“Bão” họ điêu đứng làng quê
Như một kịch bản có sẵn, khi đã gom được số tiền kha khá, chờ đến một ngày đẹp trời, chủ họ bất ngờ tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Đến lúc này, theo hiệu ứng dây chuyền, không chỉ những người trực tiếp tham gia mà cả những người thân quen khác được huy động tiền bạc cũng lâm vào hoàn cảnh hết sức khốn khổ, bán nhà cửa để trả nợ, gia đình ly tán, thậm chí, có trường hợp khủng hoảng tinh thần trầm trọng đã tìm đến cái chết...
Làng quê tan tác...
Đã gần 2 tháng từ khi bà Nguyễn Thị Hóa (58 tuổi, ở xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng) bỗng dưng mất tích khỏi địa phương mang theo hàng chục tỷ đồng tiền vay, góp họ của nhiều người khiến làng trên xóm dưới xôn xao. Trong số này phần lớn là những tiểu thương trong chợ Đồng Quang, người mới tham gia góp họ cũng đã đóng vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới cả tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị S., 65 tuổi, bán hàng nước ngay gần cổng chợ nghe theo lời rủ rê của những người xung quanh, dồn hết tiền của trong nhà tích cóp cả chục năm được 195 triệu đồng để chơi họ. Dự định vài tháng nữa, đến kỳ hạn, bà S. sẽ lấy tiền bốc họ sửa nhà cho con trai cưới vợ, nào ngờ giờ đây mất trắng... Còn nhiều tiểu thương khác ở chợ Đồng Quang, như các chị Vũ Thị H., Vũ Thị V., đều chơi lớn, mỗi người mất đến 1,1 tỷ đồng, nhưng đành ngậm nỗi đau vào trong lòng vì giấu chồng con chơi họ.
Chị Vũ Thị V. cho biết mình chơi đến 3 bát họ, trong đó còn chơi hộ một số người thân. Một bát đóng 20 triệu đồng/tháng, 1 bát đóng 10 triệu đồng/tháng, một bát đóng theo ngày là 300 nghìn đồng/ngày. Không những vậy, chị V. còn giấu chồng vay tiền của họ hàng ở huyện Kiến Thụy được 700 triệu đồng để cho bà Hóa vay với lãi suất 2%/tháng. Đến nay, khi còn vài ngày nữa sẽ được “bốc” đủ 3 bát họ thì xảy ra chuyện chủ họ bỏ trốn. Ngoài chị V., chị H., hàng chục bà con tiểu thương khác ở chợ đều lao đao vì mất vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Cám cảnh nhất là trường hợp gia đình ông Phạm Văn Đ. (68 tuổi), hai vợ chồng thu nhập chính bằng nghề đan lát, mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. Sau hàng chục năm trời mới để dành được 60 triệu đồng, sợ để nhà lại tiêu hết, thấy trả lãi cao nên vợ chồng ông Đ. góp hết vào từ 2 năm trước để khi có việc thì lấy về.
Chủ họ Nguyễn Thị Hóa bỏ đi khiến nhiều người dân khốn đốn.
Mất hết vốn làm ăn, từ gần 2 tháng nay bà con tiểu thương chợ Đồng Quang gần như không hoạt động. Một số người cho biết, họ phải đến chợ bán nốt hàng hóa còn lại trong sạp hàng mà không biết sẽ sống như thế nào trong những ngày tới khi hết hàng. Của đau con xót, một số người tìm đến nhà to tiếng, xô xát với con trai bà Hóa, gây mất an ninh trật tự nhưng vụ việc được lực lượng công an giải quyết kịp thời, không xảy ra hậu quả đáng tiếc...
Đáng lưu ý, cũng trên địa bàn xã Đặng Cương cách đây không lâu đã từng xảy ra vụ việc vỡ họ, khi đó chủ họ là bà Phạm Lê Thanh đã ôm theo hàng tỷ đồng của hàng chục người dân trốn khỏi địa phương. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra tung tích của bà Thanh, người dân đành chịu mất tiền, vậy nhưng nhiều người vẫn không lấy đây làm bài học.
Còn tại xã Lê Lợi bên cạnh, cách đây chưa lâu vợ chồng Ngô Đức Quyến (40 tuổi) và Trần Thị Hiền (49 tuổi) ở thôn Lương Quy sau khi vay của bà con làng trên xóm dưới cả tỷ đồng rồi bỏ đi biệt tích. Có điều là đến tận bây giờ người dân xã Lê Lợi không thể hiểu nổi là tại sao một người tàn tật như Ngô Đức Quyến, phải sống bằng trợ cấp của nhà nước lại có thể vay nợ nhiều người với số tiền lên đến 4-5 tỷ đồng (!?).
