính xách tay, khoảng 2.400 SIM điện thoại, một máy in đơn hàng cùng nhiều tang vật có liên quan.

Một lãnh đạo PA05 cho biết bước đầu nhóm này đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Theo thống kê ban đầu, nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân ở các tỉnh, thành trên toàn quốc. Số tiền chiếm đoạt, nhóm lừa đảo chia nhau mua ô tô, hàng hiệu…

Khi bắt giữ, công an thu giữ một “giáo trình” các kịch bản để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân do Đạt soạn sẵn cho cả nhóm thực hiện.

Hiện công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Công an tỉnh cũng kêu gọi những người liên quan nhóm lừa đảo này ra đầu thú, đồng thời yêu cầu các nạn nhân trình báo kèm các bằng chứng liên quan để xử lý triệt để nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao này.•

Công an khởi tố 15 người

Công an đã khởi tố 15 người về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Những người bị khởi tố gồm: Nguyễn Ngọc Nhân (21 tuổi), Nguyễn Hữu Nhiệm (26 tuổi), đều ngụ tỉnh Bình Định; Hồ Tạ Quang Huy (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM); Nguyễn Tam Lợi (28 tuổi), Lê Ngọc Sơn (24 tuổi), Trần Nguyễn Công Thành (23 tuổi), Bùi Trung Anh (27 tuổi), Nguyễn Thành Lộc (19 tuổi), đều ngụ tỉnh Gia Lai.

Nguyễn Hữu Đạt, Lê Cao Phúc, Nguyễn Quang Tuấn, Huỳnh Quang Khải, Nguyễn Tiến Đạt, Hà Minh Sang (ngụ hai tỉnh Gia Lai và Bình Định); Nguyễn Đình Kỳ Sơn (ngụ tỉnh Bình Thuận).

Nguồn: [Link nguồn]

1 phụ nữ bị lừa 400 triệu vì sập bẫy ‘cộng tác bán hàng online’

Một phụ nữ bị kẻ gian lừa mất 400 triệu đồng vì sập bẫy “cộng tác bán hàng online” kiếm lời siêu nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trùng Khánh ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN