Bất ngờ tình tiết vụ đương sự định nhảy lầu tại tòa
VKS quận từng kháng nghị bản án sơ thẩm, tại tòa, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị hủy án nhưng HĐXX không chấp nhận.
Như đã phản ánh, chiều 1-7, TAND TP.HCM tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng nguyên đơn là ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và các bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Sau khi tòa tuyên án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Trần Thị Mỹ Hiệp (41 tuổi, vợ ông Dư) đã chạy ra hành lang tòa án định nhảy lầu tự tử. Tuy nhiên, hành động này được lực lượng bảo vệ tòa và những người có mặt kịp thời ngăn cản.
Nội dung tranh chấp
Theo hồ sơ, năm 1999 vợ chồng ông Quý, bà Thủy nhận chuyển nhượng bằng giấy tay 3.500m² đất (thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp) từ ông Huỳnh Hữu Lợi.
Ngày 3-2-2002, vợ chồng ông Quý bán lại cho ông Sĩ diện tích 500m² đất bằng giấy tay. Tiếp đó, ngày 18-4-2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Dư và ông Thắng (cháu ông Dư) mỗi người 87m².
Sau đó, ông Dư nhận chuyển nhượng lại từ ông Thắng và ông Sĩ các phần đất này. Tất cả giao dịch mua bán, chuyển nhượng này đều có lập hợp đồng nhưng không công chứng.
Theo nguyên đơn, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng đã thông báo giao dịch chỉ được ký bằng giấy tay nên bên nhận chuyển nhượng chỉ được phép xây dựng công trình sau khi ký hợp đồng công chứng và hoàn tất thủ tục đăng bộ nộp trước bạ, chuyển mục đích sử dụng, xin giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, bên nhận chuyển nhượng đã không liên hệ với nguyên đơn để hoàn tất các thủ tục nói trên. Ngược lại, bị đơn còn tự ý chuyển nhượng cho nhau những phần đất đã mua cho ông Dư.
Sau đó, ông Dư đã xây dựng trái phép trên phần đất diện tích 674m². Sau khi phát hiện việc này, ngày 29-3-2017, nguyên đơn đã yêu cầu UBND phường xử lý việc xây dựng trái phép và yêu cầu những người này phải hoàn trả phần diện tích đất trên.
Tháng 6-2017, ông Quý khởi kiện ông Dư, ông Thắng, ông Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông với các ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây là vô hiệu.
Đồng thời, ông Quý yêu cầu công nhận phần diện tích đất 647m² đã giao dịch chuyển nhượng với các bị đơn thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Nguyên đơn sẽ hoàn trả số tiền đã nhận chuyển nhượng đất trước đó.
Bị đơn chính trong vụ án là ông Dư cho rằng, sau khi mua đất, gia đình đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai. Ông cũng kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý. Việc ông Quý yêu cầu hoàn trả phần đất 647m² là không đúng và ông yêu cầu tòa đình chỉ vụ án vì nguyên đơn không còn thời hiệu khởi kiện (hai năm theo luật).
Khu đất liên quan trong vụ tranh chấp. Ảnh: Minh Chung
Ông Lê Văn Dư và vợ là bà Trần Thị Mỹ Hiệp. Ảnh: Minh Chung
VKS đề nghị hủy án
Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ. Tòa công nhận 500m² đất cho ông Quý.
Cạnh đó, HĐXX sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Ông Dư được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tách thửa, đăng ký quyền sử dụng đất với 174m2 đã chuyển nhượng.
Sau đó, VKSND quận Gò Vấp có kháng nghị không đồng ý với tòa sơ thẩm về 7 điểm, trong đó nhấn mạnh hai điểm chính. Cụ thể về thời hiệu khởi kiện, theo VKS quận, tòa xác định quyền, lợi ích của nguyên đơn bị xâm phạm kể từ tháng 3-2017 là chưa chính xác.
Thứ hai, theo VKS, việc tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng do nội dung, hình thức trái quy định cũng như việc ông Dư liên hệ đăng ký quyền sử dụng với 174m2 cũng chưa phù hợp.
Tại phiên phúc thẩm ngày 1-7, đại diện VKSND TP.HCM tại tòa đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị, hủy án để xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận ý kiến của đại diện VKS.
TAND TP.HCM nhận định vụ án là tranh chấp quyền sử dụng đất. Đây là tranh chấp không áp dụng thời hiệu theo quy định pháp luật. Trong quá trình sử dụng đất, nguyên đơn có chuyển nhượng giấy tay cho các bị đơn không có đăng ký theo quy định pháp luật.
Việc tòa sơ thẩm chỉ hủy một hợp đồng chuyển nhượng đất là chưa chính xác. Từ đó, HĐXX đã tuyên hủy cả 3 hợp đồng chuyển nhượng và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Quý.
