Bảo vệ bị lâm tặc chém dã man, cán bộ thờ ơ?
Khoảng 20 lâm tặc với dao rựa đã chém dã man một bảo vệ vì bị từ chối cho vận chuyển gỗ lậu qua chốt. Sau khi thoát nạn, dù máu chảy đầm đìa với hàng chục vết thương, nhưng nạn nhân vẫn phải ngồi tường trình sự việc cho cán bộ biên phòng rồi mới được chở đi cấp cứu.
Tường trình của nạn nhân
Nạn nhân là anh Phạm Đình Khánh (32 tuổi, trú tại TP.Kon Tum, là bảo vệ tại Công ty Đoàn Kết - đang khai hoang trồng caosu tại xã Mo Rai, Sa Thầy, Kon Tum).
Hiện, anh Khánh đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 211 (Gia Lai) với 5 nhát chém sâu trên đầu phải khâu 20 mũi; lưng bị 5 nhát sống rựa đập vào; chân phải bị chém gãy xương mắt cá, phải khâu 5 mũi; tay bị hai nhát chém.
PV đã gặp trực tiếp nạn nhân khi sức khỏe anh Khánh đã dần ổn định và nghe tường trình lại vụ việc.
Anh Khánh cho biết: Vào 19h tối 7/3, tôi đang tắm sau dãy nhà tập thể điểm Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thôn 9, xã Mo Rai) thì có 1 người chạy ra sau xin vận chuyển 6 khối gỗ đi, nhưng tôi không đồng ý. Khoảng 16h ngày 9/3, tôi đi tuần về và vào phòng khóa cửa thì thấy chính đối tượng đó kéo 20 người nữa xuống, mang theo một bao rựa, nói ra đây làm việc tí.
Tôi nói mới đi tuần về, phải tắm rửa để tối đi tuần nữa, ngày mai nói chuyện. Vậy là, chúng đạp cửa xông vào, dùng rựa chém tôi rồi kéo ra hiên tấn công tiếp. Khi thấy những người xung quanh nhìn, chúng nói: “Ai nói ra một lời tao cắt lưỡi, coi như không biết gì!”.
Sau đó, chúng kéo tôi ra rừng hoang ngoài đảo hướng hồ thủy điện Sê San 3A. Tôi nói không đi thì chúng lấy bao trùm lại và dùng thuyền máy chở ra.
Trên đường đi chúng không ngừng đánh đập tôi, rồi trói vào gốc cây trong rừng, nhét vải vào miệng. Một tên bảo: “Mày ngồi im thì tao cho mày đường sống, mày trái lệnh tao chặt mày chôn ở đây luôn, để cho bọn tao làm việc cho xong đã (áp tải gỗ)”.
Trói tôi xong, một tên gọi điện bảo: Đại ca, em giữ được thằng lính của anh Đại (GĐ Cty Đoàn Kết) đây rồi, tụi mình cứ áp tải”.
Sau khi áp tải gỗ xong, chúng bỏ đi và nói lại: “Mày tự gỡ ra được thì sống, không thì chết đó luôn đi”.
Khi lâm tặc đã đi hết, tôi cạ tay vào cột cây thoát ra, rồi lảo đảo gần 1 tiếng đồng hồ đi tới bè cá của người dân đang nuôi trên sông nhờ cứu giúp.
Đến khoảng 21h tối cùng ngày, tôi được người dân chở về trạm kiểm lâm và biên phòng thôn 9. Tại đây, tôi gặp trung úy Thái của chốt biên phòng thì ông Thái hỏi sao lên đây mà không báo tạm trú tạm vắng. Tôi nói: “Tụi em là lính của anh Đại. Do công việc của em là đi nắm tình hình và bảo vệ gỗ cho Cty nên không thể lộ thân phận, hơn nữa sếp em đã sắp xếp thì anh cứ gặp sếp em”.
Lát sau, giám đốc Cty gọi điện qua bảo có xe đang chờ bên làng Kom (xã Ia O, Ia Grai, Gia Lai; cách một con sông với thôn 9, xã Mo Rai), rồi kêu họ chở tôi qua để đi cấp cứu, nhưng ông Thái yêu cầu lập văn bản tường thuật lại sự việc. Tôi nói: “Máu em ra nhiều quá, xỉu thì sao?”. Ông Thái bảo: “Xỉu hay không xỉu thì kệ, làm xong văn bản rồi ta sẽ chở mày đi”. Tôi phải ngồi lại gần một tiếng đồng hồ để tường thuật cho ông Thái ghi ra 2 tờ giấy và ký xác nhận. “Khi đó, máu me tôi ướt nhèm, ngồi không nổi” - anh Khánh nhớ lại.
Đến 3h sáng ngày 10/3, anh Khánh mới nhập viện và làm các thủ tục để cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211 (Gia Lai).
Lâm tặc cát cứ?
Anh Khánh cho biết, anh mới lên công tác ở đây được 8 ngày và ngày mà anh bị chém là ngày thứ tám.
Gỗ bị lâm tặc khai thác và chế biến ngay trong rừng ở Kon Tum.
Theo ghi nhận của anh Khánh, tại địa phận trên (thuộc khu vực quanh và trong Vườn quốc gia Chư Mo Rai), gỗ bị khai thác rất nhiều. “Đường gỗ ra qua nhiều đường lắm. Nhiều người sống tại đây đã nói với tôi, trước gỗ ra rất nhiều, từ ngày mày lên thì bị hạn chế, mày xem chừng đó” - anh Khánh cho hay.
Tổ bảo vệ của anh Khánh có 6 người, chốt 6 chỗ và thay nhau liên tục. Chốt của anh Khánh đóng là điểm chính với 4 cái bến gỗ tập kết ra đó. “Đã có hai ba nhóm đã đến xin tôi (cho gỗ qua) và thậm chí đưa cả phong bì, nhưng tôi không nhận” - anh Khánh cho hay.
Theo thông tin mà anh Khánh cung cấp, khu vực này hiện có rất nhiều nhóm chia địa bàn để khai thác, vận chuyển, buôn gỗ trái phép như nhóm ông Bé Độ ở B14 Gia Lai, Tuấn “cóc tía”, Ben (lái xe ben), bà Tuyết “mì”… Bà Tuyết ở bên kia Gia Lai, thường qua bán xăng và tất cả các nhu yếu phẩm cho công nhân trồng caosu. Đến vụ, bà Tuyết vừa buôn mì, vừa buôn gỗ. Một khối gỗ gõ lâm tặc bán cho bà Tuyết giá 4,5 triệu.
Anh Khánh cho biết thêm: “Tối hôm qua, khi đang nằm viện, tôi được báo là lâm tặc cho ra hai xe theo hướng lâm trường mà trên đó toàn gỗ quý như gõ, cà te... Cứ một đêm ra 2 xe/1 chủ với khối lượng phải trên chục khối gỗ, vậy một tháng là bao nhiêu? Mà trên đó phải có khoảng 6 nhóm. Xe được dùng chuyên chở gồm xe Kamaz, xe Ifa chạy từ 6-7h tối để tránh tiếng ồn, vào đêm khuya thì chúng cho máy cày chạy trên đồi cao vì xe lớn không vào được".
Hiện cơ quan chức năng, công an hai huyện Sa Thầy (Kon Tum), Ia Grai (Gia Lai) đang tiến hành khoanh vùng, truy tìm các đối tượng. Hi vọng rằng sự việc trên sẽ được làm sáng tỏ.