Trên địa bàn TP Hải Phòng, không chỉ ở huyện An Dương, các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy có hàng chục vụ chạy họ xảy ra. Như một kịch bản có sẵn, khi đã gom được số tiền kha khá, đến một ngày “đẹp trời” nào đó, các “đại gia” tuyên bố xanh rờn rằng đã... “phá gia”.
Và trong số các con nợ tiền tỷ không thể không nhắc đến những trùm tín dụng đen Vũ Thị Đoan; vợ chồng ông Đỗ Đình Thọ và bà Đỗ Thị Hường, hay vợ chồng ông Trần Đình Quang và Đỗ Thị Tám, cùng ở huyện Tiên Lãng. Ngay cả ở những nơi nghèo nhất của huyện nghèo Tiên Lãng là xã Tiên Tiên, bà Đoàn Thị Bíp cũng gom được tiền tỷ của bà con nông dân, sau đó tuyên bố... vỡ nợ.
Chủ họ Nguyễn Thị Hóa.
Lòng tham và lỗ hổng pháp lý
Những cơn bão họ đã đi qua nhưng còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề, khiến nhiều người dân nông thôn đã nghèo, nay lại càng nghèo khổ hơn. Đã có bao gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái ly tán mỗi người một phương để trốn nợ.
Chị Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương chợ Đồng Quang, xã Đặng Cương, huyện An Dương, cho biết, ban đầu chị chỉ chơi bát họ có 12 người tham gia với thời hạn 12 tháng. Theo luật chơi, mỗi tháng chị phải đóng 5 triệu, nếu lấy cuối cùng tức là sau 12 tháng, ngoài việc lấy về 60 triệu tiền gốc, chị sẽ được thêm 12 triệu tiền lãi, gấp 3-4 lần lãi suất ngân hàng.
Thấy lợi, chị đã rút tiếp 600 triệu đồng tích cóp gửi ngân hàng, đóng cho chủ họ là bà Nguyễn Thị Hóa để chơi bát họ lớn hơn. Nhưng, chuẩn bị đến ngày lấy gốc và lãi, chủ hụi cầm tiền bỏ trốn.
Các tiểu thương tại chợ Đồng Quang cho biết, trong thời gian làm chủ hụi, bà Hóa đã mở song song rất nhiều bát họ, có trị giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng với khoảng 600 người tham gia. Ban đầu, bà Hóa trả tiền rất sòng phẳng nên nhiều người tin tưởng mang hết tiền tích góp, có lúc chơi cả chục bát họ với kỳ vọng được lãi suất cao. Nhưng, từ đầu năm đến nay, bà Hóa âm thầm khất nợ nhiều người chưa trả. Sau đó, bà này và con cháu trong gia đình bỏ trốn khỏi địa bàn, không liên lạc được...
Người dân địa phương cho biết, việc bỏ trốn của bà Hóa có sự chuẩn bị trước. Bởi khi biết tin bà Hóa bỏ đi, những người chơi họ đến đòi tiền, chồng bà Hóa cho biết họ đã ly hôn, ngôi nhà hiện tại sang tên cho con trai. Hiện, vợ chồng con trai cũng ly hôn, ngôi nhà đó thuộc quyền sử dụng của người con dâu nên không liên quan đến bà Hóa.
Cũng giống như nhiều chủ họ khác, cách đây 5-7 năm về trước, vợ chồng bà Vũ Thị Đoan, ở khu 3, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, đứng ra huy động tiền để làm ăn buôn bán, bằng nhiều hình thức như vay lãi, mượn, thế chấp... Với mác chủ tiệm vàng, vợ chồng bà Đoan khá dễ dàng vay mượn của nhiều người với số tiền hàng tỷ đồng. Nhiều người là hàng xóm, anh em bạn bè của vợ chồng bà Đoan cũng tin tưởng huy động tiền của trong nhà, thậm chí đi vay mượn của người khác, rồi mang về cho vợ chồng bà Đoan vay lại chỉ bằng mấy chữ viết tay đơn giản.
Đống sổ nợ và ngôi biệt thự sang trọng.
Tuy nhiên, chỉ vài ba năm sau khi nổi lên như một đại gia nơi phố huyện, vợ chồng bà Đoan bất ngờ tuyên bố... vỡ nợ do làm ăn thua lỗ. Lúc này, mọi người mới nháo nhào tìm đến gia đình bà Đoan đòi nợ, có người còn gây áp lực bằng việc đánh, cãi nhau gây mất an ninh trật tự nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời... khi nào thu xếp được sẽ thanh toán.