Lãnh đạo TAND TP.HCM nói gì? Sáng 2-7, ông Thái Văn Tuấn, Chánh Văn phòng TAND TP.HCM, cho biết từ trước đến nay tòa luôn có những phương án bảo vệ an toàn cho cán bộ, công nhân, viên chức và những người đến tòa làm việc. “Sự việc lan truyền trên mạng chỉ là từng đoạn ngắn, không phản ánh được toàn diện đối với diễn biến khi tôi là người trực tiếp có mặt” - ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, một đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng là vợ bị đơn (tức bà Trần Thị Mỹ Hiệp - PV) đã có hành động định nhảy lầu. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ tòa và bản thân ông đã kịp thời ngăn cản. Đương sự chỉ nhất thời và sau khi được ông cùng luật sư khuyên can, bà này đã bình tĩnh lại và cùng luật sư rời khỏi phòng xử xuống sân tòa rồi cùng người nhà ra về. Cũng theo ông Tuấn, trong các vụ án dân sự, hành chính..., việc đương sự tỏ ra bức xúc, không hài lòng và có thái độ tiêu cực không phải là hiếm. Vì vậy, tòa án luôn có sự chuẩn bị đảm bảo an toàn cho mọi người tại đây. Ông Tuấn cho rằng tòa phúc thẩm ra phán quyết nhưng cũng chỉ là một giai đoạn của tố tụng. Khi không đồng tình với bản án, đương sự còn có quyền đề nghị các giai đoạn khác đối với vụ án như giám đốc thẩm, tái thẩm... Sự việc đương sự định nhảy lầu chỉ diễn ra trong ít phút và được cán bộ giải quyết tốt, không để bất kỳ việc đáng tiếc nào xảy ra. |
Nguyên đơn: Gia đình cũng rất mệt mỏi Chiều 2-7, trao đổi với PV, phía nguyên đơn cho biết do tuổi già sức yếu nên có mời người đại diện thay mặt tham gia quá trình tố tụng (ông Quý sinh năm 1953, vợ sinh năm 1957 - PV). Tuy nhiên, do vụ án có nhiều vấn đề bị đơn đưa ra mà người đại diện không thể am hiểu hết nên ông mới đến dự tòa. Quá trình tham gia tố tụng, gia đình ông cũng rất mệt mỏi với các yêu cầu về tố tụng của phía bị đơn. Chẳng hạn tháng 3-2019, TAND TP.HCM từng có văn bản không chấp nhận việc bị đơn đề nghị rút vụ án lên TAND TP.HCM để xử sơ thẩm. Tháng 9-2019, luật sư của bị đơn cũng cho rằng thẩm phán của TAND quận Gò Vấp đang giải quyết vụ án không khách quan nhưng TAND TP.HCM đã bác ý kiến và không đồng ý lấy hồ sơ lên. H.Yến ghi ---------------------- Bà Trần Thị Mỹ Hiệp: “Sao lại đối xử với chúng tôi như vậy?” Bị đơn là ông Lê Văn Dư (ngụ quận Gò Vấp) nói: “Tôi từng có đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, vì sợ không khách quan nhưng yêu cầu này không được chấp nhận. Khi ra tòa, chúng tôi đưa ra nhiều bằng chứng nhưng HĐXX không lắng nghe. Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND TP.HCM có kiến nghị hủy án để xét xử lại nhưng HĐXX đã không chấp nhận. Trước đó, VKSND quận Gò Vấp cũng đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm. Việc tòa tuyên vô hiệu cả ba hợp đồng và trả lại tiền tại thời điểm mua là rất vô lý đến mức không thể chấp nhận. Vì uất ức nên vợ tôi đã chạy ra hành lang để nhảy lầu tự tử. Nhưng may thay có một nhà báo (tên Vũ) đứng đó can ngăn kịp thời nên vợ tôi mới giữ được tính mạng”. Bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ ông Dư) nói: “Đất đó là nhà tôi vay tiền để mua, đã trả đầy đủ, có giấy tờ đàng hoàng. Gia đình tôi có làm cả đời cũng không thể trả hết nợ, tôi chỉ mong có một ngôi nhà cho chồng con tôi ở. Chồng tôi ngày xưa cũng đã đi ở đợ cho nhà ông Quý mà, sao lại đối xử như vậy? Tôi cám ơn cậu nhà báo đã ngăn tôi tự tử nhưng giá mà tôi chết thì tốt hơn!”. Minh Chung ghi |
Theo TAND TP.HCM, sự việc lan truyền trên mạng chỉ là từng đoạn ngắn không phản ánh được toàn diện đối với diễn biến...
Nguồn: [Link nguồn]