Báo chí đặt nhiều câu hỏi cho Ban Tuyên giáo về vụ 100 USD
Báo chí đặt nhiều câu hỏi về việc có hay không chuyện cảnh sát kinh tế Cần Thơ khám xét doanh nghiệp không có lệnh khám xét, nếu cơ quan chức năng làm sai thì những thiệt hại của người dân ai sẽ phải chịu trách nhiệm...
Cạnh đó, báo chí cũng đặt câu hỏi qua vụ việc anh Cà Rê đổi 100 USD bị phạt thì làm thế nào để người dân nhận biết được cơ sở nào được phép đổi tiền? Khi vụ việc xảy ra, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến đề nghị UBND TP Cần Thơ miễn tiền phạt và trả lại 100 USD cho anh Cà Rê. Nếu UBND TP Cần Thơ trả lại 100 USD thì căn cứ vào quy định nào bởi trong vụ việc này 100 USD là tang vật mà trả lại là không hợp lý. Vậy ý kiến của UBND TP như thế nào?
Ngoài ra, trao đổi với báo chí, ông Lực chủ tiệm vàng Thảo Lực nói 20 viên kim cương nằm trong tủ tài sản cá nhân, không bày bán. Như vậy lời khai ban đầu của ông Lực với cơ quan công an ra sao? Đối với việc một số báo chí lấy vụ đổi 100 USD để khai thác về ông Hoài Nam thì TP có quan điểm như thế nào?
Chưa hết, báo chí còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc khám xét tiệm vàng Thảo Lực. Theo đó, cảnh sát khám nhà bằng lệnh khám nhà ở do Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký nhưng biên bản lại ghi tổ chức vi phạm là không hợp lý. Hơn nữa, theo hồ sơ vụ việc, chỉ trong vòng 8 tháng mà công an đề nghị Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều tiến hành khám xét đến hai lần thì căn cứ vào đâu, ông Lực đã có dấu hiệu vi phạm gì? Ở lần khám xét đầu tiên, cơ quan chức năng thu được kết quả như thế nào? Vì sao lần khám xét thứ hai lại trùng với việc bắt quả tang anh Cà Rê, liệu anh Cà Rê có phải là "cò mồi" của công an?
Có thông tin cho rằng công an từng đề nghị không xử phạt anh Cà Rê nhưng sau đó lại gặp sự phản ứng của ông Lực nên mới xử phạt luôn anh này. Vậy vụ việc cụ thể như thế nào, công an có từng đề nghị không xử phạt anh Cà Rê hay không?
Trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng có thu giữ của ông Lực một đầu thu camera, sau đó trả lại. Tuy nhiên ông Lực cho biết khi nhận lại thì các dữ liệu trong đầu thu này đã mất hết, tại sao lại như vậy?
Các cơ quan báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
Sau khi giải lao 15 phút, cơ quan chức năng bắt đầu trả lời các vấn đề đại diện các cơ quan báo đài TW, TPHCM và địa phương đặt ra.
Mở đầu, ông Đỗ Hoàng Trung (Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ) cho biết: "Qua các vấn đề báo chí đặt vấn đề, mời đại diện các sở ngành có liên quan sẽ trả lời trước, sau đó tôi sẽ trả lời. Kết thúc họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ trả lời thêm các vấn đề và kết luận cuộc họp báo".
"Nội dung họp báo hôm nay có 17 nhà báo đặt ra 34 câu hỏi liên quan đến các sở ngành và các sở ngành có liên quan sẽ trả lời. Còn vụ việc thông tin về 100 USD, tôi sẽ trả lời" - ông Trung nói.
Mở đầu, ông Trung nói sơ qua thông tin về quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn thành phố, trong đó Sở đang chuẩn bị nội dung làm việc với một số cơ quan báo chí về việc có nội dung đăng tải có dấu hiệu vi phạm về xúc phạm cá nhân.
Ông Đỗ Hoàng Trung - Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP về vụ việc
Đối với vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng cũng như vấn đề xử phạt tiệm vàng Thảo Lực, trong đó có việc tịch thu sung công 20 viên kim cương, ông Trung nói: "Tôi xin thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về việc này. Hôm qua (29-10), UBND TP giao và ủy quyền cho Sở thông tin kịp thời kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy, do Chủ tịch và các PHó chủ tịch đang chủ trì một số cuộc họp của TP. Sau khi báo đăng tải thông tin vụ việc, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát và báo cáo trước ngày 30-10 và đến 29-10 thì phía Công an TP Cần Thơ đã hoàn tất báo cáo cho TP".
Nói đến đây, ông Trung đọc công văn của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ. Theo đó, Công ty Nhân Đạt Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực - PV) không được cấp giấy phép thu đổi ngoại tệ mà lại hoạt động thu đổi ngoại tệ là sai và việc xử phạt DN này là đúng theo quy định tại NĐ 96/2014. Việc xử phạt DN nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với ông Nguyễn Cà Rê đổi ngoại tệ tại nơi không được phép thu đổi ngoại tệ là sai khi căn cứ theo các quy dịnh của pháp luật cũng như văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy hành vi này bị xử phạt theo quy định pháp luật là không sai. Tuy nhiên theo các Điều 76 và Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu người vi phạm có mức bị xử phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên có thể làm đơn để hoãn, miễn giảm một phần hoặc toàn bộ để cơ quan có thẩm quyền. Phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để sửa đổi nghị định 96/2014 cho phù hợp.
Nhiều báo chí chờ đợi đại diện Sở thông tin trả lời câu hỏi
Ông Trung tiếp tục thông báo tinh thần cuộc họp ngày 29-10 của UBND TP cần Thơ với sở, ngành hữu quan và kết luận của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về vụ 100 USD: "Đã nhận đơn của ông Nguyễn Cà Rê và giao Công an TP Cần Thơ xem xét các quy định pháp luật hiện hành để tham mưu cho UBND TP trước ngày 2-11-2018. Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Công an kiểm tra rà soát lại toàn bộ quá trình xử lý vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Thảo Lực, làm rõ những thông tin dư luận quan tâm và báo cáo về Bộ Công an và UBND TP trong thời gian sớm nhất".
"Các vấn đề mà đại diện cơ quan báo đài đặt ra ở cuộc họp hôm nay thì trong cuộc họp ngày 29-10, các cơ quan chức năng và sở ngành hữu quan cũng có đặt ra tương tự như vậy và Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo công an rà soát lại toàn bộ như trên" - ông Trung nói thêm.
Kết luận buổi họp giao ban báo chí, ông Trần Việt Trường (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ nói: "Quan điểm của TP rất rõ ràng. Với sự vụ, sự việc cụ thể, trong đó việc phạt ông Cà Rê và tiệm vàng Thảo Lực là xử lý đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân nếu gặp khó khăn, cũng như tạo điều kiện DN hoạt động".
Ba vấn đề liên quan đến tình trạng pháp lý của ông Nguyễn Cà Rê cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết thấu đáo.