Đáng chú ý, trong số chủ nợ của vợ chồng bà Đoan còn có những người ruột thịt đã bị vợ chồng bà lợi dụng vay nợ hàng tỷ đồng. Nhiều người trong số anh chị em bà Đoan hiện đang lâm cảnh khốn khó, phải đi vay nợ, thế chấp nhà cửa của mình để gánh nợ cho bà Đoan. Khi vợ chồng bà Đoan không chịu trả nợ thì họ đã chấp nhận đau xót để đưa chính người chị em của mình khởi kiện ra tòa án.
Đại tá Đỗ Quang Trung, Trưởng Công an huyện An Dương cho biết, thủ đoạn phạm tội trong các vụ vỡ nợ này không có gì mới và cũng không có gì tinh vi, các đối tượng vẫn chỉ hứa lãi suất cao, lần vay đầu trả lãi đầy đủ... Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi chúng đã đánh trúng lòng tham của các nạn nhân. Vì vậy, nhiều người không chỉ thế chấp nhà cửa vay tiền ngân hàng mà còn vay của người khác rồi cho vay lại để hưởng tiền chênh lệch.
Ông Trung cho biết, hiện Công an huyện An Dương đã tiếp nhận được hàng chục đơn kiến nghị, tố cáo của người dân về việc bà Nguyễn Thị Hóa huy động vốn với lãi suất cao sau đó không hoàn trả được với tổng số tiền lên đến gần 30 tỷ đồng... “Song đó chỉ là con số thống kê qua đơn trình báo của người dân, có thể con số thực tế sẽ phải hơn thế rất nhiều” - Đại tá Trung nhận định.
Nói hiện tượng vỡ nợ này cũng như những vụ lừa đảo tín dụng đã từng xảy ra, Đại tá Đỗ Quang Trung khẳng định có một “cái lõi” cắn sâu ở xã hội và trong mỗi con người, đó là thiếu hiểu biết pháp luật khiến người ta sẵn sàng dốc túi, mở tủ cho vay mà không tính toán hậu quả. Những vụ vỡ nợ, lừa đảo tín dụng đã từng xảy ra hình như chưa bao giờ đủ độ cảnh tỉnh, cảnh báo, chưa làm cho nhiều người tỉnh ngộ, mặc dù hàng trăm, hàng nghìn người đã trắng tay.
Ngay cả khi chủ nợ lôi con nợ ra tòa dân sự để thưa kiện, dù có thắng kiện mười mươi thì chủ nợ vẫn chỉ biết kêu “chờ được vạ thì má đã sưng”. Bản thân Cơ quan công an cũng gặp khó khăn trong việc xử lý hình sự hay chỉ là giải quyết dân sự. Ai đời cho vay hàng tỷ đồng mà bằng chứng chỉ là mảnh giấy viết tay. Khó khăn hiện nay trong việc xử lý loại tội phạm này là quy định pháp luật còn chỗ bất hợp lý nên nhiều vụ vỡ nợ vẫn vòng vo tranh chấp dân sự rất khó xử lý.
Mặt khác, kẻ huy động tín dụng hiểu rõ việc huy động vay vốn rồi vỡ nợ là hành vi dân sự, nếu không bỏ trốn thì không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tín dụng đen sẽ vẫn có “đất diễn” và thậm chí sẽ ngày càng gia tăng...
Có thể nói, tín dụng đen là một cái bẫy gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng bẫy tín dụng đen vẫn sập ở nhiều nơi, từ nơi dân trí thấp tại nông thôn, cho tới nơi dân trí cao chốn thị thành. Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng, đến nay cơ quan này đã tiếp nhận hàng chục đơn yêu cầu thi hành án với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong số các đơn yêu cầu này đều tập trung vào một số “con nợ” trước đó đã huy động theo hình thức tín dụng đen.
Ông Bùi Đức Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lãng cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này rất đơn giản là lòng tham. Cùng với đó là sự nhẹ dạ của các nạn nhân còn bị gia tăng thêm bởi bề ngoài “hào nhoáng, thành đạt” và thủ đoạn tinh vi trong việc huy động vốn từ những người thực hiện.
Theo ông Bùi Đức Tiến, trong quá trình tiếp xúc với các bên đương sự để giải quyết vụ việc, tất cả các khoản tín dụng đều không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần một tờ giấy ghi nợ. Những đối tượng huy động vốn đánh đúng vào lòng tham từ việc được trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng.
Vì vậy, nhiều người mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay vốn, sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn, trong khi người vay vốn lại không có tài sản gì đảm bảo cho việc trả nợ.
Với lời hứa trả lãi suất rất cao 6-12%/tháng, nhiều người đã cho Nhàn vay với số tiền lớn. Đến khi mất khả năng thanh...