Báo động kẻ biến thái tấn công trẻ em trên mạng xã hội
Lợi dụng mạng xã hội, kẻ gian trà trộn vào các hội nhóm của học sinh trung học rồi “khủng bố” bằng những hình ảnh nhạy cảm.
Thời gian gần đây, trên các hội nhóm học tập, trao đổi kiến thức, truyện tranh xuất hiện rất nhiều bài viết cảnh báo nạn biến thái tấn công học sinh (HS) bằng những hình ảnh khiêu dâm nhạy cảm. Điều này khiến nhiều HS trở thành nạn nhân, đối mặt với tâm lý bất ổn.
Nạn nhân T.A (17 tuổi, học sinh THPT) cho biết, vừa trải qua cú sốc vì trở thành nạn nhân của một kẻ có hành vi biến thái trên mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Yên
Bị tấn công từ nhóm trao đổi truyện tranh
T.A (17 tuổi, HS THPT) chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM em vừa trải qua cú sốc vì trở thành nạn nhân của một kẻ có hành vi biến thái trên mạng xã hội.
A kể vào khoảng tháng 3-2022, thông qua nhóm “mua bán truyện tranh”, tài khoản Facebook Nhi Trần đã liên hệ để mua truyện tranh của A. Cho rằng người mua là nữ giới và trong nhóm đa số là HS nên A nhiệt tình tư vấn, trao đổi truyện. Tuy nhiên, tài khoản này sau đó liên tục yêu cầu nạn nhân gọi video và bắt phải quay mặt.
“Người đó bảo em gọi video để kiểm tra chất lượng truyện. Hai lần đầu gọi thì do mạng yếu, đến lần thứ ba người đó quay bộ phận nhạy cảm của mình” - A nói và cho biết lúc đó đã rất hoảng sợ rồi làm rơi điện thoại. “Em rất sợ, sau đó em tìm hiểu thì biết tài khoản này đã nhiều lần tấn công các bạn trong nhóm với phương thức tương tự” - A nói thêm.
Chị N.T.T.T (phụ huynh em T.A) cho rằng, đa số các em HS cấp II, III hiện nay đều có điện thoại thông minh, cha mẹ cũng khó kiểm soát được việc sử dụng của con. Trong khi đó, những kẻ này thường lợi dụng những hội nhóm học tập, trao đổi… để tiếp cận các em. “Rất nguy hiểm! Tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến loại tội phạm này” - chị T nói.
Theo tìm hiểu, ngoài việc trao đổi truyện, kẻ gian còn tấn công bằng cách tặng truyện, tặng quà, làm khảo sát… Nếu nạn nhân nhẹ dạ, kẻ gian sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh, số điện thoại, đòi xem hình ảnh riêng tư rồi quay lại uy hiếp nạn nhân.
“Khi bị quấy rối, các em HS cần bình tĩnh và báo lại cho thầy cô để được hỗ trợ, tư vấn...”
Cô Hoàng Thị Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Gặng lấy nhiều thông tin nhạy cảm
Còn tài khoản L.A cho biết, mình bị tấn công bởi một người dùng mạng xã hội tên Anh Lê Xuân. Theo L.A, thanh niên này từng bị xóa khỏi nhiều nhóm quấy rối qua mạng xã hội, nhưng vẫn hoạt động ở nhóm khác rồi lừa đảo và gạ chat khiêu dâm. Đối tượng nhắm đến là các HS nữ.
L.A kể tài khoản Anh Lê Xuân liên lạc với mình để mua sách. Tuy nhiên, người này lại thường xuyên hỏi những câu hỏi mang tính khiêu dâm. Cụ thể, khi nạn nhân trả lời tin nhắn, đối phương sẽ đặt những câu hỏi nhạy cảm như “một ngày đi tè mấy lần”, “quỳ xuống chổng mông vào gương”…
Tài khoản trên còn yêu cầu nạn nhân quay clip ngực gửi cho xem và đề nghị “nhảy nhảy lên như lúc tập thể dục”. Thấy vậy, L.A đã ngừng trò chuyện. “Khi người này hỏi những câu hỏi như vậy, tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi đã cố lái về câu chuyện mua bán sách nhưng không được” - L.A nói.
Trao đổi về vấn đề này, cô Hoàng Thị Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết, nhà trường cần có những buổi sinh hoạt chuyên đề giữa giờ hoặc hướng dẫn kỹ năng cho các em HS. Qua đó, các em sẽ biết cách ứng phó khi gặp những tình huống như trên.
“Khi gặp trường hợp này, các em cần bình tĩnh và báo lại cho thầy cô để được hỗ trợ, tư vấn. Đặc biệt, các em cần dừng ngay việc tham gia để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra…” - cô Vân hướng dẫn.
Cũng theo cô Vân, nhà trường cũng có các biện pháp để giáo dục, hướng dẫn các em ứng phó trước vấn nạn trên. “Ban đầu kẻ gian tham gia các hội nhóm, sử dụng hình ảnh đẹp để tiếp cận các em, khiến các em gửi ảnh cho kẻ gian rồi bị tống tiền sau đó” - vị phó hiệu trưởng chia sẻ và cho biết việc chuẩn bị kiến thức cho các em trong tình huống này là rất quan trọng. Bởi đây là độ tuổi mà các em HS rất dễ tổn thương khi bị tấn công.
Có thể bị truy cứu hình sự Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc phát triển của công nghệ 4.0 đã mang lại nhiều tiện ích như cung cấp, chia sẻ, kết nối thông tin ngày càng nhanh hơn. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tiềm ẩn các mối nguy hiểm, làm xuất hiện các loại tội phạm mới, trong đó có nạn quấy rối tình dục, khiêu dâm. Theo luật sư Trung, tùy vào quy mô, mức độ và tính chất mà người thực hiện hành vi sẽ phải đối diện với các chế tài khác nhau. Cụ thể, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền 5-10 triệu đồng (quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020; sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022). Trong trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực… xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em (Điều 36 Nghị định 130/2021). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hữu Đăng |
Nguồn: [Link nguồn]
Hai cô gái đang chụp ảnh thì tên "biến thái" lại gần rồi khoe "của quý" khiến họ hoảng sợ. Cơ quan công an đã truy xét, bắt giữ kẻ "biến thái".